Nhiều phản hồi tích cực về chính sách hộ chiếu, thị thực của Việt Nam
Theo lãnh đạo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, từ khi triển khai bổ sung thông tin 'nơi sinh' trên hộ chiếu, các nước đều phản hồi tích cực; việc xin thị thực, xuất nhập cảnh, cư trú và làm các thủ tục liên quan ở các nước được thực hiện thuận lợi và không còn vướng mắc.
"Việc bổ sung nơi sinh trên hộ chiếu cùng với những chính sách mới về mở rộng diện cấp và nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa), các nước đánh giá rất tốt về chính sách hộ chiếu, thị thực của Việt Nam, đầy đủ thông tin để xác định nhân thân của người sử dụng hộ chiếu" - Lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết.
Hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo mẫu mới được Bộ Công an cấp từ ngày 1/7/2022. Trước khi phát hành chính thức mẫu hộ chiếu mới, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo mẫu hộ chiếu mới đến cơ quan đại diện của tất cả các nước tại Việt Nam, sau 1 tháng thông báo theo quy định, không có quốc gia nào có ý kiến. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7/2022, một số nước thông báo tạm thời dừng cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam với lý do trong hộ chiếu không ghi thông tin nơi sinh của người mang hộ chiếu.
Để tháo gỡ khó khăn nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện in bị chú bổ sung thông tin về nơi sinh vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân. Phía nước ngoài chấp thuận việc in bổ sung thông tin vào hộ chiếu cho công dân. Tuy nhiên, các nước cho biết việc chấp nhận này chỉ là tạm thời, đề nghị Việt Nam sớm bổ sung thông tin nơi sinh vào trang nhân thân. Trước tình hình trên, Chính phủ nhận thấy việc nghiên cứu bổ sung thông tin nơi sinh vào trang nhân thân trong hộ chiếu là cần thiết và cần sớm thực hiện. Về lâu dài, việc bổ sung nơi sinh tránh trường hợp phải tiếp tục giải quyết vấn đề này nếu các nước khác phát sinh yêu cầu tương tự.
Để có giải pháp kịp thời nhằm tạo điều kiện cho công dân xuất cảnh, ngày 15/11/2022, tại Kỳ họp 4, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 27/2022/QH15, trong đó đã đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam, đồng thời giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó là khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 68/2022/TT-BCA, ngày 31/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 73/2021/TT-BCA, ngày 29/6/2022 quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan.
Từ ngày 1/1/2023, Bộ Công an và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai cấp hộ chiếu bổ sung thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.
Theo quy định tại Thông tư số 68/2022/TT-BCA, hộ chiếu được ban hành có thiết kế vẫn giữ nguyên hình thức, chất liệu, đặc điểm bảo an như mẫu hộ chiếu đã ban hành trước đây. Tuy nhiên, có chỉnh lý thông tin tại trang nhân thân, cụ thể: bổ sung thông tin “nơi sinh”, đồng thời tách riêng “họ”, “chữ đệm và tên” trên hai dòng riêng biệt tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, cư trú ở nước ngoài (giúp các cơ quan chức năng nước ngoài phân định được đâu là họ, đâu là tên của công dân), hoặc tránh nhầm lẫn trong việc giao dịch cũng như cấp giấy tờ cho công dân Việt Nam.
Việc ghi riêng thông tin “họ”, “chữ đệm và tên” phù hợp với Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ Luật Dân sự, Luật Hộ tịch. Bên cạnh đó là đảm bảo đồng nhất dữ liệu thông tin của công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh với dữ liệu quốc gia về dân cư; phù hợp với thông lệ quốc tế và được đa số các nước trên thế giới sử dụng.
Mỗi trang hộ chiếu mới là hình ảnh phong cảnh, hình tượng tiêu biểu về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng của đất nước như: Vịnh Hạ Long, Kinh đô Huế, Đền Hùng, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Bến cảng Nhà Rồng, Cột cờ Lũng Cú, Cổng Tò Vò - Đảo Lý Sơn… góp phần khẳng định và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới, thể hiện được truyền thống, lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, mẫu hộ chiếu phổ thông mới đáp ứng yêu cầu bảo an cao hơn, chống nguy cơ làm giả, đạt tiêu chuẩn ICAO.
Đến 24/6/2023, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Từ ngày 15/8/2023, Luật chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh.
Bãi bỏ quy định về việc hộ chiếu còn hạn 6 tháng mới được xuất cảnh
Cũng theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới. Luật đã bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông nhằm đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các thiệt bị thông minh.
Các chính sách mới đã giảm bớt các giấy tờ người dân phải nộp khi làm thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu, cụ thể: bãi bỏ quy định nộp bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất; bãi bỏ quy định nộp Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi đã được cấp mã số định danh cá nhân. Thông tin trên Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân đã có trong Cơ sở giữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan cấp hộ chiếu có thể khai thác được; do vậy, không cần yêu cầu công dân phải nộp. Việc cắt giảm này là phù hợp với chủ trương đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho người dân khi phải chuẩn bị nhiều loại giấy tờ.
Luật bổ sung quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu, nhưng sau 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn trả hộ chiếu mà công dân không nhận và không có thông báo bằng văn bản cho cơ quan chức năng về lý do chưa nhận, cơ quan cấp hộ chiếu thực hiện việc hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh.
Một điểm đáng chú ý nữa là bãi bỏ quy định về việc hộ chiếu còn hạn 6 tháng mới được xuất cảnh để tạo thuận lợi cho công dân khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, đặc biệt đối với các trường công dân có hộ chiếu còn thời hạn dưới 6 tháng nhưng có thị thực nhập cảnh nước ngoài được định cư ở nước ngoài.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh đánh giá, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân phù hợp với điều kiện thực tế nhằm cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, bao gồm thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính; chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.