Nhiều nhóm môi trường lo ngại về tác động vụ nổ tên lửa Starship
Ngày 20/4, tên lửa Starship của SpaceX đã gặp thất bại trong chuyến bay thử đầu tiên của mình khi phát nổ trên không trung, khiến nhiều nhóm vận động môi trường lo ngại về tác động của nó lên con người và động vật.
Theo CNBC trích dẫn thông báo từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ngày 21/4, chương trình phóng tên lửa Starship Super Heavy của SpaceX đã bị đình chỉ trong khi chờ kết quả “điều tra rủi ro” ngay sau vụ nổ như một phần của quy trình tiêu chuẩn. Trước mắt, cơ quan này cho biết vụ nổ tên lửa không gây ra bất kỳ thương tích hoặc thiệt hại về tài sản công nào.
Tuy nhiên, nhiều nhóm vận động môi trường, người dân địa phương và các nhà nghiên cứu đang bày tỏ lo ngại về tác động của vụ nổ đối với cộng đồng địa phương, sức khỏe, môi trường sống và động vật hoang dã sinh sống quanh khu vực phóng tên lửa, trong đó bao gồm cả các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Trước đó, trong một đánh giá môi trường mà SpaceX nộp cho FAA để xin giấy phép phóng tên lửa, công ty đã cho biết trong trường hợp xảy ra bất thường, các mảnh vỡ được dự đoán sẽ rơi xuống một khu vực hạn chế rộng khoảng 283 ha xung quanh địa điểm phóng.
Trên thực tế, hình ảnh được chụp trong chuyến bay thử nghiệm cho thấy bệ phóng của SpaceX cũng phát nổ cùng với tên lửa, khiến các khối bê tông bắn ra nhiều hướng và tạo ra một hố sâu bên dưới. Theo CNBC trích dẫn ông Dave Cortez, một giám đốc tại Sierra Club, một nhóm vận động vì môi trường, “bê tông bắn ra biển và có nguy cơ va vào các thùng chứa nhiên liệu nằm cạnh bệ phóng”.
Ông Cortez cũng cho biết sau chuyến bay thử nghiệm và vụ nổ, người dân tại Port Isabel đã báo cáo về việc cửa sổ rung lắc và vỡ trong khi bụi và các hạt vật chất bất ngờ bao phủ nhà cửa, trường học và khu vực xung quanh. Port Isabel là một thị trấn trên đất liền gần sân bay vũ trụ của SpaceX.
Trong khi đó theo ông Jared Margolis - một luật sư cấp cao tại Center for Biological Diversity, tổ chức này còn lo ngại về tác động của tiếng ồn, hạt vật chất và các mảnh vụn gây ra bởi vụ phóng và vụ nổ tên lửa đối với các loài có nguy cơ tuyệt chủng sống trong khu vực. Chúng bao gồm chim choi choi, chim cút đỏ, báo đốm Mỹ, quần thể mèo rừng và rùa biển bao gồm cả loài Kemp's Ridley làm tổ trên các bãi biển ở Boca Chica - một trong những loài rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới.
Về phía tác động lên sức khỏe con người từ các hạt vật chất thải ra từ vụ phóng Starship, chúng sẽ không trở nên rõ ràng cho tới khi mẫu vật được đánh giá và đo lường toàn diện.
Tuy nhiên theo CNBC phỏng vấn ông Eric Roesch, một kỹ sư môi trường, các vật chất dạng hạt này có liên quan tới các vấn đề sức khỏe như phổi và hô hấp, đồng thời được EPA coi là chất gây ô nhiễm ưu tiên cao. Ngoài ra, ông cũng nói thêm, tác động sức khỏe phụ thuộc vào thời gian và số lượng tiếp xúc cũng như kích thước hạt và thành phần của hạt.
Ông Roesch đã nhiều lần đưa ra cảnh báo FAA và SpaceX đang không đủ thận trọng trong việc phân tích tác động của vụ phóng đối với môi trường, đặc biệt là một vụ phóng lớn như thế này.
Nhận định về tác động lên môi trường, ông Jared Margolis, cho biết: “Chúng tôi không phản đối việc thám hiểm không gian hay phản đối SpaceX. Tuy nhiên trong khi chúng ta đang hướng tới các vì sao, chúng ta cũng không nên làm ảnh hưởng tới các cộng đồng, môi trường sống và các loài sinh vật trong môi trường”.