Nhiều nỗi lo sau vụ vỡ đập ở Kherson
Trung Quốc kêu gọi duy trì sự an toàn và an ninh của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sau khi xảy ra vụ vỡ đập
Cộng đồng quốc tế đang bày tỏ lo ngại về sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sau khi xảy ra vụ vỡ đập thủy điện Nova Kakhovka trên sông Dnipro tại vùng Kherson hôm 6-6.
Vùng Kherson nằm ở miền Nam Ukraine nhưng được sáp nhập Nga hồi tháng 10-2022 theo sau cuộc trưng cầu ý dân tại đây. Trong khi đó, Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và hiện do lực lượng Nga kiểm soát.
Trước khi xảy ra vụ việc nói trên, hồ chứa của đập Nova Kakhovka đang cung cấp nước để làm mát 6 lò phản ứng, nhiên liệu đã dùng và các máy phát điện khẩn cấp tại nhà máy Zaporizhzhia ở gần đó. Dù các lò phản ứng của nhà máy không còn hoạt động, chúng vẫn cần nước làm mát để bảo đảm không xảy ra thảm họa hạt nhân.
Ukraine, quốc gia từng chứng kiến thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986, đã báo động về vụ việc. Ông Mykhaylo Podolyak, trợ lý của Tổng thống Ukraine, cho rằng thế giới "một lần nữa đứng trước bờ vực thảm họa hạt nhân" khi nhà máy Zaporizhzhia bị mất nguồn làm mát và mối nguy này hiện gia tăng nhanh chóng.
Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 6-6 (giờ TP New York - Mỹ), Nga và Ukraine tiếp tục quy trách nhiệm cho nhau về vụ vỡ đập. Trong khi đó, Mỹ nói "không chắc" ai gây ra vụ việc nhưng cho rằng việc Ukraine phá hủy con đập là vô lý.
Riêng ông Trương Quân, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, lo ngại vụ phá hủy đập có thể gây nguy hiểm cho nhà máy Zaporizhzhia, đồng thời thúc giục Ukraine và Nga bảo đảm điều này không xảy ra.
"Chúng tôi kêu gọi kiềm chế tối đa, tránh những phát ngôn và hành động có thể leo thang đối đầu và dẫn đến tính toán sai lầm, đồng thời duy trì sự an toàn và an ninh của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia" - ông Trương Quân nói thêm.
Phản ứng trước những gì xảy ra ở Kherson, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hôm 6-6 cho biết đang xem xét các lựa chọn để có đủ lượng nước làm mát dù nhận định vẫn chưa có "rủi ro an toàn hạt nhân tức thì".
Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết mực nước trong hồ chứa vào đầu ngày này là khoảng 16,4 m. Nếu con số này giảm dưới 12,7 m, nước thì không thể bơm nước hồ chứa đến làm mát nhà máy được nữa.
Ông Grossi dự báo kịch bản này có thể xảy ra "trong vài ngày". Quan chức này cũng cảnh báo việc không có nước làm mát trong một thời gian dài sẽ khiến nhiên liệu tan chảy và hệ thống phát điện khẩn cấp không thể hoạt động được.
Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra sau đó, IAEA cho biết có một số nguồn cung cấp nước làm mát thay thế, trong đó có ao làm mát nằm cạnh nhà máy. Ao này hiện đầy nước, đủ để cung cấp trong "vài tháng". Vì thế, theo Reuters, IAEA kêu gọi mọi bên bảo đảm nguồn nước làm mát này không bị tổn hại thời gian tới.
Ngoài việc đe dọa đến an toàn của nhà máy Zaporizhzhia, vụ vỡ đập còn khiến hàng chục ngàn người sống gần đó sơ tán để tránh ngập lụt. Theo LHQ, ít nhất 16.000 người đã mất nhà cửa và các nỗ lực cung cấp nước sạch, tiền và sự hỗ trợ pháp lý cho những người bị ảnh hưởng đang diễn ra.
Phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric cho rằng lũ lụt do vụ vỡ đập sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với tình hình nhân đạo tại khu vực, như nước lũ có thể cuốn trôi mìn và vật liệu nổ đến những địa điểm mới.