Nhiều nước ủng hộ Mỹ tấn công lực lượng Hồi giáo tại Iraq

Ngày 8/8, quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS), ở gần thành phố Arbil, miền Bắc Iraq.

Các máy bay chiến đấu của Mỹ đã tiến hành không kích các vị trí của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền Bắc Iraq, trong đó có địa điểm đặt khẩu pháo mà phiến quân sử dụng để tấn công các chiến binh người Kurd đang bảo vệ thành phố Arbil, gần vị trí của lực lượng Mỹ đồn trú.

Thủy thủ khởi động máy bay từ sân bay USS George HW Bush (CVN 77) ở vùng Vịnh Arab. (Ảnh: EPA)

Hai máy bay ném bom FA 18 của Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, Thiếu tướng John Kirby cho biết, 2 máy bay F/A-18 đã thả 2 quả bom được điều khiển bằng laser nặng 500 pound xuống địa điểm đặt khẩu pháo lưu động IS gần Irbil. Đó là cuộc không kích đầu tiên của Mỹ vào Iraq, diễn ra vào lúc 6:45 sáng (giờ địa phương).

Mỹ ném bom chống lại lực lượng Hồi giáo (IS) tại Iraq nhằm giải cứu hàng chục nghìn ngươi dân thiểu số bị mắc kẹt. (Ảnh: Xinhua)

Tiếp đó, 4 máy bay chiến đấu Mỹ ném 4 quả bom vào 1 đoàn xe gồm 7 chiếc của lực lượng trên. Cuộc không kích này diễn ra sau khi có thông tin các chiến binh IS đang áp sát Irbil, 1 trong những thành phố lớn nhất của Iraq và là nơi đặt trụ sở Tổng lãnh sự quán Mỹ.

Các máy bay tham gia không kích đều xuất phát từ sân bay USS George H.W. Bush, đang được Mỹ triển khai tại vịnh Arab. (Ảnh: Xinhua)

Nhà nước Hồi giáo đã kiểm soát phần lớn miền Bắc Iraq, kể từ khi mở cuộc tấn công từ tháng 6. (Ảnh: Reuters)

AFP cho biết, lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã chiếm được con đập lớn nhất của Iraq, nằm ở phía Bắc thành phố Mosul, thủ phủ tỉnh Nineveh và kiểm soát nguồn cung cấp nước và điện cho cả khu vực rộng lớn. Trước đó, IS cũng đã chiếm giữ thị trấn Cơ đốc giáo lớn nhất cả nước Qaraqosh cùng các khu vực lân cận, khiến hàng chục nghìn người dân phải sơ tán về khu tự trị của người Kurd.

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama không ấn định “thời điểm kết thúc cụ thể” cho các cuộc không kích của Mỹ tại Iraq, mà điều này sẽ tùy thuộc vào tình hình an ninh ở quốc gia Trung Đông này.

Cùng ngày, cơ quan hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng ra quyết định, cấm các máy bay thương mại của nước này bay qua vùng trời Iraq để đảm bảo an ninh, bởi các “tình huống nguy hiểm tiềm tàng do cuộc xung đột vũ trang”.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cam kết sẽ ủng hộ Mỹ và các đồng minh, trong nỗ lực chấm dứt bất ổn tại Iraq, đồng thời hoan nghênh “quyết định quan trọng” của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi cho phép không kích các chiến binh Hồi giáo ở quốc gia Trung Đông này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon đã thông báo về gói cứu trợ khẩn cấp 8 triệu bảng (gần 14 triệu USD), dành cho người dân Iraq phải ly tán do bạo lực. Anh cũng sẽ triển khai kế hoạch thả hàng cứu trợ để giúp đỡ những người này.

Theo ông Fallon, Anh có thể hỗ trợ Mỹ về do thám và trinh sát. Chính phủ nước này cũng đang cân nhắc khả năng tham gia chiến dịch không kích của Mỹ tại Iraq nhằm vào lực lượng Hồi giáo cực đoan, để “ngăn chặn nguy cơ xung đột leo thang thành thảm họa diệt chủng” khi tình hình trở nên xấu đi.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng tuyên bố ủng hộ việc Mỹ oach tạc lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền Bắc Iraq, bởi đây là cách duy nhất vào thời điểm hiện nay để chặn bước tiến của lực lượng cực đoan này.

Hồng Nhung (Tổng hợp)

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/the-gioi/nhieu-nuoc-ung-ho-my-tan-cong-luc-luong-hoi-giao-tai-iraq.html