Nhiều nước châu Phi nhận vắcxin COVID-19 miễn phí theo cơ chế COVAX
Lô vắcxin tới Nigeria - Nguồn: WHO
Ngày 2/3, ba quốc gia châu Phi gồm Nigeria, Angola và Cộng hòa dân chủ Congo đã lần lượt nhận được những lô vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên theo cơ chế phân phối toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, một chuyến bay chở 3,94 triệu liều vắcxin của hãng dược phẩm AstraZeneca/Oxford (Anh) đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Nnamdi Azikiwe ở thủ đô Abuja của Nigeria.
Đây là lô đầu tiên trong 16 triệu liều vắcxin AstraZeneca/Oxford sẽ được đưa đến Nigeria trong những tháng tới. Nigeria là quốc gia châu Phi thứ 3 nhận được vắcxin theo cơ chế COVAX, chỉ sau Ghana và Bờ Biển Ngà.
Người phát ngôn của Tổng thống Nigeria cho biết chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu ngày 5/3, ưu tiên những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. Tổng thống và Phó Tổng thống nước này cũng sẽ được tiêm vào ngày 6/3.
Cùng ngày, một chuyến bay khác cũng đã hạ cánh xuống thủ đô Luanda của Angola mang theo 624.000 liều vắcxin của hãng AstraZeneca/Oxford do sáng kiến COVAX tài trợ. Sau khi tiếp nhận, Angola triển khai tiêm chủng ngay cho các nhân viên y tế. Trong cùng ngày, CHDC Congo cũng nhận được những liều vắcxin đầu tiên theo cơ chế này.
Khoảng 30.000 liều vắcxin miễn phí theo cơ chế COVAX cũng được đưa đến Gambia, quốc gia chỉ 2 triệu dân, trong dịp này để thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Các nhân viên y tế sẽ được ưu tiên tiêm chủng đầu tiên, và sẽ triển khai trong thời gian sớm nhất ngay sau khi nhận được những lô này.
Quốc gia láng giềng Senegal cũng đã bắt đầu tiêm chủng cách đây vài ngày và cũng sẽ nhận được một lô 324.000 vắcxin theo sáng kiến COVAX vào sáng 3/3.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi cùng hành động để cung cấp vắcxin cho tất cả các quốc gia trong 100 ngày đầu tiên của năm 2021. Đây là một trong những mục tiêu đã công bố theo sáng kiến COVAX, mục tiêu còn lại là cung cấp 2 tỉ liều vào cuối năm nay.
Theo WHO, khoảng 237 triệu liều vắcxin của AstraZeneca/Oxford, được sản xuất tại Hàn Quốc và Viện Huyết thanh của Ấn Độ, sẽ được giao tới 142 quốc gia vào cuối tháng 5 tới.
Châu Phi đang trải qua làn sóng lây lan dịch COVID-19 thứ hai. Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, châu lục này ghi nhận 104.031 ca tử vong do COVID-19 trong số hơn 3,9 triệu ca mắc.
Trong khi đó, Triều Tiên dự kiến sẽ được cung cấp khoảng 1,7 triệu liều vắcxin ngừa bệnh COVID-19 vào tháng 5 tới thông qua Chương trình phân phối vắcxin toàn cầu mang tên COVAX. Theo kế hoạch phân bổ vắcxin do COVAX công bố, tổng cộng 1,704 triệu liều vắcxin AZ-Oxford do AstraZeneca sản xuất sẽ được cấp cho Triều Tiên từ tháng 2-5/2021. Số liều vắcxin này sẽ đủ để tiêm cho khoảng 852.000 người với điều kiện một người nên được tiêm 2 lần.
Trước đó, COVAX cho biết sẽ phân bổ khoảng 2 triệu liều vắcxin cho Triều Tiên vào nửa đầu năm nay, song kế hoạch này dường như đã được thu hẹp một chút. Trong cùng khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5, Hàn Quốc cũng sẽ được cung cấp khoảng 2,1 triệu liều vắcxin AZ-Oxford và 117.000 liều vắcxin Pfizer-BioNTech thông qua cơ chế COVAX.
Trong diễn biến khác, Chính quyền Hàn Quốc ngày 3/3 cho biết họ đang điều tra 2 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Theo truyền thông Hàn Quốc, cả hai người này đều có bệnh lý nền.
Theo Yonhap, trường hợp đầu tiên là một y tá 63 tuổi có tiền sử bệnh liên quan đến mạch máu não. Người này đã có các triệu chứng gồm sốt cao sau khi tiêm vắcxin của AstraZeneca. Hôm 2/3, bệnh nhân đã được đưa tới một bệnh viện lớn hơn nhưng đã tử vong sau khi có triệu chứng nhiễm trùng máu và viêm phổi.
Trường hợp thứ 2 là một người ở độ tuổi 50 bị rối loạn tim và tiểu đường. Người này được tiêm vắcxin AstraZeneca ngày 2/3 và đã tử vong ngày 3/3 sau khi bị nhồi máu cơ tim.
Một quan chức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết cơ quan này đang điều tra nguyên nhân của 2 trường hợp tử vong song không nêu chi tiết và cũng không xác nhận thông tin mà Yonhap đưa ra. Người phát ngôn của AstraZeneca tại Seoul cho biết hiện công ty này không có bình luận về vụ việc.
Hàn Quốc đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 từ tuần trước. Tính đến nửa đêm 2/3, đã có 85.904 người được tiêm mũi vắcxin AstraZeneca thứ nhất và 1.524 người được tiêm vắcxin Pfizer.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun ngày 3/3 đã chỉ thị các cơ quan chức năng sở tại xem xét lại việc cấp phép tiêm vắcxin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho những người từ 65 tuổi trở lên.
Phát biểu tại cuộc họp liên ngành diễn ra cùng ngày ở thủ đô Seoul, Thủ tướng Chung Sye-kyun cho rằng kết quả nghiên cứu mới đã chứng minh vắcxin AstraZeneca cũng có hiệu quả đối với người lớn tuổi.
Thủ tướng Chung Sye-kyun dẫn chứng Pháp mới đây đã cấp phép sử dụng vắcxin AstraZeneca cho những người từ 65-74 tuổi trong khi Đức đang tiến hành đánh giá việc sử dụng vắcxin này cho những người từ 65 tuổi trở lên.
Cùng ngày 3/3, Nội các Thái Lan đã thông qua việc mở lại 3 trạm kiểm soát biên giới nối Thái Lan với Lào vốn bị đóng cửa để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 kể từ đợt bùng phát đầu tiên hồi năm ngoái.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Ratchada Thanadirek cho biết 3 trạm kiểm soát biên giới được mở cửa trở lại là trạm kiểm soát Pak Saeng ở tỉnh Ubon Ratchathani, trạm kiểm soát Chiang Khan ở tỉnh Loei và trạm kiểm soát Hai Soke ở tỉnh Nong Khai.
Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại sẽ chỉ áp dụng cho vận chuyển hàng hóa và sản phẩm. Các biện pháp ngăn chặn COVID-19 nghiêm ngặt sẽ được áp dụng tại các trạm kiểm soát. Bà Ratchada cho biết Nội các Thái Lan đưa ra quyết định trên sau khi Ủy ban tham vấn chung về thương mại khu vực công và tư đề xuất việc mở cửa trở lại để thương mại xuyên biên giới giữa hai nước láng giềng có thể hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)