Nhiều ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải mới
Số lượng xe trượt tiêu chuẩn khí thải tăng mạnh và bắt buộc phải khắc phục, sửa chữa nhằm mục đích giảm ô nhiễm môi trường.
Từ đầu năm 2020, mức tiêu chuẩn khí thải mới (TCVN 6438:2018) được cơ quan chức năng áp dụng nhằm kiểm soát chặt hơn nồng độ chất gây ô nhiễm cacbon monoxit (CO), hydrocacbon (HC) và mức độ khói trong khí thải xe.
Tuy nhiên, sau ba tháng áp dụng, tỉ lệ xe không đạt tiêu chuẩn khí thải trong lần kiểm định đầu tiên tăng mạnh. Những xe này buộc phải sửa chữa, khắc phục để giảm chất gây ô nhiễm môi trường.
Áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới
Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), trong ba tháng đầu năm, tỉ lệ xe chạy xăng không đạt tiêu chuẩn khí thải là 2,2% (9.151 xe trên 399.393 tổng số lượt xe vào kiểm định), tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Xe dùng diesel có 8,7% không đạt tiêu chuẩn (30.948/353.694 xe), tăng 0,7% so với năm trước.
Anh Đào Văn Hưng (quận Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi kiểm định viên báo xe tôi không đạt chuẩn khí thải, trong khi trước đó xe tôi không có vấn đề gì về đăng kiểm. Thực tế, do xe để trong kho hàng một thời gian khá dài, không được bảo dưỡng định kỳ nên có thể tiêu chuẩn khí thải chưa đảm bảo theo quy định”.
Không riêng gì xe của anh Hưng, ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải chiếm tỉ lệ cao trong tổng số xe đến khám và chiếm tỉ lệ cao nhất trong tổng số các khiếm khuyết kỹ thuật mà xe phải khắc phục, sửa chữa.
Ông Trần Văn Chủ, Giám đốc Chi nhánh thuộc Trung tâm Đăng kiểm 5003V, cho biết riêng trung tâm (hai cơ sở) có 1.076 xe không đạt chuẩn khí thải trên tổng số 10.528 xe đến đăng kiểm (chiếm 10,3% số xe).
“Chúng tôi đã hướng dẫn chủ xe bằng các biện pháp nghiệp vụ để bảo dưỡng xe nhằm đạt tiêu chuẩn khí thải khi quay lại lần hai” - ông Chủ nói thêm.
Tiêu chuẩn khí thải mới quy định giới hạn lớn nhất cho phép của các chất gây ô nhiễm CO, HC trong khí thải của động cơ cháy cưỡng bức và độ khói trong khí thải của động cơ cháy do nén được lắp trên xe đang lưu hành.
Theo đó, xe chạy xăng phải có nồng độ khí CO tối đa trong khí thải là 3,5% thể tích (trước đó là 4,5%). Xe dùng diesel động cơ bốn kỳ có giới hạn tối đa khí HC là 800 ppm (trước đó là 1.200 ppm).
Thay đổi thói quen để giảm bớt ô nhiễm
Chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng nhận định: Ngoài việc không bảo dưỡng định kỳ, nhiều chủ xe, đặc biệt là xe chở hàng đường dài thường có thói quen “bạ đâu tiếp đấy”. Nghĩa là họ chỉ cung cấp dầu nhớt cho xe mà không kiểm tra xem loại dung dịch đó có phù hợp với chiếc xe đang chạy hay không. Thậm chí, nhiều người thấy dung dịch rẻ hơn các loại sản phẩm có thương hiệu thì bất chấp sử dụng.
Ông Đồng dẫn chứng thêm, đa phần xe không được chăm sóc dẫn đến các bộ phận bị cặn, dơ, một số loại xe đời cũ quá nên không đạt chất lượng khí thải hiện hành. Nhiều xe xịt khói đen, chỉnh sửa các bộ phận trên xe, độ xe không đúng kỹ thuật cũng là nguyên nhân dẫn đến ảnh hưởng độ khói trong khí thải.
“Hay một số xe được sửa chữa bởi thợ vỉa hè, không có kiến thức, chỉ cần máy nổ ngay lúc đó để vận hành. Tuy nhiên, như vậy có khả năng không cháy hết nhiên liệu thì không đạt khí thải” - ông Đồng phân tích.
Ông Đồng cũng cho rằng Việt Nam có thể áp dụng hình thức theo nước ngoài, họ quy định nếu xe mua tại thời điểm Euro 2,3 thì nhà nước vẫn cho phép xe chạy thêm 20 năm nữa dù khi đó đã quy định khí thải đạt Euro 5. Nhưng chủ phương tiện phải đóng tiền thuế môi trường cao hơn các loại xe khác, hoặc cải tạo kỹ thuật lên tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và được hỗ trợ tài chính.
Về vấn đề trên, đại diện Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Theo quy chuẩn mới về khí thải và sự kiểm soát chặt chẽ trong khâu kiểm định, việc tuân thủ tiêu chuẩn khí thải mới góp phần làm giảm đi ô nhiễm môi trường trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, kết quả quan trắc ô nhiễm không khí trong quý I-2020 tại 30 vị trí quan trắc cho thấy ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu vẫn do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra. Mức độ ô nhiễm môi trường không khí của ba tháng đầu năm 2020 đều có xu hướng giảm.
“Nhìn chung, tình hình ô nhiễm môi trường không khí trong quý I-2020 có xu hướng giảm dần qua các tháng” - vị này nhấn mạnh.
Lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải
Đối với ô tô tham gia giao thông, theo quy định tại TCVN 6438:2018 - “Phương tiện giao thông đường bộ - Giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải” được áp dụng theo lộ trình như sau:
- Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức (sử dụng xăng, khí hóa lỏng) và ô tô lắp động cơ cháy do nén (sử dụng diesel và nhiên liệu tương tự) sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng mức 1.
- Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng mức 2 từ ngày 1-1-2021.
- Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất sau năm 2008 áp dụng mức 2 từ ngày 1-1-2020.
- Với ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu lắp động cơ cháy cưỡng bức, động cơ cháy do nén áp dụng mức 4 (mức cao nhất) kể từ ngày 15-5-2019.
Hiện nay, với ô tô sản xuất mới, Việt Nam đã nâng tiêu chuẩn khí thải từ Euro 2 lên Euro 4 từ đầu năm 2017 và mức Euro 5 từ đầu năm 2022.
Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/moi-truong/nhieu-o-to-khong-dat-tieu-chuan-khi-thai-moi-909207.html