Nhiều nước tăng ngân sách chống dịch Covid-19

Theo TTXVN và tin nước ngoài, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nước tăng cường các biện pháp và tăng ngân sách phòng, chống dịch bệnh. Số ca nhiễm Covid-19 đã lên hơn 95.000, tại 81 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 3.200 người chết.

Thái-lan công bố gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 100 tỷ bạt (hơn 3,17 tỷ USD), hỗ trợ người thu nhập thấp và người nghèo chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thái-lancó tổng cộng 47 người nhiễm bệnh. Ấn Ðộ ghi nhận 28 trường hợp dương tính với Covid-19, thông báo triển khai biện pháp soi chiếu thân nhiệt tất cả các hành khách quốc tế tại các sân bay. Chính phủ In-đô-nê-xi-a chỉ định 137 bệnh viện sẵn sàng tham gia điều trị các trường hợp nhiễm bệnh.

Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen tuyên bố, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Văn phòng Chính phủ Cam-pu-chia phải cắt giảm 25% chi tiêu, trong khi các bộ, ban, ngành khác cắt giảm 50% chi tiêu, để hỗ trợ nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Chính phủ cũng hoãn tất cả các dự án xây dựng bằng vốn nhà nước để dành ngân sách chuẩn bị ứng phó dịch bệnh. Trong khi đó, Chính phủ Ô-xtrây-li-a công bố gói hỗ trợ doanh nghiệp và các ngành công nghiệp địa phương, nhằm đối phó các tác động gây tê liệt quá trình vận hành kinh tế do Covid-19.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách 8,3 tỷ USD cho cuộc chiến chống Covid-19. Bang Ca-li-pho-ni-a và Ha-oai ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch. Trên toàn nước Mỹ đã ghi nhận 149 ca nhiễm bệnh, 11 người chết.

Ngân hàng trung ương Ca-na-đa thông báo hạ lãi suất chủ chốt từ mức 1,75% xuống 1,25% nhằm đối phó "cú sốc lớn" do dịch Covid-19 gây ra. Văn phòng Thủ tướng Ca-na-đa công bố thành lập một ủy ban trực thuộc chính phủ để tập trung đối phó dịch, khi nước này đã có 33 ca nhiễm bệnh.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cam kết dành khoảng 50 tỷ USD thông qua các cơ chế cung cấp tài chính khẩn cho các nước có thu nhập thấp hoặc các thị trường mới nổi, trong đó 10 tỷ USD để hỗ trợ không lãi suất cho những nước nghèo nhất chống dịch Covid-19. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp gói tài chính ban đầu trị giá 12 tỷ USD để hỗ trợ ngay lập tức các nước đang phải đối phó dịch.

Nhóm các Bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tuyên bố sẵn sàng áp dụng các biện pháp tài chính ngoại lệ để bảo vệ nền kinh tế khu vực trước tác động của dịch Covid-19. Tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp tại I-ta-li-a. Giới chức nước này ghi nhận 3.089 ca nhiễm bệnh và 107 ca tử vong. Pháp là một trong những tâm điểm của dịch ở châu Âu với 285 người bệnh. Ðức có hơn 260 trường hợp nhiễm bệnh. Nhóm Visegrad, (gồm Séc, Ba Lan, Xlô-va-ki-a, Hung-ga-ri) tăng cường trao đổi thông tin liên quan dịch bệnh và hỗ trợ y tế cho nước thành viên.

Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc ghi nhận thêm 139 ca nhiễm mới và 31 ca tử vong do Covid-19 trong ngày 4-3. Tất cả các ca tử vong đều ở tỉnh Hồ Bắc. Ðến sáng 5-3, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 80.409 ca nhiễm và 3.012 ca tử vong.

Trong khi đó, giới chức Hồng Công (Trung Quốc) xác nhận trường hợp thú nuôi đầu tiên nhiễm Covid-19 từ người. Một con chó có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, sau khi chủ của nó nhiễm bệnh.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Ưn gửi một bức thư tay tới Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In để chia sẻ với người dân Hàn Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19. Theo Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), đến chiều 5-3, số ca nhiễm bệnh tại Hàn Quốc đã vượt 6.000 người, hầu hết tập trung ở thành phố Tê-gu. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới đã giảm bốn ngày liên tiếp.

