Nhiều nỗi lo cho mặt hàng thủy sản

Từ đầu năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục biến động, tạo nên sự phân hóa mạnh ở nhiều phân khúc thị trường. Nguyên nhân chủ yếu được đánh giá là do tác động bởi dịch Covid-19.

Giá tôm thẻ và hải sản tương đối ổn định

Sau khi tăng giá mạnh từ giữa năm 2019, bước sang năm 2020, giá tôm thẻ các kích cỡ tiếp tục mang đến niềm vui cho người nuôi tôm vùng ĐBSCL. Hiện nay, giá tôm thẻ loại 100 con/kg thường xuyên ở mức 90.000-100.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 40 con/kg có giá 137.000-149.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 155.000-165.000 đồng/kg và loại 20 con/kg giá lên đến 233.000-243.000 đồng/kg. Tuy giá tôm thẻ hiện bảo đảm mức lợi nhuận khá cao nhưng vẫn chưa tạo sự yên tâm cho người nuôi.

 Người nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch cá nguyên liệu trong nỗi lo không được giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Người nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch cá nguyên liệu trong nỗi lo không được giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tại tỉnh Sóc Trăng: Sở dĩ giá tôm thẻ vẫn giữ được mức cao là do trước khi kết thúc hợp đồng năm 2019, hầu hết doanh nghiệp đều kịp ký kết hợp đồng cho những tháng đầu năm, dù không nhiều. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta, nhận định: “Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu mặt hàng tôm, cá tra sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn. Vì phía Trung Quốc mua tôm Việt Nam chủ yếu là tôm sú cỡ lớn, nên hiện tại chưa ảnh hưởng nhiều đến giá tôm thẻ-một mặt hàng có sản lượng và giá trị lớn của ngành tôm Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài rất khó để đoán định giá tôm thẻ sẽ biến động theo chiều hướng nào, bởi tất cả còn tùy thuộc vào hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và kết quả của vụ nuôi”.

Cùng có được mức giá tốt như tôm thẻ, giá hầu hết các mặt hàng khai thác biển trong hai tháng đầu năm ở ĐBSCL nhìn chung vẫn khá tốt. Những ngày qua, có mặt tại cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng), chúng tôi chứng kiến cảnh bán, mua diễn ra khá nhộn nhịp mỗi khi có tàu dịch vụ cập bến. Ông Nguyễn Thanh Liêm, chủ đội tàu gồm 9 phương tiện khai thác xa bờ cho biết: “Thông thường sau Tết, lượng người tiêu dùng chuyển sang các loại thực phẩm hải sản khá cao. Năm nay cũng vậy, cùng với đó là giá thịt heo còn cao, gia cầm đang có dịch cúm ở phía Bắc nên giá hầu hết các loại hải sản đều tăng khoảng 10%-20% so với cùng thời điểm năm ngoái”.

Giá cá tra, cua biển giảm mạnh

Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau: Hiện giá tôm sú loại 10 con/kg đang được công ty thu mua ở mức 390.000 đồng/kg, loại 20 con/kg giá 240.000 đồng, loại 30 con/kg giá 170.000 đồng và loại 40 con/kg giá 140.000 đồng, tức giảm bình quân 20.000 đồng/kg, trong khi mùa vụ thu hoạch chính đã bắt đầu. Ông Sơn cho biết: “Tôm sú cỡ lớn chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng do tác động từ dịch Covid-19 nên việc xuất khẩu khó khăn, khiến giá giảm mạnh”.

Tương tự giá tôm sú, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục đà giảm mạnh, xuống dưới 20.000 đồng/kg, tức giảm gần 43% so với cùng kỳ năm 2019. Do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên theo các doanh nghiệp, giá cá tra sẽ khó có thể hồi phục từ nay đến hết quý II-2020. Tiếp nối hai mặt hàng trên, giá cua biển ở các tỉnh: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu cũng giảm mạnh ngay từ sau Tết Canh Tý. Từ mức giá 600.000 đồng/kg lúc trước Tết, cua gạch son giá chỉ còn 170.000-220.000 đồng/kg và hiện đang tăng nhẹ lên mức 250.000-270.000 đồng/kg. Giá cua thịt sau khi chạm đáy mức 150.000 đồng/kg nay cũng hồi phục ở mức 230.000-250.000 đồng/kg.

Một mặt hàng thủy sản giá trị khác của vùng bán đảo Cà Mau là cá bống tượng cũng giảm giá mạnh khiến không ít hộ nuôi thêm lo lắng. Nếu như cùng thời điểm này năm 2019, giá cá bống tượng tại Cà Mau luôn được thương lái thu mua ở mức từ 500.000 đồng/kg trở lên, thì hiện tại giá chỉ còn 250.000-270.000 đồng/kg nhưng vẫn rất khó bán vì ít thương lái đến thu mua bởi thị trường tiêu thụ chính của cá bống tượng là Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan và Hồng Công) sụt giảm vì dịch Covid-19.

Canh cánh nỗi lo

Ở ĐBSCL hiện nay, giá một số mặt hàng thủy sản nuôi trồng khác, như cá chẽm, cá lóc… cũng được ghi nhận ở mức khá thấp. Cụ thể, giá cá lóc loại I hiện chỉ ở mức 26.000-27.000 đồng/kg, tức giảm 5.000-6.000 đồng/kg so với trước Tết; cá chẽm tiếp tục đà giảm từ cuối năm 2019 đến nay và hiện chỉ còn 46.000-47.000 đồng/kg. Theo ông Võ Điền Trung Dũng, chủ trang trại nuôi cá chẽm ở huyện Trần Đề (Sóc Trăng), giá cá chẽm sẽ còn giảm ít nhất trong 2-3 tháng nữa mới có thể phục hồi. Nguyên nhân chủ yếu là do sức tiêu thụ trong nước không tăng nhiều, còn xuất khẩu thì có hạn và giá cũng không cao, nhưng diện tích nuôi cá chẽm thì tăng mạnh từ năm 2019 đến nay, khiến cung vượt xa cầu. Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HTX Dịch vụ và Nuôi trồng thủy sản Cái Bát (Cái Nước, Cà Mau) băn khoăn: “Giá tôm thẻ hiện tại là khá tốt, nhưng chúng tôi vẫn chưa yên tâm vì nếu như dịch Covid-19 kéo dài và lan rộng đến các thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… nhiều khả năng giá tôm thẻ sẽ quay đầu giảm mạnh”.

Cùng chung mối băn khoăn về thị trường tôm, theo ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam: Mặc dù thị trường Trung Quốc tiêu thụ tôm thẻ chủ yếu của Ecuador, Ấn Độ và một số nước khác, nhưng nếu sức mua của thị trường này giảm, một lượng lớn tôm của các nước trên được chuyển hướng sang thị trường khác, như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… khi đó sẽ có tác động không nhỏ đến giá tôm của Việt Nam.

Bài và ảnh: XUÂN TRƯỜNG - HỒNG ĐĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nhieu-noi-lo-cho-mat-hang-thuy-san-611146