Nhiều nước lên kế hoạch gỡ 'phong tỏa kinh tế'
Theo Reuters và TTXVN, Tổng thống Mỹ D.Trump đã công bố kế hoạch 'tái khởi động kinh tế' từng bước và thận trọng. Theo đó, kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế số 1 thế giới gồm ba giai đoạn, trong đó một số bang có thể dỡ các biện pháp hạn chế ngay trong tháng 4 này. Tổng thống Trump nhấn mạnh, quyết định gỡ 'phong tỏa kinh tế' dựa theo đà suy giảm dịch Covid-19 trên thực tế.
* Nhà trắng cho biết, trong hội nghị trực tuyến ngày 16-4, các nhà lãnh đạo G7 tuyên bố ủng hộ kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa kinh tế của Mỹ. Các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada và Nhật Bản cũng nhất trí phối hợp để “mở cửa trở lại” các nền kinh tế thuộc nhóm này, đồng thời khôi phục chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Cùng ngày, phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với giới chức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ trưởng Tài chính Mỹ S.Mnuchin nhấn mạnh, các nước cần triển khai ngay các biện pháp đặc biệt về tài chính và tiền tệ, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt nguy cơ về “cú sốc sâu rộng”. Theo Mỹ, ngay cả khi các nước G20 cam kết giãn nợ, thì IMF và WB vẫn cần mở rộng các gói viện trợ khẩn cấp cho các nước nghèo.
* Trung Quốc cũng kêu gọi WB cho phép các nước nghèo hoãn thanh toán nợ. Trong thông điệp gửi Ủy ban phát triển của WB, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn nhấn mạnh, tất cả các chủ nợ, cả song phương lẫn đa phương, đều cần tham gia hành động chung với G20. Trung Quốc cam kết tích cực tham vấn với các nước vay nợ trong việc thực thi thỏa thuận giãn nợ của G20.
* Ngày 16-4, Tổng Giám đốc IMF K.Georgieva kêu gọi Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) kéo dài hạn chót ký thỏa thuận thương mại thời hậu Brexit. Theo IMF, trước mắt hai bên cần tập trung phối hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại từ những “nhân tố bất trắc” do dịch Covid-19. Trước đó, Anh và EU thông báo khởi động vòng đàm phán mới từ tuần tới.
* Trong cuộc thảo luận trực tuyến ngày 16-4, các Bộ trưởng Thương mại EU cam kết bảo vệ các doanh nghiệp chiến lược của châu Âu hiện rơi vào tình cảnh sa sút do dịch bệnh. Chính phủ Đức cùng ngày cũng thông qua gói cứu trợ, trị giá 8,7 tỷ USD, nhằm giúp khoảng một triệu doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp tự chủ ở Đức vượt qua khó khăn.
* Giám đốc IMF phụ trách khu vực Tây bán cầu A.Werner cảnh báo, dịch Covid-19 đe dọa gây nên một “thập niên mất mát” về kinh tế tại khu vực Mỹ latinh. Theo ông Werner, có 16 quốc gia Mỹ latinh trong khoảng 100 nước trên thế giới đã gửi yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp từ IMF. Trong khi đó, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cảnh báo, dịch Covid-19 đe dọa cuộc sống của hàng triệu người tại Trung Đông vốn vẫn trong tình cảnh cùng cực do xung đột.