Nhiều nước châu Âu 'thiệt hại lớn' vì mất nguồn thu quan trọng từ khách du lịch Nga
Việc khách du lịch Nga không còn tới các quốc gia châu Âu gây ra những ảnh hưởng lớn đối với những nước này.
Các đoàn khách du lịch Nga giờ đã trở thành "dĩ vãng" ở châu Âu, điều này buộc các nước phải thích nghi.
Theo Hiệp hội các nhà điều hành Tour du lịch Nga (ATOR), số lượng du khách Nga đến châu Âu vào năm 2022 đã giảm 84%. Con số đó có thể sẽ không thay đổi nhiều trong năm nay, khi mùa hè nóng lên.
Mặc dù những người Nga giàu có tiếp tục đến thăm khu vực này, thì những khách du lịch Nga thuộc tầng lớp trung lưu gần như đã biến mất hoàn toàn, với nhiều lý do khó khăn thủ tục và chi phí du lịch ngày càng tăng.
Euronews đã điểm qua tình hình khách du lịch tại một số thị trường châu Âu mà khách Nga thường lựa chọn:
Latvia: Đẩy mạnh các thị trường chưa được khai thác để lấp đầy khoảng trống do khách Nga để lại
Latvia từ lâu đã là "nam châm" thu hút du khách Nga nhờ vị trí địa lí và mối quan hệ lịch sử.
Giống như nhiều quốc gia khác, ngành du lịch sôi động của quốc gia nhỏ bé vùng Baltic này đã bị đại dịch COVID ảnh hưởng nặng nề, nhưng việc mất đi du khách từ Nga thực sự gây khó khăn.
Khách du lịch Nga đã bị cấm vào tháng 9/2022. "Nga là một thị trường quan trọng", Vladislavs Korjagins, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Du lịch Baltic nói với Euronews Travel. "Đương nhiên, chúng tôi rất nhớ họ. Từ góc độ kinh tế, quyết định này có thể không giúp ích gì cho các doanh nghiệp địa phương".
Ông Korjagins cho biết nhiều người phương Tây hiện cảm thấy vùng Baltic không an toàn nên cũng không tới du lịch.
Theo ước tính từ ngành du lịch Latvia, khoảng 70% đặt phòng theo nhóm đã bị hủy sau tháng 2/2022. Theo ông Korjagins, ngành đã tìm cách đa dạng hóa để thu hút khách từ các thị trường mới chưa được khai thác, chẳng hạn như vùng Vịnh, và trở nên hiệu quả hơn nhờ giảm chi phí lao động.
"Chúng tôi đã tìm cách thích nghi", ông nói.
Phần Lan: Đẩy mạnh du lịch nội địa
Khoảng 1,2 triệu người Nga đi du lịch trong ngày bằng xe buýt hoặc ô tô qua biên giới vào phía đông Phần Lan mỗi năm - các số liệu chính thức cho thấy.
Một số người bỏ tiền thuê khách sạn, còn số khác mua sắm tại các siêu thị địa phương - trung bình chi tới 170 Euro (khoảng hơn 4 triệu VNĐ) mỗi ngày ở thành phố Lappeenranta.
Nhưng phần lớn cơ sở hạ tầng du lịch ở Quận Lakeland của Phần Lan không nhất thiết phải phụ thuộc vào khách du lịch Nga.
Mirka Rahman, Giám đốc Du lịch của Lappeenranta giải thích: "Những người thực sự làm ngành giao thông xuyên biên giới không còn hoạt động nữa. Có rất nhiều xe buýt nhỏ và xe buýt lớn hơn chở khách hàng ngày nhưng tất cả đều là công ty của Nga chứ không phải của Phần Lan".
"Họ mua quần áo, bột giặt, sôcôla, cá, phần lớn là thực phẩm từ siêu thị vì các thương hiệu Phần Lan nổi tiếng có chất lượng cao. Một số để mang về nhà, một số là để mang về bán", bà nói với Euronews Travel.
