Nhiều nước phản đối hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải và Syria
Nhiều nước đã lên tiếng về việc Thổ Nhĩ Kỳ có hành động khoan thăm dò dầu khí trong vùng biển tranh chấp ngoài khơi Địa Trung Hải và chiến dịch quân sự ở Syria.
Lãnh đạo ba nước Ai Cập, Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp ngày 8/10 đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động khoan thăm dò dầu khí trong vùng biển tranh chấp ngoài khơi Địa Trung Hải và chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria, coi đây là những động thái “đơn phương” và “khiêu khích” khiến căng thẳng khu vực gia tăng.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau Hội nghị thượng đỉnh 3 bên diễn ra tại thủ đô Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã lên án những động thái đơn phương có thể làm bất ổn toàn bộ khu vực và đe dọa tới lợi ích của các nước liên quan.
Trước đó, Ai Cập, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara tiến hành hoạt động khoan thăm dò dầu mỏ và khí đốt trong khu vực tranh chấp ngoài khơi CH Cyprus.
Trong khi đó, Tổng thống CH Cyprus Nicos Anastasiades cũng lên tiếng chỉ trích các hành động “đơn phương” và “không thể chấp nhận” của Thổ Nhĩ Kỳ, vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia CH Cyprus.
Nhà lãnh đạo Cyprus cam kết sẽ thực thi tất cả các giải pháp ngoại giao để ngăn chặn các hành vi xâm phạm của Ankara, mà phía Nicosia coi là gây phương hại tới an ninh và ổn định khu vực.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ và CH Cyprus cùng tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển xung quanh đảo Cyprus.
Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ ở phía Đông Địa Trung Hải đã làm dấy lên tranh chấp giữa Nicosia và Ankara. Cho tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều hai tàu khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi bờ biển Cyprus bất chấp cảnh báo từ EU.
Về phần mình, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng chỉ trích các hành động bất hợp pháp và khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, 3 nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại sâu sắc trước chiến dịch quân sự bất hợp pháp mà Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ triển khai trong lãnh thổ phía Bắc Syria, đồng thời lên án hành vi xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ Syria của chính quyền Ankara.
Trong khuôn khổ hội nghị, 3 nhà lãnh đạo cũng trao đổi và ký kết một số văn kiện hợp tác nhằm thúc đẩy đầu tư chung trong vòng hai năm tới.
Ngoài ra, lãnh đạo hai nước thành viên EU đánh giá cao vai trò của Cairo trong cuộc chiến chống khủng bố và thúc đẩy hợp tác EU-Ai Cập.
Ba quốc gia nhất trí tăng cường nỗ lực chống khủng bố, giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp và cuộc khủng hoảng tại Libya và Syria, đồng thời khẳng định quyền lợi của người dân Palestine nhằm thiết lập một nhà nước độc lập.
Đây là hội nghị thượng đỉnh Ai Cập, CH Cyprus và Hy Lạp lần thứ 7 kể từ khi hợp tác 3 bên được khởi động vào cuối năm 2014 và là hội nghị lần thứ 3 do Cairo chủ trì./.