Nhiều nhà xe ở Ninh Thuận tự ý tăng giá vé gần gấp đôi dịp 30/4-1/5
Các nhà xe tự ý điều chỉnh giá vé tăng cao hơn từ 70 đến 130 nghìn đồng/vé so với ngày thường khiến hành khách bức xúc.
Qua đường dây nóng Báo Giao thông, bạn đọc phản ánh về tình trạng trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 các nhà xe khách chạy tuyến Phan Rang-Sài Gòn nâng giá vé cao hơn từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với giá vé ngày thường.
Ngày 30/4, trong vai hành khách mua vé xe tuyến Phan Rang - TP.HCM, PV đã khảo giá vé xe các tuyến trên đều tăng.
Theo đó, giá vé xe được nhân viên các nhà xe thông báo từ 250.000đ -290.000đồng/vé (xe giường nằm loại thường) và từ 322.000 đồng - 370.000 đồng/vé (xe giường nằm dạng vip limousine - PV).
Cụ thể, tại quầy vé nhà xe An Anh ở bến xe khách huyện Ninh Sơn. Nhân viên quầy vé cho biết, giá vé xe giường nằm loại thường là 252 nghìn đồng/vé. Khi PV thắc mắc tại sao giá vé cao hơn so với ngày thường (180 nghìn đồng/vé), nhân viên này cho biết, do dịp này ngày lễ nên giá vé xe tăng hơn so với bình thường.
Trong khi đó, tại quầy vé nhà xe Tuấn Tú (ở bến xe khách huyện Ninh Sơn) nữ nhân viên quầy vé tổ vẻ khó chịu khi PV hỏi giá. Nhân viên này cho biết giá vé đi tuyến Ninh Sơn - Sài Gòn là 290 nghìn đồng/vé. Khi PV thắc mắc, nhân viên này gằn giọng: "Giá nhà xe đưa ra, anh đi hay không thì tùy, không ép”.
PV tiếp tục khảo giá tại phòng vé các nhà xe khác Phan Rang - Sài Gòn 2 và 3/5 như: xe Như Quỳnh, xe Thiện Trí, Đăng Nhân, Tân Hoàng Anh, Hưng Phú Thịnh, Quốc Trung, Liên Hưng… Nhân viên quầy vé các nhà xe này đều thông báo giá vé dao động 250 - 290 nghìn đồng/vé, cao hơn ngày thường từ 70 đến 130 nghìn đồng/vé. Cụ thể: xe Như Quỳnh, Tân Hoàng Anh, Quốc Trung, Đăng Nhân cùng giá 250 nghìn đồng/vé; Thiện Trí, Liên Hưng 270 nghìn đồng/vé (ngày 3/5).
Cầm trên tay vé xe An Anh chạy tuyến Ninh Sơn (Ninh Thuận) - TP.HCM, anh T.D.K ở huyện Ninh Sơn bức xúc: “Dịch bệnh Covid-19 đã không có thu nhập do công ty nghỉ hoạt động, nay mua vé xe trở lại Sài Gòn làm việc thì lại bị nhà xe chặt chém, nhưng không đi không được. Đành ngậm đắng chấp nhận thôi”.
Tương tự chị H.N.H cho biết: “Tôi bị chặt vé 250 nghìn đồng trên chuyến xe Đăng Nhân từ TP.HCM về Ninh Sơn tối 29/4, nay lại phải tiếp tục móc hầu bao mua vé khứ hồi dù ngày đi là tối 4/5 (đã hết 4 ngày nghỉ lễ).
Trao đổi với PV chiều 30/4, ông Phạm Trọng Hùng, Phó giám đốc sở GTVT Ninh Thuận cho biết, theo quy định, giá vé xe do doanh nghiệp tự xây dựng giá, sau đó đăng ký thông qua sở GTVT và sở Tài chính thẩm định, nếu hợp lý, các nhà xe mới được áp dụng. Trong dịp lễ 30/4-1/5 này không thấy doanh nghiệp nào đăng ký giá vé xe mặc dù sở đã có văn bản thông báo gửi đến các doanh nghiệp vận tải. Do đó, hiện nay chưa có văn bản nào chính thức cho phép các nhà xe tăng giá.
Theo thông tin của PV, để đối phó với ngành chức năng khi bị kiểm tra, một số nhà xe bán vé và có biên nhận tạm đặt vé có đóng dấu "tạm thu" theo giá như những ngày thường. Tuy nhiên, sau đó khi lên, xe nhà xe sẽ tiếp tục thu thêm của hành khách.
Ông Nguyễn Văn Mộc, Chánh TTGT ( Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận) cho biết, hiện nay tỉnh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra dịch vụ vận tải hành khách trong dịp 30/4-1/5 nhằm kiểm tra song song việc đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, đồng thời kiểm tra xử lý việc tăng giá vé của các đơn vị vận tải hành khách.
"Sở GTVT chưa có bất cứ một văn bản nào cho phép việc tăng giá vé, việc các nhà xe tự tăng giá là sai. Chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm...", ông Mộc khẳng định.