Nhiều nỗi lo trước năm học mới

Chưa có sách giáo khoa, thiếu đồ dùng học tập, nháo nhào đi mua máy tính hay điện thoại cho con học trực tuyến... là nỗi lo của các bậc cha mẹ trước thềm năm học mới

Chỉ còn ít ngày nữa là năm học mới 2021-2022 bắt đầu nhưng ở khắp các địa phương trong cả nước, phụ huynh học sinh (PHHS) lo lắng khi chưa thể có sách giáo khoa (SGK), đồ dùng học tập để bước vào năm học mới.

"Ngóng" sách giáo khoa

Chị Nguyễn Thu có con năm nay vào lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, TP Hà Nội) phản ánh việc mua SGK là vô cùng vất vả. "Tôi đã đăng ký mua sách ở trường nhưng vẫn chưa có thông tin phản hồi. Tìm mua sách tại các cửa hàng sách và văn phòng phẩm đều đóng cửa nên đành chịu. Trong khi chờ SGK mới, nhiều bạn bè tôi phải lên mạng hỏi xin SGK cũ cho con" - chị Thu bày tỏ.

Trước tình trạng trên, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hà Nội đã trao đổi với Sở Giao thông Vận tải, thống nhất việc phát hành, vận chuyển SGK - đặc biệt là sách lớp 2, lớp 6 - đến tay HS trước khi khai giảng năm học mới.

Học sinh tại TP HCM trong một lễ khai giảng năm học trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Năm nay, việc học trực tuyến sẽ khiến các em gặp nhiều khó khăn Ảnh: ĐẶNG TRINH

Học sinh tại TP HCM trong một lễ khai giảng năm học trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Năm nay, việc học trực tuyến sẽ khiến các em gặp nhiều khó khăn Ảnh: ĐẶNG TRINH

Tại các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội, việc tiếp cận SGK là không dễ dàng. Tại TP Đà Nẵng, theo khảo sát của Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, đến thời điểm này mới có khoảng 60% HS mua được SGK mới, 50% HS mua được đồ dùng học tập.

Theo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, khoảng 95% sách đã được phát hành về các địa phương nhưng việc vận chuyển từ các địa phương đến tay HS ở nhiều nơi còn khó khăn do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận năm học 2021-2022 bắt đầu trong muôn vàn khó khăn khi dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng rất nặng ở nhiều địa phương. "Toàn ngành giáo dục cần chuyển trạng thái để thích ứng với tình hình dịch bệnh, giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch bệnh đến giáo dục, bảo đảm an toàn phòng chống dịch cũng như các yêu cầu chất lượng cốt lõi, hỗ trợ HS, sinh viên khó khăn" - ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Rối bời học trực tuyến

Cùng với SGK là những nỗi lo về việc tổ chức dạy và học, nhất là dạy trực tuyến cho HS tiểu học.

Tại TP HCM, nhiều trường rất lúng túng sau khi Sở GD-ĐT TP yêu cầu tổ chức ghi hình bài giảng trực tuyến cho HS tiểu học. Nhiều nhà trường cũng như PHHS mong muốn dời lịch học để có sự chuẩn bị tốt hơn. Ông Lê Ngọc Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (quận 4, TP HCM), nhận định: "Trong thời điểm này, nhiều gia đình còn đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nếu tổ chức học trên internet thì sẽ không cho con theo học được. Như vậy tạo thêm tâm lý lo lắng, áp lực cho PHHS và cả giáo viên. Chất lượng dạy và học cũng khó mang lại hiệu quả".

Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, TP HCM - đặt vấn đề: Tại sao cứ nhất thiết phải tổ chức học vào lúc này trong khi mọi thứ đều đang rất ngổn ngang? Theo ông Tuyên, ở bậc tiểu học, các em còn quá nhỏ để có thể ngay lập tức vào nền nếp học tập, nhất là hình thức học trực tuyến chỉ phù hợp với HS ở độ tuổi lớn hơn. Ngoài ra, không phải PHHS nào cũng có đủ điều kiện để đồng hành với việc học của con. Nhiều gia đình hiện rất khó khăn, trông chờ từng gói hàng cứu trợ. Một số gia đình ly tán - người ở nhà, người trong khu cách ly, làm sao có thể kèm cặp con học tập. Ông Tuyên kiến nghị: "Ở bậc tiểu học, nếu có thể dời lịch học, theo tôi, cũng chỉ nên học một số môn chính như toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Chỉ kiểm tra, đánh giá những môn này làm điều kiện lên lớp. Môn thể dục, mỹ thuật… không học năm nay thì năm sau học, không ảnh hưởng gì cả!".

Ông Nguyễn Thanh Thủy - Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, TP HCM - cho biết toàn quận hiện có 15% HS không có phương tiện để học tập trực tuyến. "Chúng tôi đã phối hợp các đơn vị tổ chức gửi tài liệu học tập cho các em này nhưng băn khoăn hiện nay là không biết PHHS có điều kiện kèm cặp các em học không. Chúng tôi tính toán khi dịch bệnh được kiểm soát, sẽ tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo riêng cho những em này" - ông Thủy nói.

Địa phương được kéo dài năm học 15 ngày

Trước những khó khăn do dịch bệnh gây ra, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đã kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét việc kéo dài thời gian năm học để bảo đảm chất lượng giáo dục. Phản hồi kiến nghị này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), nói trong khung kế hoạch thời gian năm học mới của Bộ GD-ĐT đã có 2 tuần dự phòng cho những trường hợp đặc biệt như phòng chống thiên tai, khí hậu, thời tiết... Bên cạnh đó, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quyền quyết định thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày, để bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục trong trường hợp đặc biệt. Như vậy, các địa phương hoàn toàn có thể chủ động để có thể có thêm 1 tháng. Nếu trường hợp bất khả kháng tiếp diễn, địa phương thống nhất với Bộ GD-ĐT để có phương án giải quyết.

YẾN ANH - ĐẶNG TRINH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nhieu-noi-lo-truoc-nam-hoc-moi-2021083022403927.htm