Nhiều nước nới lỏng các biện pháp phong tỏa

Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 24-4, Tổng thống Nam Phi X.Ra-ma-phô-xa tuyên bố kế hoạch nới lỏng từng bước lệnh phong tỏa đang áp dụng nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế quan trọng. Theo đó, Nam Phi sẽ nới lỏng một số hạn chế từ cấp độ 5 hiện tại xuống cấp độ 4 bắt đầu từ ngày 1-5, cho phép một số ngành nghề kinh tế thiết yếu hoạt động trở lại dưới sự giám sát chặt chẽ về vệ sinh phòng dịch nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan.

Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 24-4, Tổng thống Nam Phi X.Ra-ma-phô-xa tuyên bố kế hoạch nới lỏng từng bước lệnh phong tỏa đang áp dụng nhằm khôi phục các hoạt động kinh tế quan trọng. Theo đó, Nam Phi sẽ nới lỏng một số hạn chế từ cấp độ 5 hiện tại xuống cấp độ 4 bắt đầu từ ngày 1-5, cho phép một số ngành nghề kinh tế thiết yếu hoạt động trở lại dưới sự giám sát chặt chẽ về vệ sinh phòng dịch nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan.

Thủ tướng An-giê-ri A.Giê-rát đã ký quyết định nới lỏng phong tỏa trên lãnh thổ, tính từ ngày đầu tiên của tháng lễ Ra-ma-đan 24-4. Các quyết định nới lỏng phong tỏa sẽ được thực hiện theo từng khu vực.

Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) quyết định từ ngày đầu tiên của tháng lễ Ra-ma-đan 24-4 mở cửa trở lại các phố mua sắm lớn, quán cà-phê và nhà hàng, đồng thời nới lỏng các biện pháp phong tỏa được áp đặt từ tháng trước. Lệnh giới nghiêm sẽ vẫn áp đặt và các đền thờ Hồi giáo phải đóng cửa trong tháng lễ này.

Tờ Thế giới (die Welt) dẫn lời Thủ tướng A.Méc-ken cho biết, Chính phủ Ðức có thể sẽ không đưa ra quyết định nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch trước ngày 6-5. Thủ tướng Méc-ken và lãnh đạo các tiểu bang dự kiến sẽ trao đổi về tình hình đối phó dịch vào ngày 30-4 tới.

Síp ngày 24-4 đã gia hạn lệnh cấm đối với hoạt động hàng không thương mại đến ngày 17-5 tới. Chính phủ đã áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển của người dân, trong đó bao gồm lệnh giới nghiêm vào ban đêm và chỉ cho phép người dân rời khỏi nhà một lần trong ngày, khi có được giấy phép đặc biệt.

Chính phủ Hung-ga-ri đang cân nhắc điều chỉnh các quy định giãn cách xã hội kể từ đầu tháng tới. Phát biểu trên đài phát thanh quốc gia ngày 24-4, Thủ tướng V.Ô-ban cho biết các quy định mới sẽ tập trung nhằm vào các nhóm đối tượng là người già, người bệnh và những người sống ở các thành phố lớn.

Theo kế hoạch, Thủ tướng Thái-lan Pray-út Chan Ô-cha sẽ triệu tập một cuộc họp của Trung tâm quản lý tình hình Covid-19 vào ngày 27-4 để quyết định liệu có kéo dài tình trạng khẩn cấp hay không. Trong hai tuần qua, số lượng các ca nhiễm mới trong ngày tại Thái-lan đang có xu hướng giảm, mở ra khả năng chính phủ có thể nới lỏng một số hạn chế trên cả nước.

Ngày 24-4, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố nội dung hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội song song với duy trì nhịp sống bình thường, bao phủ 31 lĩnh vực khác nhau từ công việc đến sinh hoạt hằng ngày và các hoạt động vui chơi giải trí. Từ ngày 27-4 tới, Hàn Quốc sẽ chính thức thực hiện quản lý các đối tượng vi phạm quy định tự cách ly bằng vòng tay điện tử. Trường hợp từ chối đeo vòng tay này sẽ bị đưa đến các khu cách ly tập trung.

