Nhiều nhà vườn trồng quýt lao đao vì chủ vựa trái cây không trả tiền

Ròng rã gần 2 năm qua, nhiều nhà vườn trồng quýt ở huyện Lai Vung 'đội đơn' đi cầu cứu nhiều cơ quan chức năng về việc bà Trần Thị Minh Thùy (44 tuổi, ngụ ấp Tân An, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung) là chủ vựa trái cây Minh Thùy thu mua quýt không trả nợ với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng và có dấu hiệu tẩu tán tài sản. Vụ việc kéo dài vẫn chưa được giải quyết, khiến nhiều người lâm vào cảnh lao đao.

Nhiều nhà vườn phản ánh vụ việc bà Thùy không trả nợ tiền mua quýt

Nhiều nhà vườn phản ánh vụ việc bà Thùy không trả nợ tiền mua quýt

Nhiều nhà vườn khóc ròng

Theo tính toán của các nhà vườn, bà Thùy nợ tiền mua quýt của hơn 20 nhà vườn, mỗi người từ vài chuc triệu đến vài trăm triệu đồng, có người hơn 1 tỷ đồng. Trong số người bị bà Thùy nợ tiền nhiều nhất là bà Phạm Thị Diệu Hiền (ngụ ấp Thới Hòa, xã Vĩnh Thới) với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Trước đây, bà Hiền đi thu mua quýt của nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện Lai Vung để bán lại cho vựa trái cây Minh Thùy.

Thời gian đầu, việc mua bán giữa bà Hiền và bà Thùy diễn ra bình thường, có lòng tin với nhau. “Từ ngày 9/8 - 15/10/2017, bà Thùy có nhờ tôi mua quýt của nhiều nhà vườn nhiều lần với tổng số tiền phải trả cho các nhà vườn hơn 1,3 tỷ đồng. Sau đó, bà Thùy trốn tránh việc trả tiền mua quýt cho tôi để thanh toán lại cho các chủ nhà vườn. Do không chịu nổi áp lực đòi nợ của các nhà vườn, vợ chồng tôi phải đi vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để thanh toán cho các nhà vườn” - bà Hiền nghẹn ngào khi nhắc về số tiền nợ.

Trong tình cảnh nợ nần tiền phân bón, thuốc bảo ve thực vật và diện tích quýt bị nhiễm bệnh chết dần đã khiến cho nhiều nhà vườn lâm vào cảnh lao đao. Nhà vườn Phạm Văn Hùng (ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu) bức xúc cho biết: “Chúng tôi đã gửi rất nhiều đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết xong. Trong khi đó, bà Thùy vẫn sống nhởn nhơ, giàu sang phú quý, còn các nhà vườn lâm vào cảnh khốn cùng, không có khả năng trả nợ ngân hàng, tiền mua thuốc trừ sâu, phân bón”.

Gần 2 năm trước, ông Hùng hy vọng với số tiền bán quýt hơn 570 triệu đồng sẽ xây lại căn nhà đang xuống cấp được khang trang hơn và chăm lo cho 2 người con học đại học. Khi bà Thùy không trả số tiền hơn 570 triệu đồng trên đã khiến gia đình ông Hùng rơi vào cảnh khó khăn, người con trai thứ 2 đang học đại học phải dừng việc học. Năm 2017, ông Hùng phải đi vay ngân hàng số tiền 300 triệu đồng để trả nợ vật tư nông nghiệp và trồng khôi phục lại vườn quýt bị nhiễm bệnh chết cây.

Thời điểm bà Thùy không trả nợ tiền mua quýt, nhiều nhà vườn làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lai Vung. Trong đó, có người được Tòa án thụ lý vụ việc và hòa giải thành. Bà Thùy thống nhất thỏa thuận trả nợ tiền mua quýt nhưng sau đó bà không thực hiện quyết định của Tòa án và Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Lai Vung. Đơn cử như trường hợp của ông Phạm Văn Hùng, ngày 15/6/2018, TAND huyện Lai Vung có Quyết định số 45 công nhận sự thỏa thuận của các đương sự bà Thùy đồng ý trả nợ cho ông Hùng số tiền hơn 570 triệu đồng. Ngày 19/6/2018, Chi cục THADS huyện Lai Vung ra Quyết định số 911 về việc thi hành án yêu cầu bà Thùy trả cho ông Hùng tiền mua quýt còn nợ hơn 570 triệu đồng và lãi chậm thi hành án. Đến nay, bà Thùy chưa trả cho ông Hùng được khoản tiền nào và đối với nhieu nhà vườn khác cũng vậy.

