Nhiều nước châu Âu tiếp tục sử dụng vaccine AstraZeneca

Nhiều nước châu Âu đã khẳng định tiếp tục sử dụng vaccine AstraZeneca, mặc dù trước đó tại Nam Phi có nghi ngại về hiệu quả đối với virus biến chủng.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đã tiêm chủng ngừa bằng vaccine AstraZeneca, một cách thể hiện niềm tin vào hiệu quả của vaccine này.

Vaccine AstraZeneca đã bắt đầu được tiêm từ cuối tuần trước cho toàn bộ nhân viên y tế Pháp, trước hết là những người từ 50 đến 64 tuổi. Ông Olivier Veran mới 40 tuổi và cũng không còn hành nghề bác sĩ từ 5 năm nay, đúng ra thì chưa tới lượt tiêm chủng. Bộ trưởng Y tế Pháp chỉ muốn chứng minh rằng, ông hoàn toàn yên tâm với vaccine AstraZeneca.

Tại Pháp cũng như tại nhiều nước châu Âu, AstraZeneca vẫn được sử dụng bình thường, nhưng chỉ cho người dưới 65 tuổi.

Ông Jens Spahn - Bộ trưởng Y tế Đức cho biết: "Việc tiêm chủng với AstraZeneca có thể bắt đầu ở Đức trong tuần này. Chúng tôi đã điều chỉnh sắc lệnh tiêm chủng cho phù hợp và có hiệu lực từ ngày 8/2".

Hôm Chủ nhật, loại vaccine này đã bị Nam Phi tạm ngưng sử dụng vì cho rằng hiệu quả rất hạn chế đối với virus biến chủng dòng Nam Phi. Về phần mình, hãng AstraZeneca khẳng định bắt đầu điều chỉnh công thức nhằm tăng hiệu quả của vaccine.

Các nước châu Âu vẫn đang phải đối phó với đại dịch, vào thời điểm mùa Đông đang bắt đầu những tuần lạnh nhất là điều kiện thuận lợi cho virus lan truyền. Vào thời điểm đầu tuần trước, cứ 100 ca nhiễm mới phát hiện tại Pháp, có 14 ca là do virus biến chủng.

Châu Âu phản đối “hộ chiếu vaccine”

Nhiều quốc gia châu Âu đã phản đối ý tưởng "hộ chiếu vaccine", một dạng chứng nhận đã tiêm phòng vaccine COVID-19 khi đi nước ngoài.

Mới đây nhất, Anh đã tuyên bố là sẽ không ban hành bất cứ quy chế đặc quyền nào tương tự. Ngày 7/2, Chính phủ Anh đã bác bỏ kế hoạch giới thiệu "hộ chiếu vaccine", qua đó cho phép những người đã tiêm vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 đi du lịch nước ngoài.

Tuy nhiên, Bộ trưởng triển khai vaccine của Anh Nadhim Zahawi cho biết, người dân vẫn cần một dạng chứng nhận đã tiêm vaccine nếu muốn đi lại thoải mái. Theo đó, người dân có thể lấy giấy tờ chứng minh từ các bác sĩ nếu cần để đi du lịch.

Ông Zahawi cho biết, một trong những lý do không cấp "hộ chiếu vaccine" là bởi việc tiêm vaccine COVID-19 không bắt buộc ở Anh. Ông nói: "Việc tiêm vaccine là hoàn toàn tự nguyện".

Để đưa cuộc sống trở lại bình thường, các quốc gia như Anh, Trung Quốc, Đức, Nga và Hoa Kỳ đã chạy đua với thời gian để tung ra vaccine COVID-19. Tuy nhiên, nhiều nước cho rằng, việc đưa ra các ưu tiên cho người đã được tiêm vaccine sẽ tạo ra sự phân loại công dân, đi ngược lại quyền tự do tiêm chủng, đặc biệt trong giai đoạn vaccine chưa đủ để cung cấp cho toàn thế giới.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/nhieu-nuoc-chau-au-tiep-tuc-su-dung-vaccine-astrazeneca/422823.vgp