Nhiều nước châu Phi phải tiêu hủy vaccine Covid-19 vì hết hạn dù tỷ lệ tiêm chủng thấp
Các chuyên gia y tế cho biết, sự thiếu phối hợp trong vận chuyển vaccine, cơ sở hạ tầng y tế yếu kém và tâm lý ngần ngại tiêm vaccine đang cản trở nỗ lực tiêm chủng tại châu Phi.
Sự xuất hiện của biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và các quốc gia châu Phi khác, đang phơi bày thực trạng bất bình đẳng về vaccine. Suốt nhiều tháng qua, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, tỷ lệ tiêm vaccine thấp tại các nước đang phát triển nhiều khả năng sẽ dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm hơn nếu virus SARS-CoV-2 lây lan không thể kiểm soát.
Cho đến nay, chỉ có 7,3% dân số tại khu vực châu Phi được tiêm đầy đủ vaccine, thấp hơn nhiều so với con số 58% tại Mỹ và châu Âu - những nơi đang thúc đẩy chiến dịch tiêm liều vaccine tăng cường. Tính đến đầu tháng 11/2021, mới chỉ có 12% trong số 1,9 tỷ liều vaccine mà cộng đồng quốc tế cam kết phân bổ cho các nước có thu nhập thấp và trung bình được chuyển giao.
Nhưng để gia tăng tỷ lệ tiêm phòng tại châu Phi, việc cung cấp một số lượng lớn vaccine ngừa Covid-19 là chưa đủ. Các chuyên gia y tế cho biết, sự thiếu phối hợp trong vận chuyển vaccine, cơ sở hạ tầng y tế yếu kém và sự ngần ngại tiêm vaccine bắt nguồn từ tâm lý hoài nghi cũng như các thông tin sai lệch đang làm chậm nỗ lực tiêm chủng.
Ngay cả Nam Phi – một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất châu lục với 24% dân số được tiêm chủng đầy đủ, cũng đang phải nỗ lực rất nhiều để khuyến khích người dân tiêm phòng.
Bất chấp việc phát hiện ra biến thể siêu đột biến Omicron và nhanh chóng cảnh báo thế giới, giới chức y tế Nam phi đã yêu cầu các nhà sản xuất vaccine của Mỹ trì hoãn cung cấp thêm vaccine do nhu cầu không đủ lớn và lo ngại về việc hết hạn sử dụng. Động thái này trái ngược với những gì diễn ra vào đầu năm nay, khi chính phủ Nam Phi bị chỉ trích vì chậm phân phối vaccine giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành mạnh mẽ.
Các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu biến thể Omicron có nguy hiểm hơn Delta hay không. Tuy nhiên, họ lo ngại, việc Omicron chứa một số lượng lớn các đột biến, trong đó có khoảng 30 đột biến trên protein gai sẽ giúp nó dễ lây lan hơn và khiến vaccine trở nên kém hiệu quả hơn.
“Những gì đang xảy ra lúc này phần lớn là không thể tránh khỏi. Biến thể Omicron là kết quả của việc các nước không tiêm chủng cho công dân của mình một cách công bằng và hiệu quả”, Tiến sĩ Ayoade Alakija, đồng Chủ tịch chương trình phân phối vaccine của Liên minh châu Phi cho biết.
Phân phối và bảo quản vaccine kém hiệu quả
Hầu hết các quốc gia châu Phi đều tiếp nhận vaccine thông qua chương trình COVAX. Tuy nhiên, khi nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới – Viện huyết thanh Ấn Độ gặp phải nhiều vấn đề trong khâu sản xuất và bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu sau làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng tại nước này, quá trình chuyển giao vaccine đã bị chậm lại. Theo UNICEF, chỉ có khoảng 245 triệu liều vaccine được cung cấp cho các nước châu Phi cận sa mạc Sahara.
Nhiều nước châu Phi bị buộc phải phụ thuộc vào nguồn vaccine cho tặng. Nhưng quá trình chuyển giao không được phối hợp tốt, ông Lul Riek – điều phối viên của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi cho biết. Đáng chú ý, có nhiều lô hàng sắp hết hạn sử dụng.
“Không phải lúc nào vaccine cũng đến đúng thời điểm. Hơn nữa, chúng cũng có thời hạn sử dụng rất ngắn. Nhiều lô sẽ hết hạn trong vòng 2 đến 3 tháng tới”, ông Lul Riek cho biết.
Namibia đang chuẩn bị tiêu hủy khoảng 50.000 liều vaccine AstraZeneca hết hạn vào tuần tới. Mặc dù chỉ có khoảng 11% dân số được tiêm phòng đầy đủ, nhưng giới chức nước này cảnh báo họ có thể buộc phải tiêu hủy thêm 200.000 liều vaccine Pfizer-BioNTech vào tháng 1 và tháng 2/2022 do nhu cầu hạn chế.
Việc bảo quản vaccine ở nhiệt độ cực lạnh cũng làm gia tăng những khó khăn cho nỗ lực tiêm chủng tại các nước châu Phi cận sa mạc Sahara. Tại nhiều quốc gia, hệ thống y tế đã trở nên xuống cấp hoặc quá tải ngay cả trước khi dịch bệnh diễn ra. Ông Alakija cho biết: “Có rất nhiều lo ngại về cơ sở hạ tầng y tế, đặc biệt là việc lưu trữ vaccine trong các kho lạnh. Nhưng thật không công bằng khi chúng tôi luôn phải lo ngại về những lô vaccine có thời hạn sử dụng quá ngắn”.
Tâm lý ngần ngại tiêm vaccine
Ngay cả khi có đủ lượng vaccine sẵn có, số người do dự tiêm vaccine trên khắp châu Phi vẫn rất cao. Nguyên nhân bắt nguồn từ những thông tin sai lệch phát tán trên các mạng xã hội và từ lịch sử khi châu Phi từng là nơi thử nghiệm y học của phương Tây.
Một cuộc khảo sát vào tháng 12/2020 của CDC Châu Phi cho thấy, 79% người được hỏi nói rằng họ sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 nếu nó an toàn và hiệu quả, nhưng 25% trong số 15.000 người được hỏi cho biết họ tin rằng vaccine Covid-19 không an toàn.
Không chỉ người dân mà nhiều nhân viên y tế cũng ngần ngại tiêm vaccine. Trong khi tỷ lệ nhân viên y tế tiêm vaccine tại các nước có thu nhập cao chiếm ít nhất 80% thì con số này tại châu Phi chỉ chiếm 27%, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tại Nam Phi, Liên đoàn Y tá trẻ Indaba đã kêu gọi 18.000 thành viên tẩy chay vaccine. Lãnh đạo liên đoàn Rich Sicina nói với TIME rằng, tổ chức này không chống lại vacicne, nhưng cho biết, chính phủ đã không hỏi ý kiến các nhân viên y tế về việc triển khai tiêm chủng. Ông Rich Sicina cũng bày tỏ lo ngại về việc vaccine đã được phát triển và tiêm phòng quá nhanh dù trên thực tế các nhà sản xuất đã tiến hành rất nhiều cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trước khi xin cấp phép sử dụng./.
* Loạt bài/bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.