Nhiều nước 'chạy đua' lên kế hoạch tiêm chủng vắcxin COVID-19
Thụy Sĩ đã có hợp đồng mua tổng cộng 13 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 từ hai nhà cung cấp vắcxin; trong khi Anh đã đặt mua 40 triệu liều vắcxin và đủ để tiêm chủng cho 20 triệu người dân.
Chính phủ Thụy Sĩ lên kế hoạch khởi động chiến dịch tiêm vắcxin ngừa COVID-19 vào đầu tháng 1/2021 và dự kiến mùa Hè tới sẽ tiêm chủng cho khoảng 70% trong tổng số dân 8,5 triệu người.
Với mục tiêu tiêm chủng cho 6 triệu người vào mùa Hè, Thụy Sĩ sẽ cần có tới 70.000 mũi vắcxin/ngày. Đến nay, Thụy Sĩ đã có hợp đồng mua tổng cộng 13 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 từ hai nhà cung cấp vắcxin và thông qua chương trình tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các bang sẽ quyết định nơi cung cấp dịch vụ tiêm chủng như cơ sở y tế, nhà thi đấu và cơ sở quân sự. Các nhóm nguy cơ cao được ưu tiên tiêm phòng, bên cạnh những người cao tuổi và người có bệnh lý nền như người mắc bệnh tiểu đường, bệnh phổi mãn tính hoặc huyết áp cao.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại nước này, hơn 345.000 người ở Thụy Sĩ đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và hơn 5.000 trường hợp tử vong. Khoảng 3.000 bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị tại bệnh viện, trong đó có gần 500 bệnh nhân đang được điều trị trong khu vực chăm sóc đặc biệt.
Về kế hoạch tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại Anh - nước đầu tiên trên thế giới cấp phép lưu hành vắcxin ngừa COVID-19 do liên doanh Pfizer/BioNTech sản xuất, ông James Cleverly - Bộ trưởng phụ trách Trung Đông và Bắc Phi, cho biết hàng triệu liều vắcxin có thể được vận chuyển bằng máy bay tới nước này nếu vận tải đường bộ bị ảnh hưởng do Anh không đạt được thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu thời kỳ hậu Brexit.
Trả lời hãng tin Sky, ông Cleverly trấn an quan ngại của người dân nước này về việc Anh và EU không đạt được thỏa thuận về mối quan hệ tương lai sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 của nước này, dự kiến diễn ra vào tuần sau.
Anh quyết định ưu tiên tiêm chủng cho nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao gồm nhân viên y tế, chăm sóc sức khỏe, người cao tuổi và người có bệnh lý nền.
Hiện các lô vắcxin do Pfizer/BioNTech sản xuất tại Bỉ đã bắt đầu được vận chuyển tới Anh. London đã đặt mua 40 triệu liều vắcxin của hãng này, đủ để tiêm chủng cho 20 triệu người dân nước này. Dự kiến, khoảng 800.000 liều vắcxin sẽ tới Anh trong tuần này.
Trên trang mạng Facebook ngày 7/12, Bộ trưởng Nguồn Nhân lực Hungary Miklos Kasler cho biết khoảng 3.000-5.000 người Hungary có thể tham gia thử nghiệm lâm sàng vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga.
Ông Kasler cho biết một đoàn chuyên gia y tế của Hungary đã đã nhận được "thông báo chi tiết" về vắcxin của Nga tại Moskva, và quan sát thấy "vắcxin đang được sản xuất với công nghệ mới nhất và các điều khoản của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang được áp dụng."
Ngày 7/12, công ty dược phẩm Trung Quốc Sinovac Biotech đã được đảm bảo khoản tài trợ bổ sung trị giá hơn 500 triệu USD để sản xuất vắcxin ngừa COVID-19, giữa bối cảnh Bắc Kinh đang trong cuộc chạy đua với nhiều nước trên thế giới để tung ra một loại vắc-xin nhằm kiểm soát được virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sino Biopharmaceutical, một công ty nghiên cứu dược phẩm niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong, cho biết họ sẽ đầu tư 515 triệu USD cho việc phát triển và sản xuất vắcxin CoronaVac, một trong những ứng cử viên vắcxin tiên tiến nhất của Sinovac nhằm ngăn ngừa COVID-19.
Sinovac, một trong những nhà sản xuất vắcxin hàng đầu của Trung Quốc, cho hay khoản tài trợ trên sẽ được sử dụng để "phát triển thêm, mở rộng năng lực và khả năng sản xuất "của CoronaVac. Doanh nghiệp này dự kiến có thể sản xuất 600 triệu liều vắcxin vào cuối năm nay.
Theo thỏa thuận, Sino Biopharmaceutical sẽ nhận được 15% cổ phần trong Sinovac Life Sciences, công ty con của Sinovac.
Mặc dù các cơ quan quản lý trên thế giới vẫn chưa cho phép phân phối đại trà các loại vắcxin ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất, nước này vẫn phê duyệt lưu hành khẩn cấp một số ứng viên vắc-xin tiên tiến của mình. Các loại vắc xin của Sinovac và Sinopharm đã được Chính phủ Trung Quốc cấp phép sử dụng khẩn cấp từ tháng 7/2020.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thêm năm loại vắcxin ngừa COVID-19 từ bốn nhà sản xuất trong nước đang được thử nghiệm ở hơn 10 quốc gia khác.
Tuần trước, Anh đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên phê duyệt cho sử dụng rộng rãi vắcxin ngừa COVID-19, động thái gây áp lực buộc các nước khác phải nhanh chóng hành động tương tự./.