Số lượng du khách Nga tới Phần Lan hiện đã giảm nhiều - chỉ giới hạn ở những người mang hai quốc tịch hoặc những người có thị thực cho phép họ đến và đi.
Khu vực Nam Karelia, với thành phố lớn nhất là Lappeenranta, đã mất khoảng 100.000 du khách Nga ở lại qua đêm. Ngành du lịch thành phố này đã chuyển qua thu hút khách nội địa, đồng thời tìm kiếm khách hàng ở Đức, Ý và các nước Benelux - những khách du lịch chi tiêu nhiều hơn mỗi ngày so với khách Nga.
"Xu hướng đã thay đổi", Rahman nói. "Không ai ở đây đang dự tính về sự trở lại của khách Nga".
Tây Ban Nha: Khách du lịch Nga chi tiêu cao không còn được chào đón
Không chỉ những quốc gia có biên giới với Nga bị ảnh hưởng. Mặc dù Nga không phải là nguồn du khách chính đến Tây Ban Nha - nơi có nhiều người dùng tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Pháp - nhưng khách Nga là một trong những nhóm gia tăng nhanh nhất trong những năm gần đây, dữ liệu từ Hiệp hội Khách sạn Salou Cambrils La Pineda cho thấy.
Khoảng 1,3 triệu du khách Nga đã đến quốc gia Nam Âu này vào năm 2019, chiếm 1,3% tổng số, theo Viện Thống kê Quốc gia Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, người dân vẫn cảm nhận được sự vắng mặt của nhóm du khách này, đặc biệt là do một số khu vực phụ thuộc nhiều vào khách du lịch Nga hơn những khu vực khác, chẳng hạn như Costa Dorada, nơi họ chiếm từ 10% đến 15% tổng số du khách.
Albert Savé, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Costa Dorada, ở Catalunã, nói với Euronews Travel: "Năm ngoái, ảnh hưởng của việc thiếu du lịch đã rõ ràng và năm nay nó cũng đáng chú ý".
Ông nói rằng có 1.290.000 lượt lưu trú qua đêm tại khu vực này vào năm 2019, con số này hiện đã về con số 0 - trừ việc "một hoặc hai người Nga" đến bằng ô tô hoặc qua Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Phần Lan.
Ông Savé tiếp tục cho rằng điều làm nên sự khác biệt của người Nga là mức độ chi tiêu cao của họ, điều này đã từng hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương.
"Khi họ ở đây, người Nga chi tiêu mạnh vì họ đến từ xa... Họ sẽ thực hiện rất nhiều chuyến du ngoạn và mua các sản phẩm từ khu vực này vì sức hấp dẫn của rượu, dầu, xúc xích hoặc quần áo", ông nói.
"Họ có hướng tận hưởng khác với người Anh, những người đến để tắm nắng".
Cộng hòa Séc: Chống lạm phát và sụt giảm khách du lịch
Giống như ở Tây Ban Nha, các thị trấn ở Séc đã chứng kiến lượng du khách Nga giàu có giảm mạnh. Các thị trấn Karlovy Vary, Marianske Lazne và Frantiskovy Lazne đã từng thấy tia hy vọng khi UNESCO liệt kê các khu vực này là Di sản Thế giới vào năm 2021.
Nhưng niềm vui của họ không kéo dài lâu. Tỷ lệ khách hàng Nga - những người chi tiêu nhiều nhất và cũng ở lại lâu hơn nhiều so với người dân địa phương - đã giảm từ 61.000 vào năm 2019 xuống chỉ còn vài nghìn vào năm ngoái.
"Khách du lịch Séc trung bình chi khoảng 30 euro mỗi ngày. Khách nói tiếng Nga chi hơn 150 euro", Giám đốc Du lịch Séc Jan Herget cho biết.
Tuy nhiên, mất khách du lịch Nga chỉ là một phần trong số các vấn đề.
Các thị trấn của Séc cũng đang vật lộn với tình trạng thiếu nhân viên, với tỷ lệ thất nghiệp ở Séc là 3,5% trong hai năm qua và lạm phát hiện chỉ mới giảm từ mức cao kỷ lục 18% vào tháng 9.