Nhiều nước cắt viện trợ đặt Gaza trước thảm họa
Một loạt nước quyết định tạm dừng tài trợ cho Cơ quan Cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) sau khi Israel cáo buộc một số nhân viên của cơ quan này đã tham gia vào cuộc tấn công ngày 7-10-2023 của Hamas nhằm vào Israel. Trong bối cảnh cuộc sống của người dân Palestine ở dải Gaza lâm vào cảnh cùng cực vì xung đột giữa Hamas và Israel kéo dài, việc cắt viện trợ này đang gây rất nhiều quan ngại.
Trên mạng xã hội X, ông Philippe Lazzarini, người đứng đầu UNRWA cho biết, ông bị sốc trước quyết định dừng viện trợ của một số quốc gia bởi hành động này sẽ đe dọa hoạt động cứu trợ nhân đạo của cơ quan tại khu vực, bao gồm cả dải Gaza, vốn đang phải đối mặt với khủng hoảng nhân đạo. Trước đó, UNRWA đã chỉ trích các quốc gia ngừng tài trợ và gọi đây là “hình phạt tập thể” mới nhằm vào cư dân ở dải Gaza. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao của chính quyền Palestine ở Bờ Tây đã chỉ trích quyết định dừng tài trợ này, đồng thời kêu gọi nối lại “viện trợ tối đa” cho người dân ở Gaza. Theo chính quyền Palestine, việc ngừng tài trợ cho Cơ quan cứu trợ người Palestine của Liên hợp quốc (LHQ) mang lại những rủi ro lớn về chính trị và hoạt động cứu trợ. Còn người phát ngôn của Tổng thống Palestine cho rằng đây là một cuộc chiến nhằm vào người dân Palestine và quyết định sai lầm này nên dừng lại ngay lập tức, đồng thời kêu gọi các nước tài trợ trở lại vì đây là vấn đề nhân đạo.
">
Người tị nạn Palestine nhận lương thực cứu trợ từ UNRWA ở dải Gaza ngày 28-1-2024. Ảnh: AFP
Nhằm xoa dịu các nước, UNRWA đã ngay lập tức chấm dứt hợp đồng của một số nhân viên được cho là có liên quan đến vụ tấn công nhằm vào lãnh thổ Israel và mở một cuộc điều tra độc lập nhằm xác minh sự thật. Theo ông Lazzarini, chính quyền Israel đã cung cấp cho UNRWA thông tin về các cáo buộc có liên quan đến một số nhân viên UNRWA trong vụ tấn công.
Theo Reuters, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã được thông báo về cáo buộc và “rất choáng váng”. Theo ông Stéphane Dujarric-người phát ngôn Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres đã yêu cầu tiến hành điều tra để bảo đảm bất kỳ nhân viên UNRWA nào được cho là đã tham gia hoặc tiếp tay cho vụ tấn công cũng sẽ bị chấm dứt hợp đồng ngay lập tức và đối mặt với khả năng bị truy tố hình sự. Tổng thư ký Guterres cho biết có 12 nhân viên liên quan. Trong số đó, 9 người đã bị sa thải, 1 người đã chết và danh tính của 2 người còn lại đang được làm rõ. Tổng thư ký Guterres kêu gọi “các chính phủ đã ngừng đóng góp ít nhất hãy bảo đảm tính liên tục cho các hoạt động của UNRWA”. Ông Lazzarini cũng kêu gọi các nước “xem xét lại quyết định của mình trước khi UNRWA buộc phải đình chỉ hoạt động cứu trợ nhân đạo”.
Lời kêu gọi của lãnh đạo LHQ được đưa ra sau khi một loạt nước tạm dừng tài trợ cho UNRWA, bao gồm các nước tài trợ hàng đầu như Mỹ và Đức. Theo Reuters, Áo cùng với Anh, Đức, Mỹ, Australia, Canada và nhiều nước khác đã tạm đình chỉ tài trợ cho UNRWA. Kyodo ngày 29-1 cho biết, Nhật Bản cũng đã quyết định tạm dừng tài trợ cho UNRWA. Các nước đồng loạt tạm dừng viện trợ và kêu gọi tiến hành điều tra làm rõ vụ việc sau khi Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz, kêu gọi thay thế UNRWA và kêu gọi thêm nhiều quốc gia cắt giảm tài trợ cho cơ quan LHQ này.
Kể từ khi cuộc xung đột giữa Hamas và Israel bắt đầu, phần lớn người dân ở dải Gaza phải phụ thuộc vào viện trợ mà UNRWA cung cấp. Khoảng 1 triệu người trong đó đã chạy trốn khỏi các cuộc oanh tạc của Israel và trú ẩn trong các cơ sở của UNRWA. Các nhân viên cứu trợ cho biết, với dòng viện trợ thực phẩm và thuốc men vào vùng lãnh thổ này chỉ bằng một phần nhỏ trước xung đột, số ca tử vong vì bệnh tật và nạn đói đang gia tăng.
Ông Michael Fakhri, một chuyên gia về quyền thực phẩm của LHQ cảnh báo trên mạng xã hội X rằng việc cắt giảm tài trợ có nghĩa là nạn đói hiện “không thể tránh khỏi” ở dải Gaza. Trong khi đó, Đài Phát thanh Nazareth Ashams ngày 28-1 dẫn lời người phát ngôn UNRWA tại dải Gaza-ông Adnan Abu Hasna-cho biết cơ quan này chỉ còn đủ nguồn lực để cung cấp các dịch vụ cho người dân ở dải Gaza tới cuối tháng 2. Ông Hasna cho rằng quyết định của Mỹ và một số quốc gia khác về việc đóng băng các khoản tài trợ cho UNRWA là “thảm họa”.
Theo CNN, UNRWA được LHQ thành lập sau cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1948 để hỗ trợ nhân đạo cho những người Palestine phải di tản. Kể từ khi thành lập, Đại hội đồng LHQ đã nhiều lần đổi mới nhiệm vụ của UNRWA. Theo thống kê, tổ chức này đã viện trợ cho 4 thế hệ người tị nạn Palestine về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng trại tị nạn, dịch vụ xã hội và hỗ trợ khẩn cấp, kể cả trong thời điểm xung đột. Từ lâu UNRWA đã trở thành mục tiêu chỉ trích của Israel với cáo buộc cơ quan này có những hành vi kích động chống Israel, song UNRWA luôn phủ nhận.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/nhieu-nuoc-cat-vien-tro-dat-gaza-truoc-tham-hoa-763360