Nhiều nước châu Á tham gia vẽ lại bản đồ chip toàn cầu

Ấn Độ và Thái Lan là hai quốc gia châu Á mới nhất gia nhập đường đua đầu tư và sản xuất chip. Các nhà phân tích nói rằng đây là một phần chuyển động trong chính sách của hàng loạt các nước châu Á nhằm vẽ lại bản đồ chip toàn cầu.

Thủ tướng Narendra Modi phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm ngành bán dẫn SemiconIndia 20223 tại thành phố Gandhinagar, tiểu bang Gujarat hôm 28-7. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Narendra Modi phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm ngành bán dẫn SemiconIndia 20223 tại thành phố Gandhinagar, tiểu bang Gujarat hôm 28-7. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh cuộc đối đầu công nghệ Mỹ – Trung ngày càng gay gắt, Ấn Độ đã tìm cách hưởng lợi từ những gã khổng lồ chip đang muốn tổ chức lại chuỗi cung ứng nhằm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc đại lục. Từ năm 2021, nội các của Thủ tướng Modi đã phê duyệt chương trình trị giá 760 tỉ rupee (9,14 tỉ đô la Mỹ theo tỷ giá hiện tại) để hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn và màn hình trong nước.

Ấn Độ: Tìm kiếm vài thành công khích lệ ban đầu

Tại triển lãm Semicon India 2023 diễn ra từ 28 đến 30-7-2023 tại Gandhinagar thuộc bang Gujarat của Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh rằng sẽ phát huy những thế mạnh mà Ấn Độ có thể cung cấp cho ngành công nghiệp chip toàn cầu.

Hãng chip Micron Technology của Mỹ hồi tháng 6 đã loan báo sẽ xây dựng một nhà máy ở bang Gujarat và nhà máy sẽ đi vào sản xuất từ năm tới. Honhai Precision Industry, tức Foxconn, của Đài Loan được cho là đang hợp tác với hãng chế tạo thiết bị sản xuất chip Applied Materials của Mỹ để xây nhà máy sản xuất thiết bị chế tạo chip tại bang Karnataka.

Nhưng các gã khổng lồ ngành chíp vẫn còn nhiều lo ngại về cơ sở hạ tầng của Ấn Độ, chẳng hạn như điện. Foxconn đã hủy một dự án đầu tư 100% sản xuất chip ở Ấn Độ vì lo ngại thiếu điện.

Nhưng trên thực tế, các hãng Mỹ đang xây nhiều nhà xưởng ở Ấn Độ, tức là “gió đã đổi chiều” – như lời ông Noboru Yoshinaga, phó chủ tịch điều hành của hãng thiết bị sản xuất chip Disco của Nhật Bản.

Ashwini Vaishnaw, Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin của Ấn Độ, trao đổi với Nikkei Asia vào tháng 7 vừa rồi về kế hoạch thu hút các hãng chip nước ngoài đầu tư vào Ấn Độ. “Điều quan trọng là phải có một vài thành công ban đầu để khích lệ các dự án tiếp theo”, Vaishnaw nói. Ông cũng tự hào về lực lượng dồi dào các kỹ sư thiết kế chất bán dẫn được đào tạo tại các học viện công nghệ của nước này.

Ấn Độ đang tăng cường quan hệ đối tác với Nhật Bản, quốc gia có các công ty mạnh về quy trình đầu cuối và thiết bị sản xuất chip. Hai chính phủ đã ký một biên bản ghi nhớ vào tháng 7 về việc thúc đẩy hợp tác chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Antoine Huchez, quản lý cấp cao về chiến lược tăng trưởng thuộc hãng tư vấn Frost & Sullivan của Mỹ, cho rằng Ấn Độ có tham vọng mạnh mẽ trong việc thu hút các dự án chip quốc tế và nước này có tiềm lực tăng trưởng lớn.

Thái Lan: Chip là hàng hóa chiến lược mới

Tại Thái Lan, Narit Therdsteerasukdi, Tổng thư ký Ủy ban đầu tư Thái Lan (BOI) đã gọi chất bán dẫn là một trong những hàng hóa quan trọng nhất.

Chính phủ Thái Lan đã mở rộng các khoản giảm thuế doanh nghiệp dành cho các hãng chip. Chẳng hạn, một công ty đầu nguồn trong chuỗi cung ứng đầu tư vào Thái Lan và hiện được miễn thuế doanh nghiệp trong tối đa 13 năm, trong đó doanh nghiệp có thể tạm hoãn triển khai dự án đến 8 năm một khi chưa đủ điều kiện sản xuất.

Thái Lan đang tập trung mạnh vào việc thu hút các công ty tham gia vào các quy trình đầu cuối, chẳng hạn như thiết kế chip và đúc các tấm wafer (tấm nền silicon để làm ra chip). Các quy trình này được xem là có công nghệ tiên tiến hơn so với các quy trình như cắt khối chip và đóng gói.

Với hàng chục năm phát triển ngành công nghệ chip, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và những nơi khác ở Đông Á thường tập trung các công đoạn front-end (hoạt động xử lý), trong khi đó các nước Đông Nam Á tập trung tổ chức xây dựng các nhà máy back-end (hoạt động lắp ráp). Giờ đây, những gã khổng lồ ngành chip đang bắt đầu điều chỉnh trong bối cảnh cuộc đối đầu công nghệ Mỹ – Trung gia tăng.

