Nhiều nước kết thúc chiến dịch sơ tán công dân khỏi Afghanistan

Binh sĩ Mỹ hỗ trợ người dân sơ tán khỏi Afghanistan, tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul ngày 18/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Quân đội Đức đã chấm dứt chiến dịch không vận từ sân bay Kabul trong ngày 26/8 và buộc phải để hàng nghìn nhân viên từng làm việc cho quân đội nước này cùng gia đình của họ ở lại Afghanistan.

Ông Marcus Grotian, sáng lập viên và là người đứng đầu Mạng lưới hỗ trợ nhân viên Afghanistan, cho biết ít nhất 5.000 người (gồm nhân viên và gia đình của họ) đang bị mắc kẹt tại Afghanistan.

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay, theo ông Grotian, là Đại sứ quán Đức ở thủ đô Kabul đã bị đóng cửa, đồng nghĩa với việc những người mắc kẹt không thể nhận được giấy tờ để tới Đức.

Trước thực tế đó, mạng lưới của ông Grotian đang nỗ lực hết sức để đưa người rời khỏi Afghanistan nhưng cơ hội thành công là rất thấp. Theo số liệu thống kê, Đức mới chỉ sơ tán được 5.347 người rời khỏi Afghanistan, trong đó có hơn 4.100 là người dân bản địa.

Việc Đức quyết định dừng hoạt động không vận sớm hơn 5 ngày so với hạn chót đề ra vào ngày 31/8, thay vì phải kéo dài hơn như tuyên bố trước đó đang đặt ra một số câu hỏi. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 25/8 khi trả lời phỏng vấn báo Bild, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng đã thừa nhận không thể sơ tán hết những người cần thiết trước thời hạn chót vào cuối tháng này.

Cũng trong ngày 27/8, Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio thông báo chuyến bay sơ tán cuối cùng của nước này đã rời khỏi thủ đô Kabul của Afghanistan, chở theo các công dân Afghanistan cũng như các nhà ngoại giao và quan chức quân đội Ý.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ tuyên bố nước này đã kết thúc hoạt động sơ tán khỏi Afghanistan sau khi hồi hương 387 người trong vòng 2 tuần với sự trợ giúp của quân đội Đức. Theo Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, vẫn còn 11 công dân nước này ở Afghanistan, một số người làm việc cho các tổ chức quốc tế và Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ vẫn giữ liên lạc với những người này.

Cũng trong ngày 27/8, Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết đã hoàn tất công tác sơ tán khỏi Afghanistan khi 2 máy bay cuối cùng hạ cánh ở Oslo. Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide cho hay "máy bay cuối cùng của Na Uy khởi hành từ Kabul vừa hạ cánh", trên máy bay có khoảng 20 người.

Cùng với một máy bay hạ cánh vào sáng 27/8, hơn 1.100 người đã được đưa từ Afghanistan tới Na Uy kể từ khi Taliban giành quyền lực tại kabul. Trong số những người Afghanistan được đưa tới Na Uy có cựu Bộ trưởng Dầu mỏ Nargis Nehan. Hiện có khoảng 30 bác sĩ quân y Na Uy ở lại một bệnh viện dã chiến ở sân bay Kabul để điều trị cho hàng chục người bị thương trong vụ đánh bom hôm 26/8 do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) gây ra.

Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen cho biết chưa thể nói chính xác thời điểm các lực lượng nước này rời khỏi Kabul, song Oslo đang xúc tiến chuẩn bị. Thụy Điển, quốc gia láng giềng của Na Uy, cũng đã hoàn tất công tác sơ tán khỏi Kabul vào ngày 27/8, đồng thời tuyên bố sẽ ngừng các khoản viện trợ phát triển cho Afghanistan dưới chính quyền mới của Taliban.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố đã có các cuộc tiếp xúc trong những ngày gần đây với đại diện của Taliban tại Kabul và Doha nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sơ tán hiện nay của nước này ra khỏi Kabul.

Theo hai nguồn tin an ninh, một máy bay phản lực của Chính phủ Hy Lạp đang đặt trong tình trạng sẵn sàng tại thủ đô Islamabad của Pakistan, chờ đưa khoảng 18 người ra khỏi Afghanistan. Đây là những người Afghanistan từng làm việc với giới chức Hy Lạp, cùng với gia đình của họ.

Cũng trong ngày 27/8, các quan chức Chính phủ Nhật Bản cho hay các máy bay quân sự nước này được giao nhiệm vụ sơ tán công dân Nhật Bản khỏi Afghanistan hiện đang ở một quốc gia gần đó, song việc đưa các máy bay ra khỏi sân bay Kabul không đồng nghĩa với việc Tokyo chấm dứt hoạt động sơ tán. Nhật Bản tuyên bố sân bay Kabul cần phải được bảo đảm vững chắc để máy bay có thể trở lại và tiếp tục sứ mệnh của mình.

Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan ngày 27/8 thông báo trên trang web của cơ quan này rằng công dân Mỹ cần tránh tới sân bay Kabul do các mối đe dọa về an ninh. Trong khi đó, những công dân đang có mặt tại các cổng Abbey, cổng Đông, cổng Bắc hay cổng Bộ Nội vụ cần lập tức rời khỏi đây.

Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Taliban vẫn chưa được phép tiếp quản quyền kiểm soát sân bay Kabul sau khi có thông tin lực lượng này đã tiến vào sân bay. Người phát ngôn Lầu Năm góc John Kirby cho biết Taliban không kiểm soát bất cứ cổng ra vào nào và họ cũng không kiểm soát các hoạt động của sân bay. Hiện sân bay này vẫn nằm dưới quyền kiểm soát quân sự của Mỹ.

Cũng trong ngày 27/8, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố Mỹ sẽ phối hợp với Taliban như một biện pháp nhằm đảm bảo hoạt động sơ tán người dân khỏi Afghanistan sau thời hạn chót rút quân vào ngày 31/8 được diễn ra một cách an toàn.

Bà Jen Psaki nêu rõ: "Tổng thống (Mỹ Joe Biden) đã chỉ thị cho Ngoại trưởng (Antony Blinken) duy trì các nỗ lực ngoại giao với các đối tác quốc tế nhằm đảm bảo các biện pháp cho công dân nước thứ ba và người Afghanistan có thị thực được rời khỏi nước này kể cả sau khi Mỹ chấm dứt hiện diện quân sự. Một phần nỗ lực này chắc chắn sẽ bao gồm việc có một cách tiếp cận phối hợp với Taliban”. Theo bà Psaki, Nhà Trắng bác bỏ khả năng Mỹ hay các đồng minh nhanh chóng công nhận chính quyền của Taliban.

Trong diễn biến khác, hãng tin Sputnik của Nga dẫn nguồn tin của kênh truyền hình Al-Jazeera cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận đề nghị của phong trào Hồi giáo Taliban về việc quản lý sân bay tại thủ đô Kabul của Afghanistan. Ngoài ra, nguồn tin cũng cho hay lực lượng Taliban sẽ đề nghị Qatar hỗ trợ kỹ thuật trong việc vận hành sân bay Kabul.

Cũng liên quan tới các vấn đề xung quanh sân bay Kabul, các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang vật lộn để đảm bảo cho cửa ngõ chính của Afghanistan là sân bay Kabul luôn mở cửa đón các chuyến bay viện trợ nhân đạo khẩn cấp vào tuần tới khi NATO chấm dứt các cầu hàng không sơ tán và chuyển giao cho Taliban.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 27/8 đã lên án vụ tấn công xảy ra tại sân bay ở thủ đô Kabul của Afghanistan trước đó 1 ngày, khiến ít nhất 85 người thiệt mạng, trong đó có 13 binh lính Mỹ và 120 người bị thương. Trong một tuyên bố, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhấn mạnh vụ tấn công này "đặc biệt kinh hoàng" vì cố tình nhằm vào người dân thường và những người hỗ trợ việc sơ tán. Theo Hội đồng Bảo an, những kẻ đứng sau vụ tấn công này cần bị pháp luật trừng trị.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng lên án vụ tấn công bên ngoài sân bay ở Kabul. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, cuộc tấn công đúng với dự đoán của Nga về việc các nhóm khủng bố, chủ yếu là IS, sẽ không từ bỏ việc tận dụng sự hỗn loạn ở Afghanistan. Điều này sẽ làm gia tăng căng thẳng ở Afghanistan cũng như gây ra mối nguy hiểm lớn cho người dân. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi đẩy nhanh nỗ lực giúp thành lập một chính phủ lâm thời toàn diện tại Afghanistan.

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 27/8 cho biết vụ tấn công đẫm máu tại sân bay Kabul do một kẻ đánh bom liều chết thực hiện. Phát biểu với báo giới, Thiếu tướng lục quân William Taylor cho biết: “Tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi không tin rằng có vụ nổ thứ hai tại hoặc gần khách sạn Barron. Chỉ có một kẻ đánh bom liều chết”.

Có 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công được cho là do Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện. Theo tướng Taylor, hiện các binh sĩ Mỹ bị thương trong vụ tấn công này đang được điều trị tại Đức.

Cùng ngày 27/8, Liên Hợp Quốc ước tính dòng người di cư từ Afghanistan có thể lên đến hơn 500.000 người vào cuối năm 2021 đồng thời kêu gọi các quốc gia láng giềng mở cửa biên giới đón nhận những người muốn đi lánh nạn.

Theo Phó Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Kelly Clements, Liên Hợp Quốc đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là có khoảng 500.000 người di cư từ Afghanistan sang các nước như Iran, Pakistan và các nước Trung Á trong 4 tháng tới.

Thời gian qua, cơ quan này chưa nhận thấy những đợt di cư lớn từ Afghanistan. Tuy nhiên tình hình tại Afghanistan đã diễn biến nhanh hơn dự kiến và dòng người di cư từ nước này sang Pakistan có dấu hiệu tăng nhẹ trong những ngày gần đây, trong khi có hàng nghìn người cũng đã chạy sang Iran những ngày qua.

Cùng ngày, các quan chức Liên hợp quốc cũng kêu gọi bổ sung 800 triệu USD cho nguồn quỹ hỗ trợ Afghanistan, trong đó một quan chức cảnh báo tình trạng tại quốc gia này đang rất “thảm hại” với ít nhất 1/3 dân số có thể sẽ rơi vào cảnh khốn cùng.

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến, quan chức Wafaa Saeed Abdelatef từ Văn phòng LHQ về điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) cho biết Afghanistan đang rất cần hỗ trợ nhân đạo, trên quy mô lớn và ngày càng cấp bách.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/263218/nhieu-nuoc-ket-thuc-chien-dich-so-tan-cong-dan-khoi-afghanistan.html