Nhiều nước EU tiếp nhận người di cư trên tàu Ocean Viking
Ủy viên phụ trách vấn đề người di cư của EU Dimitris Avramopoulos cho biết các nước tiếp nhận người di cư trên tàu này gồm Pháp, Đức, Romania, Luxembourg, Bồ Đào Nha và Ireland.
Ngày 23/8, Liên minh châu Âu (EU) thông báo 6 nước thành viên sẽ tiếp nhận 356 người di cư trên tàu cứu hộ Ocean Viking.
Trên mạng xã hội Twitter, Ủy viên phụ trách vấn đề người di cư của EU Dimitris Avramopoulos cho biết các nước tiếp nhận người di cư trên tàu này gồm Pháp, Đức, Romania, Luxembourg, Bồ Đào Nha và Ireland.
Quan chức này cũng hoan nghênh Malta vì đã cho phép tàu cập cảng.
Cùng ngày, Thủ tướng Malta Joseph Muscat xác nhận tàu hải quân Malta sẽ đưa người di cư trên tàu Ocean Viking vào bờ và toàn bộ những người này sẽ được chuyển tới 6 nước trên.
Về phần mình, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner xác nhận Paris sẽ tiếp nhận 150 trong tổng số 356 người di cư trên tàu treo cờ Na Uy này.
Tàu Ocean Viking đã phải lênh đênh trên Địa Trung Hải giữa đảo Linosa và Malta trong gần 2 tuần do Malta từ chối cho phép cập cảng và tàu không nhận được phản hồi từ Chính phủ Italy.
Ngày 21/8 vừa qua, 5 nước thành viên EU, trong đó có Tây Ban Nha, quốc gia cửa ngõ châu Âu cũng đã nhất trí tiếp nhận số người di cư đã mắc kẹt trong nhiều tuần trên tàu cứu trợ Open Arms, chấm dứt tình trạng tranh cãi kéo dài với Chính phủ Italy về số phận của những người di cư này.
Tàu Open Arms, do một tổ chức phi chính phủ Tây Ban Nha quản lý, được ghi nhận đã neo cách cảng Lampedusa khoảng 800 m từ tuần trước, song không được Chính phủ Italy cấp phép cho người di cư lên bờ.
Trong những ngày chờ đợi trên tàu Open Arms, nhiều người di cư đã mạo hiểm nhảy khỏi tàu để bơi vào bờ Lampedusa, song đã bị cảnh sát biển của Italy đưa trở lại tàu. Trong số đó, chỉ có 8 người trong tình trạng sức khỏe đáng báo động đã được phép lên bờ.
Theo số liệu được Cơ quan Kiểm soát biên giới châu Âu (Frontex) công bố hồi tháng Hai vừa qua, số người di cư bất hợp pháp vào EU đã giảm mạnh trong năm 2018.
Tuy nhiên, hàng nghìn người muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói và xung đột từ Trung Đông và châu Phi vẫn bất chấp nguy hiểm để vượt biển.
Làn sóng nhập cư đã làm gia tăng căng thẳng chính trị và thúc đẩy tư tưởng của các đảng phái cực hữu phản đối nhập cư trên khắp châu lục./.