Nhiều nỗ lực trong công tác vận động phụ nữ tôn giáo

Tăng cường công tác phối hợp; nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện và thi hành pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác vận động phụ nữ có đạo; đổi mới nội dung phương thức truyền thông… luôn là những trăn trở của Hội LHPN Việt Nam trong công tác vận động phụ nữ tôn giáo bởi những đặc thù riêng của nhóm phụ nữ này.

Đề cập đến phụ nữ tôn giáo, bà Trương Thị Thu Thủy, Trưởng Ban Dân tộc – tôn giáo, TƯ Hội LHPN Việt Nam cho biết: “Hiện nay, bên cạnh phần lớn phụ nữ tín đồ các tôn giáo đều chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói giảm nghèo, tham gia các ngày lễ trọng bảo đảm an toàn, đúng lễ nghi tôn giáo và theo quy định của pháp luật thì vẫn còn một bộ phận chị em ngại tham gia hoạt động xã hội”…

“Vẫn còn một bộ phận phụ nữ có đạo bị các thế lực thù địch lợi dụng để chia rẽ, kích động chống phá khối đại đoàn kết toàn dân, gây bất ổn định an ninh, chính trị. Do thiếu hiểu biết và cả tin, một bộ phận phụ nữ ở một số địa phương theo một số đạo lạ, hoặc tự lập ra đạo lạ, hoặc bị lợi dụng kích động tham gia khiếu kiện đông người, có hình thức liên tôn giáo vượt ra khỏi phạm vi quốc gia…”- GS.TS Đỗ Quang Hưng – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về tôn giáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ.

Các đại biểu tham góp ý kiến về công tác vận động phụ nữ tôn giáo. Ảnh: T.H

Các đại biểu tham góp ý kiến về công tác vận động phụ nữ tôn giáo. Ảnh: T.H

Còn ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: “Phụ nữ tôn giáo là một “nhóm đặc thù” và trong công tác vận động có nhiều khó khăn, phức tạp, đa dạng và còn bất bình đẳng giới...”.

Để thực hiện tốt công tác vận động phụ nữ tôn giáo, theo bà Bùi Thị Hòa- Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam thì, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, XII đã xác định nhiệm vụ: “Mỗi cơ sở Hội ít nhất có một mô hình hoạt động phù hợp với nhóm phụ nữ đặc thù, trong đó có tôn giáo; quan tâm đầu tư các chương trình hoạt động về xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền giáo dục cho phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo; và xác định các giải pháp thực hiện, trong đó có giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền, vận động “Lựa chọn nội dung tuyên truyền, giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với các nhóm phụ nữ, đặc biệt quan tâm nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo...” .

Trong 3 năm qua, việc thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo của Hội LHPN Việt Nam đã đạt được nhiếu kết quả tốt về nhiều mặt: Công tác truyền thông; xây dựng tổ chức Hội vùng đồng bào tôn giáo vững mạnh, củng cố lực lượng cốt cán của phong trào; nghiên cứu khoa học, giám sát và phản biện xã hội; vận động, tập hợp, đoàn kết phụ nữ góp phần giải quyết các “điểm nóng” có liên quan yếu tố tôn giáo.

Thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng tập hợp, đoàn kết phụ nữ tôn giáo, một số giải pháp được đưa ra: Tăng cường công tác phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong triển khai các hoạt động vận động tín đồ tôn giáo và phụ nữ tôn giáo; Hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu đề xuất chính sách, giám sát chính sách trong lĩnh vực tôn giáo; đề xuất hoàn thiện và thi hành pháp luật; Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tập hợp, đoàn kết phụ nữ tôn giáo; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác vận động phụ nữ có đạo; Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức truyền thông, vận động, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các nữ tín đồ tôn giáo; Huy động, tập trung nguồn lực cho công tác tập hợp, đoàn kết phụ nữ tôn giáo, ổn định đời sống cho phụ nữ có đạo…

Nam Du

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhieu-no-luc-trong-cong-tac-van-dong-phu-nu-ton-giao-129550.html