Nhiều nước khó xử với việc dỡ phong tỏa
Khi đại dịch COVID-19 đang đẩy nhiều triệu người vào cảnh không được làm việc và tàn phá các nền kinh tế, chính phủ nhiều nước đứng trước tình thế khó xử: Bảo vệ an toàn cho người dân trước virus vô cùng nguy hiểm nhưng vẫn phải bảo đảm họ có thể kiếm sống.
Người lao động thuộc một số ngành không thiết yếu ở Tây Ban Nha bắt đầu đi làm lại từ hôm qua, dù Tây Ban Nha là một trong những nước bị dịch bệnh tấn công nghiêm trọng nhất thế giới và mới qua đỉnh không lâu. Tại Hàn Quốc, giới chức cảnh báo rằng tiến triển rất khó mới đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19 có thể bị xói mòn nếu nới lỏng hạn chế.
Các quyết định càng trở nên phức tạp vì mỗi nước có tình hình khác nhau. Những nước như Anh, Nhật và nhiều bang của Mỹ vẫn ghi nhận số ca mắc và tử vong gia tăng. Pháp và bang New York của Mỹ hy vọng tình hình sắp ổn định sau khi số người chết tăng chóng mặt.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez nói rằng chính phủ của ông phải cân bằng giữa xử lý khủng hoảng virus với “những đe dọa làm hỏng cuộc sống, cấu trúc xã hội và kinh tế của đất nước”.
Muốn khởi động lại các ngành công nghiệp, chính phủ Tây Ban Nha đã cho phép các lao động quay lại một số xưởng sản xuất và công trình xây dựng. Các cửa hàng bán lẻ và nhiều dịch vụ vẫn phải đóng cửa và giới nhân viên văn phòng tiếp tục được khuyến khích làm việc ở nhà. Lệnh cấm mọi người ra khỏi nhà nếu không phải để mua đồ ăn và thuốc vẫn còn có hiệu lực trong ít nhất 2 tuần nữa.
“Nền kinh tế Tây Ban Nha dễ rơi vào khủng hoảng vì phụ thuộc vào các dịch vụ như du lịch, trong khi những dịch vụ đó bị tổn thương nghiêm trọng vì đại dịch. Tình hình đó cho thấy có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn”, Phó chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Luis de Guindos nói với báo Tây Ban Nha La Vanguardia.
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế và chính trị gia cho rằng vẫn quá sớm để nới lỏng phong tỏa ở quốc gia vừa có đến 17.489 người chết và 169.496 người mắc COVID-19. Tây Ban Nha hôm qua đã ghi nhận mức tăng ca mắc thấp nhất theo ngày trong 3 tuần gần đây.
Tại Tây Ban Nha, anh José Pardinas lấy một chiếc khẩu trang được cảnh sát phát cho khi anh đang đi bộ đi làm. Công ty anh đã mở cửa trở lại sau 3 tuần dừng hoạt động. “Công ty không cung cấp cho chúng tôi đồ dùng bảo hộ nào. Tôi lo bị nhiễm virus nhưng gia đình tôi không thể kéo dài cảnh không có thu nhập nữa”, Pardinas nói với AP.
Trong khi đó, Thủ tướng Pakistan Imran Khan kêu gọi các nước giàu có và thể chế tài chính quốc tế giảm nợ cho các nước nghèo, khi các biện pháp cách ly và phong tỏa bắt buộc đang gây tê liệt các nền kinh tế vốn đã gặp nhiều khó khăn, khiến người nghèo càng thêm khổ cực.
Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Chung Sye-kyun cho biết giới chức nước này đang bàn về các hướng dẫn mới để cho phép khôi phục hoạt động kinh tế và xã hội ở mức độ nhất định, trong khi tiếp tục giãn cách để hạn chế virus lây lan.
Số ca nhiễm của Hàn Quốc chậm lại từ đầu tháng 3, nhưng giới chức nước này cảnh báo về tình trạng virus lây lan thầm lặng trong các nhà hàng và quán bar vẫn đang mở cửa. Tổng thống Moon Jae-in hôm qua hứa sẽ tập trung cứu vãn việc làm và bảo vệ nền kinh tế trong bối cảnh số người đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh. Ông nói rằng ông có “niềm tin ngày càng tăng” rằng Hàn Quốc sẽ đánh bại virus.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Kim Gang-lip nói rằng việc nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường là điều “gần như không thể” vì nguy cơ dịch bệnh bùng lên lần nữa.
Việt Nam tặng Nga 150.000 khẩu trang chống giọt bắn
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, chiều 13/4, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng trao 150.000 khẩu trang vải kháng khuẩn chống giọt bắn do Việt Nam sản xuất để tặng chính phủ và nhân dân Nga nhằm hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. Đại sứ Nga Konstantin Vnukov gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam, coi đây là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác hữu nghị truyền thống Việt - Nga.