Nhiều nhà xe lo xe dù 'cướp' khách khi dời về Bến xe Miền Đông mới
79 tuyến xe khách đi 15 tỉnh, thành sẽ được di dời sang Bến xe Miền Đông mới. Các đơn vị vận tải lo ngại tình hình giao thông chưa được kết nối sẽ ảnh hưởng đến tiến độ di dời.
Từ 11/10, TP.HCM di dời 79 tuyến xe khách về Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức). Đây là các tuyến đang hoạt động ở bến xe cũ đi 15 tỉnh, thành gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau.
Bến xe Miền Đông mới cách bến xe cũ (ở quận Bình Thạnh) khoảng 20 km. Đây được coi là bến xe lớn nhất cả nước với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, đã được đưa vào hoạt động từ tháng 10/2020.
Cần có phương án trung chuyển khách
Bà Nguyễn Thị Bích Liên (chủ nhà xe Châu Đức) làm việc gần 20 năm tại Bến xe Miền Đông cũ. Người phụ nữ cho hay mới biết được thông tin xe nhà mình được yêu cầu dời sang bến xe mới, tuy nhiên bà chưa nắm rõ lộ trình trung chuyển tuyến thế nào.
"Tôi thấy di dời ra bến xe mới là rất tốt, nơi cũ đã chật chội rồi. Khi xuất phát từ bến xe mới, đường di chuyển sẽ ngắn hơn so với việc phải chạy từ trong thành phố", bà Liên nói.
Tuy nhiên, chủ nhà xe cũng có nhiều lo lắng khi phải di chuyển ra bến xe mới. Theo bà Liên, khách hàng đã quen mối làm ăn ở Bến xe Miền Đông cũ nên sẽ mất nhiều thời gian để họ thay đổi thói quen chạy qua chỗ mới, cách 20 km.
Bà Liên cho biết khi TP.HCM di dời 79 tuyến xe, lượng khách đến Bến xe Miền Đông sẽ bị chia làm hai. Nhiều khách đến TP.HCM qua Bến xe Miền Đông cũ, nhưng sau đó nếu muốn đi một trong 15 tỉnh, thành (nằm trong lộ trình di dời), họ sẽ phải di chuyển 20 km để đến bến xe mới.
"Cần có phương án để trung chuyển khách sao cho thuận tiện giữa hai bến. Nếu không trung chuyển thuận lợi, khách dễ bỏ cả 2 Bến xe Miền Đông mà bắt xe ngoài, khi đó 'xe dù' có cơ hội phát triển", bà Liên nói.
Trong khi đó, anh Phan Ngọc Minh (chủ nhà xe Phước Hải) cũng có nhiều băn khoăn về việc di dời 79 tuyến xe về Bến xe Miền Đông mới. Anh cho rằng việc di dời sẽ gặp khó khăn bởi tình hình phương tiện di chuyển từ trung tâm thành phố ra bến xe mới còn nhiều bất cập.
"Bến xe mới cách chỗ cũ hơn 20 km, xa trung tâm thành phố. Hiện tại bến mới vắng khách, phương tiện chưa được kết nối. Tàu điện metro chưa hoạt động, không có nhiều phương tiện di chuyển thì khách đi ra bến mới bằng cách nào", anh Minh nói.
Anh Ngọc Minh cho rằng nếu muốn các nhà xe đồng lòng di dời ra Bến xe Miền Đông mới, cần dẹp tình trạng xe dù bến cóc. Điều này gián tiếp khiến cho các nhà xe khó tồn tại trong tình hình bến xe cả cũ lẫn mới đều thưa thớt khách.
"Đến bến mới coi như phải làm lại từ đầu. Chúng tôi sẽ rất khó xoay xở nếu như tình trạng xe dù 'cướp' khách vẫn tái diễn", anh Ngọc Minh chia sẻ.
Bến xe cũ sẽ được sắp xếp lại mặt bằng
Trao đổi với Zing, ông Tạ Chương Chín, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), cho biết Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã có văn bản thông báo để các đơn vị thực hiện và phối hợp cho việc di dời 79 tuyến xe khách.
"Khi có chủ trương di dời, Bến xe Miền Đông cũ thực hiện theo kế hoạch. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có vài cuộc họp thêm để chốt lại phương án", ông Chín thông tin.
Thời gian tới, chủ đầu tư đưa ra lộ trình di chuyển các tuyến xe còn lại ra Bến xe Miền Đông mới. Trong khi đó, bến xe cũ sẽ được sắp xếp lại mặt bằng trông giữ xe 2 bánh và ôtô cho hành khách đi xe trung chuyển về bến xe mới.
Với phương tiện trung chuyển, phía bến xe cũ ưu tiên bố trí không gian cho xe buýt, taxi đón, trả khách, văn phòng điều hành và nhà chờ cho hành khách. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ kết hợp khai thác dịch vụ hỗ trợ để cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa xe, rửa xe, cung ứng nhiên liệu, trạm sạc cho các phương tiện.
Trước đó, ở giai đoạn 1 từ tháng 10/2020, Bến xe Miền Đông mới đã tiếp nhận từ bến xe cũ và khai thác 24 tuyến chạy ra phía bắc.
Tuy nhiên, trong 2 năm đi vào khai thác, bến xe này luôn rơi vào tình trạng vắng khách kéo dài do vị trí cách xa trung tâm hơn 20 km, thiếu phương tiện kết nối, bến cũ vẫn còn...