Nhiều phát hiện qua khai quật khảo cổ ở chùa Ngũ Đài
Đoàn khai quật khảo cổ đã thu thập được 7.668 tiêu bản gồm nhiều chất liệu: đá, đất nung, sành, gốm, men… có niên đại từ các thời Trần, Lê sơ, Lê trung hưng và thời Nguyễn.
Chiều 13.1, Ban điều hành thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ chùa Ngũ Đài phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ chùa Ngũ Đài ở phường Hoàng Tiến (Chí Linh).
Đồng chí Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ chùa Ngũ Đài chủ trì hội thảo.
9 ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử đề nghị cần mở rộng không gian khai quật để xác định rõ mặt bằng, quy mô, kết cấu kiến trúc của chùa Ngũ Đài; sớm kiểm kê tổng thể khu vực chùa Ngũ Đài và khu vực lân cận… Những việc này rất cần thiết, phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận quần thể di tích lịch sử nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang là di sản văn hóa thế giới.
Đoàn chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật khảo cổ chùa Ngũ Đài từ tháng 8.2019 đến tháng 6.2020, trên tổng diện tích 1.200 m2. Kết quả nghiên cứu một lần nữa chứng minh chùa được khởi dựng từ thời Trần đầu thế kỷ XIV, trùng tu lớn vào đầu thế kỷ XVII, tiếp tục trùng tu và cải tạo giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, thế kỷ XIX...
Kết quả này là cơ sở để chứng minh vào thời Trần, chùa Ngũ Đài là một trong những ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và có mối liên hệ mật thiết với hệ thống chùa ở Yên Tử, Quỳnh Lâm, Ngọa Vân (Quảng Ninh) cũng như Thanh Mai, Côn Sơn (Hải Dương) và Vĩnh Nghiêm, Mã Yên, Am Vãi, Khám Lạng (Bắc Giang)… tạo thành vùng “tam giác Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”.
Đoàn cũng thu thập được khối lượng lớn các mảnh di vật, gồm 7.668 tiêu bản, với nhiều chất liệu đồ đá, đất nung, sành, gốm men… có niên đại từ các thời Trần, Lê sơ, Lê trung hưng và thời Nguyễn.