Nhiều nước trên thế giới siết chặt biện pháp phòng dịch COVID-19

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 20/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thổ Nhĩ Kỳ, Ecuador và Marốc đã quyết định tăng cường các biện pháp phòng dịch để ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng tại các nước này.

Ngày 29/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan công bố một loạt các biện pháp siết chặt hơn nữa công tác phòng dịch khi số ca nhiễm mới gia tăng tại các thành phố.

Cụ thể, trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, lệnh phong tỏa sẽ được áp đặt trong những ngày cuối tuần, các nhà hàng chỉ được phép phục vụ theo hình thức bán mang về và giao đồ ăn tại nhà. Lệnh giới nghiêm từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau sẽ được duy trì.

Theo Tổng thống Erdogan, 84 triệu người dân nước này đang sống tại các thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao, trong đó có thủ đô Ankara và thành phố Istanbul.

Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ công bố báo cáo cho biết trong 24 giờ trước đó, nước này ghi nhận 32.404 ca nhiễm mới - cao nhất trong năm 2021. Tổng số bệnh nhân COVID-19 hiện là 3,24 triệu người, trong đó có 32.404 người đã tử vong.

Cùng ngày, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno đã công bố một số biện pháp mới hạn chế đi lại và hoạt động kinh doanh rượu, bia để hạn chế lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào đầu tháng 4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5 tới.

Cụ thể, các phương tiện vận tải hạng nhẹ bị hạn chế di chuyển trên các tuyến đường. Hoạt động kinh doanh nhà hàng, đồ uống có cồn trong những ngày nghỉ lễ nói trên sẽ bị cấm từ 18 giờ.

Hiện nhiều bệnh viện tại Ecuador đang trong tình trạng quá tải, bệnh nhân COVID-19 đang phải xếp hàng chờ để được điều trị tại các phòng chăm sóc đặc biệt. Tháng 2/2021, Ecuador ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 tăng 25% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Tính đến ngày 29/3, nước này ghi nhận 325.124 ca mắc COVID-19, trong đó có 11.880 bệnh nhân không qua khỏi.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 29/3, Chính phủ Marốc tuyên bố tạm thời đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Pháp để ngăn chặn dịch bệnh.

Thông báo của Tổng cục Hàng không dân dụng Marốc cho biết lệnh trên có hiệu lực từ ngày 30/3. Ngoài ra, các chuyến bay chở khách đặc biệt giữa hai nước sẽ được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với các quy định của cơ quan chức năng trong phòng ngừa COVID-19.

Cho đến nay, Marốc đã tạm đình chỉ các hoạt động vận tải hàng không với khoảng 40 quốc gia để hạn chế dịch bệnh COVID-19 lây lan trong bối cảnh xuất hiện nhiều biến thể của SARS-CoV-2 có tốc độ lây nhiễm nhanh. Tính đến ngày 29/3, Marốc đã ghi nhận 494.756 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 8.807 ca tử vong và 482.585 người được điều trị bình phục.

Vương quốc Bắc Phi cũng đã phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc kể từ ngày 28/1 sau khi tiếp nhận lô vaccine Sinopharm đầu tiên của Trung Quốc. Khoảng 4,3 triệu người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên và 3,45 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai mũi COVID-19.

Tại Philippines, từ ngày 29/3, vùng thủ đô Metro Manila và 4 tỉnh phụ cận bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại địa phương này khi số ca nhiễm mới liên tục tăng.

Cụ thể, hơn 24 triệu người sống tại vùng thủ đô Metro Manila phải ở trong nhà, ngoại trừ những người làm việc trong các ngành thiết yếu. Các buổi lễ tại nhà thờ và hoạt động tập trung đông người đều bị cấm.

Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ 18h đến 5h sáng hôm sau và giảm tối đa hoạt động giao thông công cộng. Chỉ các siêu thị, cửa hàng thuốc và cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu được phép hoạt động. Hoạt động tập thể dục ngoài trời cũng bị cấm.

Lực lượng cảnh sát đã triển khai nhiều chốt kiểm tra trên đường phố thủ đô Manila để đảm bảo người dân thực hiện nghiêm chỉnh lệnh phong tỏa.

Bộ Y tế Philippines cảnh báo lệnh phong tỏa có thể kéo dài nếu số ca nhiễm mới không giảm. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Delfin Lorenzana, người đứng đầu cơ quan xử lý dịch COVID-19, khẳng định để ngỏ mọi phương án.

Theo giới chức y tế Philippines, sự lây lan của các biến thể SARS-CoV-2 là nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới tại nước này liên tục tăng và đến nay, tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này đã lên tới hơn 720.000 ca.

Trước đó, Philippines từng áp đặt lệnh phong tỏa trong nhiều tháng, khiến hàng triệu người mất việc làm và nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn khó.

Lệnh phong tỏa lần này ảnh hưởng đến 20% dân số nước này - tương đương với hơn 24 triệu người - và 50% hoạt động sản xuất kinh tế của cả nước.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines, ông Harry Roque nêu rõ tái áp đặt lệnh phong tỏa có thể gây ra nhiều hậu quả và đây là một quyết định rất khó khăn với chính phủ. Theo Bộ Ngân sách quốc gia, chính phủ sẽ có hình thức hỗ trợ cho gần 23 triệu người chịu ảnh hưởng của lệnh phong tỏa.

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/253904/nhieu-nuoc-tren-the-gioi-siet-chat-bien-phap-phong-dich-covid-19.html