Nhiều nước châu Âu dần thích nghi với trạng thái 'bình thường mới'

Mặc dù tình hình dịch bệnh trong khu vực diễn biến tích cực song hầu hết các nước châu Âu vẫn tỏ ra rất thận trọng trong việc nới lỏng các hạn chế tiếp xúc xã hội.

Hành khách tại sân bay quốc tế Heathrow ở London, Anh ngày 19/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hành khách tại sân bay quốc tế Heathrow ở London, Anh ngày 19/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thông báo từ ngày 8/6, nhà chức trách bắt đầu tiến hành nghiên cứu về tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong số các giáo viên và học sinh tại xứ England.

Quyết định này nhằm tiến tới dần mở cửa trở lại các trường học sau một thời gian dài áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn nước Anh để phòng dịch COVID-19.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Hancock cho biết nghiên cứu sẽ tìm hiểu xem thực trạng học sinh và giáo viên nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng phổ biến như thế nào cũng như khả năng lây truyền virus của họ ra sao.

Từ đó, các chuyên gia y tế có thể hỗ trợ học sinh, phụ huynh và giáo viên, đồng thời đưa ra biện pháp đối phó phù hợp với chủng virus mới gây bệnh COVID-19 này.

Cụ thể, nghiên cứu do Cơ quan Y tế công cộng England chủ trì sẽ thu thập dữ liệu của khoảng 200 giáo viên và học sinh tình nguyện tại 100 trường học.

Các nhà nghiên cứu sẽ áp dụng cả xét nghiệm máu và dịch tiết để phát hiện virus cũng như tìm kháng thể của người tham gia. Bên cạnh đó, dữ liệu cũng sẽ được bổ sung vào các chương trình quy mô lớn hơn của chính phủ được xây dựng để xác định mức độ phổ biến của bệnh COVID-19 trong cộng đồng cũng như giúp hình thành chính sách, phát triển các phương pháp xét nghiệm và điều trị mới.

Nhóm tuổi được chọn có thể trở lại trường từ đầu tháng này dù một số trường quyết định chưa mở cửa trở lại do lo ngại vấn đề an toàn sức khỏe cho học sinh và giáo viên. Các học sinh ở lứa tuổi lớn hơn dự kiến sẽ bắt đầu đi học trở lại từ ngày 15/6 tới.

Nhằm góp phần ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, các nghị sỹ Thụy Sĩ cùng ngày 8/6 đã “bật đèn xanh” cho ứng dụng theo dõi tiếp xúc bằng công nghệ không dây Bluetooth.

Với 156 phiếu thuận và 22 phiếu chống, Hội đồng Quốc gia đã thông qua cơ sở pháp lý cần thiết cho phép triển khai ứng dụng SwissCovid trên diện rộng. Nhờ công nghệ Bluetooth, ứng dụng theo dõi những người có thể vô tình tiếp xúc lâu với một cá nhân sau đó cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo Bộ trưởng Y tế Thụy Sĩ Alain Berset, giai đoạn thử nghiệm SwissCovid để phát hiện và khắc phục lỗi đã bắt đầu từ giữa tháng 5 và sẽ không kéo dài sau tháng Sáu. Ứng dụng trên không bắt buộc đối với tất cả người dân tại Thụy Sĩ và không sử dụng dữ liệu cá nhân hay định vị.

Chính phủ và người dân Thụy Sĩ đã thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch từ giữa tháng Ba. Nước này bắt đầu dần nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 27/4 và dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế còn lại hôm 6/6 sau khi số ca mắc và tử vong duy trì mức thấp trong vài tuần. Mặc dù vậy, người dân được khuyến cáo duy trì khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tiếp tục làm việc tại nhà nếu có thể.

Với dân số 8,5 triệu người, Thụy Sĩ đã ghi nhận gần 30.900 bệnh nhân COVID-19, trong đó khoảng 1.660 người đã tử vong.

Trong khi đó, Chính phủ Slovenia thông báo mở cửa khẩu cho phép công dân của 14 nước châu Âu qua lại với nước này do tình hình dịch bệnh trong khu vực diễn biến tích cực.

Trong thông báo ra cùng ngày 8/6 trên trang web, Chính phủ Slovenia công bố quyết định mở cửa biên giới với Đức, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Bulgaria, Cộng hòa Cyprus, Cộng hòa Séc, Estonia, Latvia, Lithuania, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Slovakia và Liechtenstein. Tuy nhiên, Slovenia áp đặt lệnh cách ly bắt buộc 14 ngày đối với các công dân từ Bắc Macedonia đến do số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trong những ngày gần đây, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như các nhà ngoại giao, những người quá cảnh mà không ở lại qua đêm....

Chính phủ Slovenia đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ giữa tháng Ba và dần nới lỏng những biện pháp này từ hôm 20/4. Tháng trước, Slovenia trở thành nước châu Âu đầu tiên tuyên bố chấm dứt đại dịch COVID-19. Trong những tuần qua, Slovenia cũng đã mở lại cửa khẩu với các nước láng giềng Croatia, Hungary và Áo./.

Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhieu-nuoc-chau-au-dan-thich-nghi-voi-trang-thai-binh-thuong-moi/644630.vnp