Liệu có dấu hiệu tẩu tán tài sản?

Theo các nhà vườn, bà Thùy có tài sản gồm 2 xe ô tô tải và 16 thửa đất trên địa bàn huyện Lai Vung, có đủ khả năng trả nợ. Tuy nhiên, bà Thùy có dấu hiệu tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Liệu rằng bà Thùy có ai ở phía sau “chống lưng” để tẩu tán tài sản một cách “thầm lặng” như thế? Trường hợp của nhà vườn Phạm Văn Hùng đã có đơn khởi kiện bà Thùy vào ngày 9/4/2018, trước khi tài sản là xe ô tô tải có dấu hiệu tẩu tán. 2 chiếc xe ô tô tải của bà Thùy “hô biến” về đâu?

Ngày 2/7/2018, Chi cục THADS huyện Lai Vung có Quyết định số 38 về việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với 2 chiếc xe ô tô tải biển số 66C-012.07 (đăng ký mới ngày 24/9/2014) và 66C-045.02 (đăng ký mới ngày 18/3/2016) cùng đứng tên Trần Thị Minh Thùy. Đến ngày 9/7/2018, Chi cục THADS huyện Lai Vung tiếp tục ra Quyết định số 31 về việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản đối với 2 ô tô tải nêu trên nêu rõ: “Bà Trần Thị Minh Thùy không được chuyển dịch, sang nhượng 2 xe ô tô tải đến khi thi hành án xong hoặc có quyết định của Chi cục THADS huyện Lai Vung”. Thế nhưng, sau đó chiếc xe ô tô tải biển số 66C-045.02 do bà Thùy đứng tên đã chuyển sang tên bà D.T.B.T. ngụ xã Tân Long, huyện Thanh Bình (đăng ký mới ngày 2/10/2018).

Trước đó, ngày 31/5/2018, bà Thùy cũng đã thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 16 thửa đất cho T.D.T. (ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung) là em ruột của bà Thùy đứng tên. Theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 16 thửa đất là 1,4 tỷ đồng, bà Thùy nộp hồ sơ chuyển nhượng tại Bộ phận một cửa huyện Lai Vung, hồ sơ được chuyển đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện Lai Vung và được hoàn tất thủ tục chuyển nhượng trong cùng 1 ngày 31/5/2018.

Các nhà vườn cho rằng liệu có ai “chống lưng” cho bà Thùy? Bởi vì theo Quyết định số 118 ngày 2/2/2018 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc công bố thủ tục hành chính về lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, xã trên địa bản tỉnh, thời hạn giải quyết đối với Chi nhánh VPĐKĐĐ là 13 ngày để kiểm tra hồ sơ thực hiện các bước như: trích đo địa chính thửa đất và tài sản gắn liến với đất hoặc trích lục bản đồ địa chính, đồng thời chuyển hồ sơ đến UBND xã niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất. Sau khi kết thúc việc niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất UBND cấp xã xác nhận, đồng thời chuyển hồ sơ đến Chi nhánh VPĐKĐĐ thực hiện các bước tiếp theo.

Rõ ràng, quy trình, thủ tục, thời gian thực hiện việc chuyển nhượng các thửa đất có nhiều điểm bất thường?! “Những thửa đất được chuyển nhượng trong thời gian nhanh, hơi bất thường, hiện huyện đang xác minh, làm rõ về vấn đề bất thường để có hướng giải quyết”, một cán bộ UBND huyện Lai Vung cho biết.

Người dân rất mong vụ việc sớm được lãnh đạo cấp trên chỉ đạo, các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc giải quyết, tránh tình trạng xảy ra bức xúc quá mức, gây ảnh hưởng đến địa phương.

Kiến nghị về tỉnh vào cuộc thanh tra

Theo thông tin từ UBND huyện Lai Vung, để làm rõ trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với bà Trần Thị Minh Thùy và T. D.T., đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, Chủ tịch UBND huyện nhận thấy cần tiến hành thanh tra để có kết luận, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật. Do việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà Thùy có liên quan trực tiếp đến đối tượng Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Lai Vung. Hiện nay, Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, vì vậy Chủ tịch UBND huyện không có thẩm quyền thanh tra nên đã có văn bản kiến nghị về tỉnh vào cuộc thanh tra.

DƯƠNG ÚT

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/phap-luat/nhieu-nha-vuon-trong-quyt-lao-dao-vi-chu-vua-trai-cay-khong-tra-tien-87064.aspx