Ấn Độ và Thái Lan giữ lập trường khách quan, trung hòa giữa đối đầu Mỹ – Trung nhằm thu hút các hãng chip. Tổng Thư ký BOI Narit nói rằng Thái Lan được coi là một quốc gia trung lập để tránh vạ lây trong đụng độ của hai siêu cường, và nhiều công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã thảo luận về đầu tư vào Thái Lan, trong đó có gã khổng lồ TSMC của Đài Loan.

Thái Lan cũng đang phát triển ngành công nghiệp xe điện trong nước. Xe điện dự kiến sẽ chứa nhiều thiết bị bán dẫn hơn so với xe hơi động cơ xăng, do đó, lĩnh vực xe điện cũng là lợi thế của xứ chùa Vàng trong việc thu hút các hãng chip.

Singapore và Malaysia đều đã đi đầu trong việc thiết kế các cơ sở chế tạo chip. Singapore đã phát triển ngành công nghiệp bán dẫn từ những năm 1960. Chính phủ Singapore đã hỗ trợ tập đoàn GlobalFoundries tìm địa điểm và hãng chip Mỹ đang chuẩn bị khai trương nhà máy mới trị giá 4 tỉ đô la tại đây vào tháng 9 tới. Hãng vật liệu ứng dụng Soitec của Pháp cũng đang mở rộng công suất cho nhà máy của hãng tại Singapore.

Tại Malaysia, gã khổng lồ Infineon Technologies của Đức hôm 3-8 tuyên bố rằng sẽ chi khoảng 5 tỉ euro (5,45 tỉ đô la) để mở rộng các cơ sở hiện có. Khoản đầu tư này sẽ hướng tới việc sản xuất chất bán dẫn điện carbide silic (SiC) thế hệ tiếp theo có nhiều tính năng ưu việt hơn chip thông thường.

Đối với các quy trình phụ trợ, năm 2021, Intel cam kết đầu tư 30 tỉ ringgit (6,49 tỉ đô la Mỹ theo tỷ giá hiện nay) trong kế hoạch 10 năm (2022-2031) tại Malaysia.

Daisuke Yokoyama, giám đốc cố vấn của hãng kiểm toán KPMG, cho biết: “châu Á hiện đang chứng kiến một cuộc chiến cạnh tranh để thu hút các hãng chip toàn cầu”.

Với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, Việt Nam có lợi thế trong việc trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng chip công nghệ cao. Theo hiệp định thương mại tự do Việt – Hàn (VKFTA), Việt Nam bỏ 31 dòng thuế áp dụng đối với các sản phẩm và linh kiện điện tử của Hàn Quốc. Đây là yếu tố hấp dẫn Samsung và các nhà thầu phụ của họ mở nhà xưởng tại Việt Nam.

Ước tính Samsung đã đầu tư thêm 3,3 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam trong năm 2022 để tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh. Tập đoàn Hàn Quốc sẽ sản xuất và đóng gói thử nghiệm chip hiệu suất cao FC-BGA tại nhà máy ở tỉnh Thái Nguyên, và có kế hoạch sẽ sản xuất hàng loạt từ tháng 7-2023. Trung tâm R&D của Samsung mới khai trương tại Hà Nội được đầu tư 220 triệu USD, là cơ sở R&D lớn nhất của tập đoàn ở ASEAN.

Trong khi đó, Intel đã đầu tư 1 tỉ đô la xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định chip tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (HTSP). Nhà máy của Intel tại đây chiếm tới 60-70% kim ngạch xuất khẩu của HTSP. Trong năm 2022, Intel đã đầu tư thêm 475 triệu đô la để nâng cao năng lực nhà máy.

Ngoài ra, Amkor Technology của Mỹ thông báo sẽ đầu tư 1,6 tỉ đô la để xây dựng nhà máy thử nghiệm và đóng gói chip thông minh tại Bắc Ninh. Sau hai nhà máy ở Hưng Yên, hãng điện tử Kyocera của Nhật Bản thông báo kế hoạch xây dựng một nhà máy mới về đóng gói chất bán dẫn tại Việt Nam, với vốn đầu tư ước tính khoảng 10 tỉ yen. Các nhà thầu của Apple như Foxconn từ Đài Loan hay Luxshare và GoerTek của Trung Quốc cũng đang góp phần hình thành chuỗi cung ứng công nghệ chip tại các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc.

Khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đến thăm Việt Nam vào tháng 7-2023, bà nói với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng Washington mong muốn hợp tác với Hà Nội về chế tạo chất bán dẫn. Mỹ có kế hoạch đưa Việt Nam vào quỹ đạo “friendshoring” của mình. Phía Việt Nam cũng thông báo với phía Mỹ rằng chất bán dẫn là ưu tiên trong chiến lược phát triển của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh kế hoạch đào tạo 30.000 – 50.000 kỹ sư chip và chuyển đổi số. Việc nghiên cứu và ban hành cơ chế chính sách thu hút đầu tư FDI công nghệ chip đang được xúc tiến trong năm nay. Cơ chế đặc thù phát triển cho TPHCM cũng được xem là cơ hội cho các hãng chip nước ngoài vào Việt Nam.

Theo Nikkei Asia, Bloomberg và BSA

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhieu-nuoc-chau-a-tham-gia-ve-lai-ban-do-chip-toan-cau/