Chính phủ Nhật Bản cho biết vẫn tiếp tục các công tác chuẩn bị cho Ðại hội Thể thao Ô-lim-pích và Pa-ra-lim-pích 2020, dù số lượng người nhiễm Covid-19 ở Nhật Bản tăng lên 1.036 người, trong đó có 706 trường hợp trên du thuyền Diamond Princess. Số người chết là 12, trong đó có sáu trường hợp từ du thuyền nêu trên.

I-ran tiếp tục là "ổ dịch" Covid-19 tại Trung Ðông, với 2.922 ca nhiễm bệnh và 92 trường hợp tử vong. I-rắc đóng cửa biên giới trên bộ với I-ran sau khi có ca tử vong thứ hai. A-rập Xê-út đình chỉ lễ hành hương trong cả năm đến các thành phố linh thiêng Mếch-ca và Me-đi-na. I-xra-en cũng hủy tất cả hội thảo quốc tế tại nước này.

Ê-cu-a-đo thông báo ghi nhận thêm ba trường hợp nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 10 người, nhiều nhất khu vực Mỹ la-tinh. Các nước Chi-lê, Bra-xin, Ác-hen-ti-na, CH Ðô-mi-ni-ca-na và Mê-hi-cô cũng có người nhiễm bệnh.

An-giê-ri xác nhận 16 bệnh nhân mới chỉ trong một ngày và là những thành viên trong một gia đình. Chính phủ Nam Phi khẳng định hoàn toàn đủ năng lực để ngăn chặn mọi tình huống xảy ra nếu dịch Covid-19 xuất hiện tại nước này. Ban tổ chức Diễn đàn CEO châu Phi tuyên bố hoãn tổ chức sự kiện này tại Cốt Ði-voa vì lo ngại dịch bệnh.

Ngày 5-3, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết các biện pháp bảo hộ công dân của Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Công tác bảo hộ công dân tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam trong những ngày qua tiếp tục chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc và du lịch tại nước ngoài, nhất là ở những vùng có dịch.

Bộ Ngoại giao đã chủ động công bố và thường xuyên cập nhật thông tin, lưu ý công dân Việt Nam hạn chế, không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng nước ngoài đã khuyến cáo; khuyến nghị công dân Việt Nam tại các khu vực có dịch nghiêm túc chấp hành các khuyến cáo, hướng dẫn, tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch của sở tại, hạn chế đi lại nếu không cần thiết.

Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giao thiệp với các cơ quan chức năng sở tại, đồng thời trực tiếp làm việc với các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam đề nghị phối hợp chặt chẽ, thường xuyên cung cấp thông tin trong công tác phòng chống dịch và hỗ trợ công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập và du lịch tại nước sở tại, bảo đảm chăm sóc y tế cho những công dân mắc bệnh, hạn chế những vấn đề có thể gây ảnh hưởng tiêu cực công dân Việt Nam.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã mở đường dây nóng bảo hộ công dân, trực 24/24 giờ, thiết lập kênh liên lạc với các cộng đồng sở tại, nhất là tại các khu vực có dịch, để thường xuyên cập nhật tình hình, thăm hỏi, động viên, hướng dẫn các biện pháp phòng dịch, sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Ðối với các công dân Việt Nam nhiễm bệnh ở nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam thường xuyên liên hệ, thăm hỏi và yêu cầu các cơ quan chức năng sở tại quan tâm, điều trị tích cực. Hiện sức khỏe của các công dân Việt Nam nhiễm bệnh đều đã ổn định.

Liên quan thông tin phía Hàn Quốc sẽ đưa ba đội phản ứng nhanh vào Việt Nam để giúp các công dân Hàn Quốc đang bị giám sát y tế, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

Các yêu cầu của phía Hàn Quốc do các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam trực tiếp trao đổi và xử lý.

Việt Nam vẫn thường xuyên chia sẻ thông tin và sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện để Hàn Quốc thực hiện bảo hộ công dân trên cơ sở bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh và theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các quy định pháp luật và thực tiễn quốc tế.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/43502002-nhieu-nuoc-tang-ngan-sach-chong-dich-covid-19.html