Nhiều nỗ lực bảo vệ thành quả Chương trình tiêm chủng mở rộng

Những năm qua, Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) trên địa bàn tỉnh được thực hiện rất hiệu quả. Trẻ em, sau khi tiêm chủng không bị 'sốc', biến chứng… Từ chương trình đầy ý nghĩa này, Thái Nguyên đã phòng, chống được nhiều dịch bệnh nguy hiểm như sởi, rubela, lao… Tuy nhiên, thời gian qua, cũng giống như các tỉnh, thành trong cả nước, do nguồn cung ứng vắcxin nằm trong chương trình bị gián đoạn, thiếu hụt nên 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnhcho trẻ trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 34,6%, thấp hơn so với cùng kỳ mọi năm.

Do thiếu hụt nguồn cung ứng vắcxin nằm trong chương trình TCMR, nhiều phụ huynh trong tỉnh tìm đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiêm dịch vụ cho con.

Do thiếu hụt nguồn cung ứng vắcxin nằm trong chương trình TCMR, nhiều phụ huynh trong tỉnh tìm đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiêm dịch vụ cho con.

Hiện nay, trẻ em trên địa bàn tỉnh được tiêm phòng khá nhiều loại vắc-xin miễn phí theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Cụ thể: BCG, phòng bệnh lao và cần được tiêm càng sớm càng tốt sau khi trẻ được sinh ra; viêm gan B liều sơ sinh, được sử dụng để phòng bệnh viêm gan B và cũng cần được tiêm cho trẻ trong vòng 24h sau sinh; Combefive (vắcxin 5 trong 1), phòng được 5 bệnh là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib; phòng bại liệt (OPV) với 3 liều uống; phòng bệnh sởi; tiêm nhắc lại bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DPT), được tiêm khi trẻ đủ 18 tháng; viêm não Nhật Bản.

Bác sĩ Hoàng Anh, Trưởng Khoa Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho hay: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhiều năm qua, nhận thức của người dân, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh về TCMR được nâng lên rõ rệt. Các gia đình đã ý thức hơn trong việc tự nguyện đưa con em mình đến các cơ sở y tế để tiêm chủng đầy đủ các mũi, phòng tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo thời điểm, theo mùa. Từ năm 2018 trở về trước, tỷ lệ tiêm chủng hằng năm của tỉnh luôn đạt từ 97% trở lên, cao hơn so với bình quân chung của cả nước.

Tuy nhiên, từ tháng 11/2018 đến tháng 3/2019, do nguồn vắcxin nằm trong Chương trình TCMR bị thiếu hụt, để đảm bảo cho trẻ được tiêm phòng đúng lịch, thời gian qua, không ít phụ huynh đành đưa con đi tiêm dịch vụ dù chi phí không hề rẻ. Có những gia đình, dù kinh tế không hề dư giả, phải “thắt lưng, buộc bụng” nhưng vì “tương lai con em chúng ta”, vẫn quyết chi số tiền lớn để tiêm phòng cho con. Cụ thể, mỗi trẻ tiêm 3 mũi vắcxin 6 trong 1, có thể phòng chống được 6 loại bệnh gồm bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm màng não, viêm gan B, với giá 1 triệu đồng/mũi tiêm. Ngoài ra, trẻ còn tiêm 4 mũi vắcxin phế cầu (một vi khuẩn thường gây bệnh ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi như các bệnh lý đường tai - mũi - họng như viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa, nặng hơn nữa là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết) với giá 1 triệu đồng/mũi; tiêm1 mũi vắcxin phòng bệnh cúm với giá trên 200 nghìn đồng… Chị Hà Kiều, tổ 5, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) cho hay: Tuy phải bỏ ra số tiền không nhỏ để tiêm dịch vụ cho con nhưng tôi rất yên tâm vì cháu đã được tiêm đúng lịch các loại vắcxin phòng bệnh.

Vậy nhưng, không phải gia đình nào trong tỉnh cũng có điều kiện đưa con đi tiêm dịch vụ, nhất là các hộ dân ở địa bàn vùng khó khăn. Do đó, “giải pháp” của họ chỉ có thể là chờ đợi. Trên thực tế, nguồn vắcxin cung ứng gián đoạn, thiếu hụt là do nhà sản xuất ngừng cung cấp vắcxin choViệt Nam. Bởi vậy, ngành chức năng đã mất gần nửa năm mới tìm được nhà cung ứng vắcxin mới. Tuy nhiên, sự gián đoạn bởi nguyên nhân khách quan này đang gây khó khăn cho Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Thái Nguyên nói riêng và trên cả nước nói chung. Cũng vì lý do này mà việc bảo vệ thành quả của Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia trên địa bàn tỉnh hơn 30 năm khó có thể bền vững. Bởi khi nguồn vắcxin được cung ứng trở lại, nhiều phụ huynh, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, xa lại xuất hiện tâm lý “ngại” đưa con đi tiêm.

Trước thực tế trên, ngành Y tế đã và đang tiếp tục chủ động phối hợp với các cấp, ngành triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa của tiêm vắc xin phòng bệnh. Đặc biệt, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho trẻ em, nhất là những loại vắcxin mới được đưa vào tiêm chủng, Sở Y tế đã chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, tư vấn trực tiếp đến người dân và cộng đồng về lợi ích của một số loại vắcxin mới được đưa vào chương trình TCMR trong từng năm, lịch tiêm chủng, tính an toàn của vắcxin. Cùng với công tác tuyên truyền, Sở Y tế thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã về kỹ năng khám sàng lọc trước tiêm, giám sát phản ứng sau tiêm, quản lý, tổ chức, thực hành tiêm chủng, quản lý dây chuyền lạnh và triển khai các quyết định mới của Bộ Y tế về quy định sử dụng vắcxin trong phòng và điều trị bệnh.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao hơn nữa thì ngành Y tế nên tiếp tục khuyến khích phát triển dịch vụ tiêm chủng chất lượng cao; bảo đảm việc bảo quản, cung cấp vắc xin và vật tư tiêm chủng đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; không ngừng hoàn thiện hệ thống tổ chức và củng cố nguồn nhân lực của chương trình TCMR ở tất cả các tuyến, các cơ sở tiêm chủng.

Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, đòi hỏi sự vào cuộc của các ngành, chính quyền địa phương các cấp trong việc tuyên truyền, vận động người dân đưa con đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch…

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/nhieu-no-luc-bao-ve-thanh-qua-chuong-trinh-tiem-chung-mo-rong-265873-85.html