Nhiều nước kêu gọi Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân
Một ngày sau khi Iran thông báo đã vượt giới hạn urani làm giàu theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), sau các biện pháp trừng phạt của Mỹ, nhiều nước đã lên tiếng kêu gọi Tehran 'không để cảm xúc lấn át' và tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.
Ngày 2-7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Iran bình tĩnh, không để cảm xúc lấn át và tuân thủ các điều khoản chính của thỏa thuận hạt nhân”.
Chia sẻ quan điểm này, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Iran vượt quá giới hạn dự trữ urani làm giàu theo thỏa thuận hạt nhân 2015, tuy nhiên cho rằng sức ép tối đa của Mỹ là nguyên nhân đưa đến tình hình căng thẳng hiện nay.
Ông Cảnh Sảng nêu rõ: “Trung Quốc lấy làm tiếc về các biện pháp Iran đưa ra, tuy nhiên cùng lúc, chúng tôi nhấn mạnh trong nhiều trường hợp trước đó, chính sức ép tối đa của Mỹ là nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng hiện nay. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên xem xét vấn đề này với triển vọng dài hạn và toàn diện, kiềm chế và duy trì thỏa thuận JCPOA cùng nhau để không có sự leo thang căng thẳng thêm nữa”.
Những lời kêu gọi trên được đưa sau chỉ 1 ngày sau khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết quốc gia này đã vượt hạn mức 300kg dự trữ uranium theo thỏa thuận JCPOA. Ông cũng cảnh báo Iran sẽ làm giàu uranium ở cấp độ trên 3,67% nếu các nước châu Âu không cứu vãn được thỏa thuận hạt nhân.
Sau đó, Ngoại trưởng Zarif khẳng định Iran không vi phạm JCPOA mà chỉ hành động theo điều khoản số 36 của thỏa thuận hạt nhân này sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận. JCPOA quy định Iran chỉ được phép làm giàu uranium ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết.
Bên cạnh đó, Tehran được phép sản xuất uranium có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300kg và lượng uranium dư thừa có thể được bán ra nước ngoài. Liên quan tới các lệnh trừng phạt của Mỹ, trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp hôm 2-7, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani nhấn mạnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump nên hiểu rằng “khi một ai đó dùng những ngôn từ bắt nạt một quốc gia văn minh, thì người dân nước đó sẽ trở nên đoàn kết hơn”.
Theo ông, những đe dọa của Mỹ sẽ chỉ càng làm các đảng phái chính trị tại Iran trở nên đoàn kết hơn.
Theo giới phân tích, JCPOA ký năm 2015, khi đó được ca ngợi như một sự thúc đẩy lịch sử cho nền hòa bình khu vực, đang sụp đổ trước mắt những quốc gia châu Âu ủng hộ thỏa thuận này, những nước đã tỏ ra bất lực trước việc Mỹ đơn phương hủy bỏ thỏa thuận.
Nước Mỹ, dưới thời Tổng thống Barack Obama, là một trong những cường quốc đã ký thỏa thuận trên. Tuy nhiên, tháng 5-2018, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố từ bỏ thành tựu trong chính sách đối ngoại mang dấu ấn của người tiền nhiệm này.
Các cường quốc châu Âu do Đức và Pháp đứng đầu đã tìm cách cứu vãn thỏa thuận, nhưng các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này xem ra gần như thất bại do nguy cơ đối đầu quân sự giữa Tehran và Washington ngày càng lớn. Tuy vậy, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) khẳng định thỏa thuận hạt nhân Iran không chết và đã tích cực thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Tehran bất chấp những căng thẳng ở Vùng Vịnh sau vụ phá hoại các tàu chở dầu mà Mỹ đã đổ lỗi cho Iran.
Ông Emmanuel Bonne, Cố vấn ngoại giao của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, và Ngoại trưởng Heiko Maas đã có chuyến công du tới Tehran trong tháng này. Các cường quốc EU đã tìm cách duy trì thỏa thuận hạt nhân bằng cách đưa ra một cơ chế thương mại đặc biệt được gọi là INSTEX, theo đó cho phép giao dịch hợp pháp với Iran mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ. Nhưng cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động hoàn toàn.
“Tôi sẽ không nói rằng thỏa thuận đã chết, nhưng chắc chắn nó đang được theo dõi một cách đặc biệt”, Annalisa Perteghella - chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế (ISPI) của Italy - nói, “chúng ta đang chứng kiến một số nỗ lực để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng nếu nhìn vào tương lai, tôi không thể thấy thỏa thuận này rời bệnh viện một cách bình an vô sự”.
Theo bà Perteghella, các công cụ như INSTEX được EU quảng cáo là làm sống lại thỏa thuận đã “được chứng minh là vô giá trị khi đối mặt với đòn bẩy kinh tế lớn mà Mỹ vẫn có trên thị trường tài chính”. Chuyên gia của ISPI cho rằng ngay cả khi các cường quốc chủ chốt của EU như Đức không có thiện cảm với Trump, họ sẽ không bao giờ mạo hiểm đánh đổi lợi nhuận xuất khẩu của các công ty châu Âu sang Mỹ vì đối đầu với Washington. Để gây ảnh hưởng với Tổng thống Donald Trump, “bạn có một công cụ đáng tin cậy để trả đũa, và EU hiện nay đơn giản là thiếu điều đó”, chuyên gia này nhận định.
Trong khi đó, ông Rakesh Sood, cựu Đại sứ Ấn Độ và hiện là thành viên của Quỹ Nghiên cứu quan sát viên (ORF) có trụ sở tại New Delhi, cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là một “phép thử” để xem liệu EU có thể là một người chơi chính trị quan trọng với một chính sách đối ngoại đáng tin cậy hay không.
“Cho đến nay, thành tích (của EU) rất nghèo nàn và tất cả những gì họ có là một INSTEX thiếu sức sống để chứng tỏ mình”, ông Sood nói. Tuy nhiên, trong khi các cường quốc EU đấu tranh để chứng tỏ thỏa thuận vẫn tồn tại, sự hoài nghi đang tăng lên về việc liệu có phải họ chỉ đang cố gắng giữ thể diện.
“Nói rằng chúng tôi sẽ cố gắng duy trì thỏa thuận là đúng về nguyên tắc nhưng trên thực tế, chúng tôi không thể”, cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine cho biết.