Nhiều nỗ lực giúp nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học

Tới nay, gần ba triệu người khuyết tật đã được cấp giấy xác nhận khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học. Năm qua, ngân sách cũng dành hơn 17,5 nghìn tỷ đồng để trợ giúp nhóm đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tái hòa nhập cộng đồng đã đáp ứng phần nào nhu cầu của nhóm đối tượng đặc biệt này.

NDĐT- Tới nay, gần ba triệu người khuyết tật đã được cấp giấy xác nhận khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học. Năm qua, ngân sách cũng dành hơn 17,5 nghìn tỷ đồng để trợ giúp nhóm đối tượng bảo trợ xã hội. Công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tái hòa nhập cộng đồng đã đáp ứng phần nào nhu cầu của nhóm đối tượng đặc biệt này.

Gần ba triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật

Thực trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề, tai nạn do bom mìn vẫn liên tục xảy ra. Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom mìn, tổ chức rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng và tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, tái hòa nhập cộng đồng triển khai, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phần nào đáp ứng nhu cầu của đối tượng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng.

Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn toàn quốc đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ, trong đó có nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học.

Năm 2019, gần ba triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật theo quy định tại Thông tư số 01/TT-BLĐTBXH ngày 2-1-2019 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, triển khai các chính sách trợ giúp xã hội với người khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học.

Về trợ cấp hằng tháng, năm 2019, ngân sách nhà nước đã bố trí cho địa phương 17,517 nghìn tỷ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Chính sách này cũng gồm có trợ cấp hằng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội. 131 tỷ đồng cũng dành để thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.

Số liệu ghi nhận, đến nay, cả nước có hơn một triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Hơn 100 nghìn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc người khuyết tật tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Nhiều trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Hướng tới tăng bao phủ chi trả bảo hiểm y tế cho người khuyết tật

Trong lĩnh vực chăm sóc y tế và phục hồi chức năng, gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học, năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Y tế tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả bảo hiểm y tế cho người khuyết tật cũng được đề cập. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển hệ thống y tế lao động xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, tập trung các mục tiêu phát triển các cơ sở sản xuất dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

Hiện cả nước có 50 tỉnh, thành phố triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. 18/50 địa phương triển khai chương trình này tới toàn bộ các huyện, các xã. Hệ thống bệnh viện, trung tâm, các cơ sở chuyên khoa và các khoa phục hồi chức năng tiếp tục được củng cố và phát triển từ Trung ương đến địa phương với 63 Bệnh viện/Trung tâm phục hồi chức năng, 100% bệnh viện đa khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng và cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng ngay tại bệnh viện cho người bệnh, đặc biệt người bệnh mãn tính, người bệnh bị các chấn thương cấp tính, sau phẫu thuật.

Năm 2019, gần 6.500 người khuyết tật đã được hỗ trợ cấp dụng cụ trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng.Sàng lọc cho 8.000 trẻ dưới 6 tuổi và 25.000 người nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe.

Về lĩnh vực giáo dục, cả nước có hơn 1,6 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó có hơn 90 nghìn trẻ khuyết tật nặng bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học có khả năng học tập được đi học hòa nhập ở các trường mầm non và phổ thông.

Riêng về giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm, thống kê chưa đầy đủ cho thấy, khoảng 20.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng tại các cơ sở giáo dục nhà nước; hỗ trợ 2.277 người khuyết tật vay vốn để tạo, duy trì và mở rộng việc làm khoảng 7.000 người khuyết tật.

Cùng với đó, 46 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Các trung tâm trợ giúp pháp lý trong toàn quốc đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 1.265 lượt người khuyết tật có khó khăn về tài chính, thông qua các hình thức: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. So với năm 2018, số lượt người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý với hình thức tham gia tố tụng tăng hơn 50%.

* Việt Nam - một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn, chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới

Theo Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), số bom đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam khoảng 15,35 triệu tấn. Trong đó, có 7,85 triệu tấn thả từ máy bay và 7,5 triệu tấn sử dụng trên mặt đất.

Tỷ lệ bom đạn chưa nổ chiếm khoảng 5% số lượng bom đạn đã sử dụng. Con số này, theo các tài liệu nước ngoài, là 10%.

Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người tử vong, 60 nghìn người bị thương. Phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình và trẻ em.

Nạn nhân bom mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ nhà nước và cộng đồng; được tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế - xã hội.

Triển khai những dịch vụ thiết yếu trợ giúp nạn nhân bom mìn:: Chỉnh hình, phục hồi chức năng; tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý tâm lý, vật lý trị liệu, điều trị qua lao động, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu, đào tạo nghề, dịch vụ việc làm, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội.

XUÂN ĐỨC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43925202-nhieu-no-luc-giup-nan-nhan-bom-min-va-chat-doc-hoa-hoc.html