Nhiều nông dân đổi đời nhờ chương trình Sinh kế Cộng đồng

Dự án sinh kế cộng đồng tại huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) đã giúp cải thiện cuộc sống của gần 40 hộ nông dân đồng bào dân tộc thiểu số tham gia dự án.

Anh Vàng A Sa – Trưởng nhóm của dự án Vân Hồ là một trong 39 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo thành công nhờ dự án Sinh kế Cộng đồng. (Ảnh: Thanh Thanh)

Anh Vàng A Sa – Trưởng nhóm của dự án Vân Hồ là một trong 39 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo thành công nhờ dự án Sinh kế Cộng đồng. (Ảnh: Thanh Thanh)

Từ ngày 8-9/9, đoàn công tác của Ban Điều hànhChương trình Sinh kế Cộng đồng cùng các cán bộ của các Bộ, ngành đã trực tiếp thăm và đánh giá kết quả hơn 3 năm triển khai dự án trồng rau an toàn thuộc chương trình Sinh kế Cộng đồng được triển khai tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La (dự án Vân Hồ).

Theo đó, tại huyện Vân Hồ, đoàn đã ghi nhận kết quả tích cực của dự án này, cụ thể là, sau 3 năm triển khai dự án, cách thức sản xuất của 39 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (Mường, Thái, H’Mông) tham gia dự án đã thay đổi theo hướng tích cực: sản xuất theo nhu cầu thị trường; canh tác tập trung, có sự hợp tác giữa các hộ nông dân, các hợp tác xã với nhau và với Doanh nghiệp; biết cách xây dựng bao bì, nhãn hiệu logo “Rau an toàn Vân Hồ” và đặc biệt là hình thành phương thức đóng gói hàng chuyên nghiệp cũng như ứng dụng kỹ thuật trồng cây theo phương pháp rau an toàn và VietGAP.

Anh Vàng A Sa (35 tuổi, ở Bản Bó Nhàng 2, Huyện Vân Hồ, Tỉnh Sơn La), Chủ nhiệm Hợp tác xã Vàng A Sa – Trưởng nhóm của dự án Vân Hồ cho biết, mấy năm trước, gia đình anh vốn mưu sinh bằng nghề trồng các loại rau truyền thống trên khoảng đất 1.000 m2, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.

Mặt khác, canh tác trước đây chủ yếu là trồng đậu, bí… ít chủng loại, sản lượng thấp, chất lượng kém do cách thức canh tác lạc hậu, dựa theo kinh nghiệm là chính. Hệ quả là, đầu ra sản phẩm không ổn định, do chỉ bán cho thương lái, thường xuyên bị ép giá. Không tiếp cận được thị trường. Sản phẩm mạnh mún, nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Không có sự liên kết giữa nông dân với nhau, giữa nông dân với Hợp tác xã, Doanh nghiệp; chưa có chuỗi giá trị và không có bất kỳ sản phẩm nào được tiêu chuẩn hóa, nhãn hiệu, bao bì…

Cơ hội đến với anh Vàng A Sa, khi Ban điều hành chương trình Sinh kế Cộng đồng đã chọn lựa Vân Hồ làm nơi triển khai dự án Sinh kế kể từ tháng 6/2018. Sở dĩ chọn địa bàn này là bởi, Vân Hồ là huyện nghèo của tỉnh Sơn La, và nơi đây có đa số là đồng bào thiểu số sinh sống.

Từ khi tham gia dự án Sinh kế Cộng đồng, anh Vàng A Sa đã được cán bộ phụ trách chương trình sinh kế của Central Retail và cán bộ khoa học từ tổ chức Phi chính phủ ACIAR (Australia) hỗ trợ tập huấn về sản phẩm; được tư vấn kiến thức về thị trường, định hướng sản xuất; và được hướng dẫn trồng đa dạng các loại cây, đặc biệt là cây trái vụ cho sản lượng cao, giá thành tốt, phù hợp với khí hậu của huyện Vân Hồ.

Sau 3 năm triển khai dự án Sinh kế Cộng đồng tại Vân Hồ, tới nay, khoảng 70% nông sản của HTX Vàng A Sa sản xuất được Central Retail tiêu thụ thông qua hệ thống GO! / Big C - tương ứng với khoảng 250 tấn nông sản các loại (bắp cải, đậu cove, dưa chuột, bầu dài, bí đỏ, bí xanh, su hào, khoai lang ruột vàng, củ cải trắng, cải thảo…), đạt doanh thu trung bình khoảng 300 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, cuộc sống của Vàng A Sa và 39 hộ dân tham gia dự án Sinh kế Cộng đồng đã dần thay đổi, nhờ thu nhập đã tăng 200%, giá trị sản xuất tăng gấp đôi, từ 25- 30 triệu đồng/ha lên 50 – 60 triệu đồng/ha.

Đánh giá về hiệu quả của dự án Vân Hồ, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết, dự án sinh kế cộng đồng tại Vân Hồ đã giúp cải thiện cuộc sống của gần 40 hộ nông dân đồng bào dân tộc thiểu số tham gia dự án Vân Hồ, bởi thu nhập của họ đã tăng 200% nhờ giá trị sản xuất tăng gấp đôi: từ chỗ trước đây mỗi năm chỉ sản xuất 01 vụ đạt 25 – 30 triệu đồng/ ha, thì nay thu nhập của bà con đã tăng lên 50 – 60 triệu đồng/ha, nhờ sản xuất thêm rau trái vụ, tức sản xuất quanh năm thay vì chỉ 06 tháng như trước đây.

"Thành công của dự án Sinh kế Cộng đồng tại Vân Hồ cho thấy, khi người nông dân được định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường có thể tránh rơi vào cảnh được mùa rớt giá. Như vậy, Chương trình Sinh kế Cộng đồng đã thực sự phát huy tác dụng, mở ra cơ hội thị trường và mang lại nhiều sự đổi thay cho cuộc sống của người nông dân nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng biên cương của Tổ quốc", bà Phương khẳng định.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhieu-nong-dan-doi-doi-nho-chuong-trinh-sinh-ke-cong-dong-123587.html