Nhật Bản đã nâng cảnh báo đi lại đối với 14 nước lên mức 3, khuyến cáo công dân Nhật Bản không nên đến các nước này. Ðến nay, Nhật Bản đã áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với 87 nước và khu vực. Ðảng cầm quyền và các đảng đối lập tại Nhật Bản ngày 24-4 đã đạt được thống nhất về việc cắt giảm lương của các nghị sĩ quốc hội từ tháng 5 tới và kéo dài trong một năm.

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, số ca nhiễm Covid-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt quá 100 nghìn. Lệnh phong tỏa trong thời gian bốn ngày đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23-4 tại 31 thành phố nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch.

Tổng thống Phi-li-pin R.Ðu-téc-tê đã gia hạn lệnh phong tỏa tại thủ đô Ma-ni-la và các tỉnh có nguy cơ cao trên đảo Lu-dông cho đến ngày 15-5 tới. Bên cạnh đó, Tổng thống Phi-li-pin cảnh báo ban bố tình trạng thiết quân luật nếu phiến quân cản trở hàng viện trợ cho những người dân bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa, đồng thời yêu cầu quân đội sẵn sàng hành động.

Bộ Nội vụ I-xra-en cho biết I-xra-en sẽ giải ngân một gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp trị giá 15,6 triệu USD cho 73 chính quyền địa phương A-rập. Theo đó, khoản tiền sẽ được phân bổ dưới dạng phiếu mua thực phẩm để phát cho những gia đình nghèo. Phần còn lại sẽ hỗ trợ mua thiết bị bảo hộ y tế. Kể từ ngày 1-3 đến nay, gần một triệu người I-xra-en đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phê duyệt khoản vay 1,5 tỷ USD để hỗ trợ In-đô-nê-xi-a hạn chế tác động của đại dịch đối với sức khỏe cộng đồng và kinh tế. Nền kinh tế In-đô-nê-xi-a năm 2020 dự kiến chỉ tăng 2,5%, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Kế hoạch đầu tư của In-đô-nê-xi-a vào siêu dự án di dời thủ đô trị giá 33 tỷ USD đang phải tạm ngừng và sẽ nối lại vào năm 2021.

Thủ tướng G.Tru-đô cho biết Ca-na-đa sẽ chi 780 triệu USD để phục vụ công tác nghiên cứu vắc-xin và tìm cách điều trị Covid-19. Khoản tiền này cũng được dành để hỗ trợ mở rộng xét nghiệm và tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. Ðến nay, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người Ca-na-đa.

Ngân hàng trung ương Anh cảnh báo nền kinh tế Anh đã bị tổn hại nặng nề do đại dịch và có khả năng rơi vào suy thoái trầm trọng nhất trong nhiều thế kỷ qua. Hiện các ngân hàng Anh cung cấp các khoản vay theo một chương trình do chính phủ hỗ trợ để giúp các công ty duy trì hoạt động trong thời gian phong tỏa toàn quốc.

Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ (SNB) thông báo, ngân hàng này đã thua lỗ 39,2 tỷ USD trong quý I-2020 do những bất ổn trên thị trường chứng khoán liên quan dịch. Ðây là mức lỗ tồi tệ nhất của SNB kể từ khi thành lập năm 1907.

Trong bối cảnh đại dịch đang làm gián đoạn hệ thống cung cấp lương thực toàn cầu, Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) và 20 nước thành viên khác của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhất trí bảo đảm duy trì hoạt động xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm. Nhóm nước này cam kết không áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với mặt hàng nông sản và thực phẩm, bảo đảm các chuỗi cung ứng luôn mở và các biện pháp khẩn cấp phải minh bạch. Liên hợp quốc cảnh báo đại dịch có thể làm tăng gần gấp hai lần số người phải đối diện với tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp từ 135 triệu người trong năm 2019 lên tới 265 triệu người trong năm nay.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44228602-nhieu-nuoc-noi-long-cac-bien-phap-phong-toa.html