Nhiều phụ nữ bị loét da, phù mặt do muốn làm đẹp nhanh
Sau khi đi làm đẹp cấp tốc bằng phương pháp tiêm meso, filler... nhiều phụ nữ bị biến chứng phải nhập viện trong tình trạng đau đớn và lo âu.
Đi làm đẹp xong thì... nhập viện
Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (đóng chân tại TP. Quy Nhơn, Bình Định) cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, đã tiếp nhận và điều trị rất nhiều trường hợp biến chứng về thẩm mỹ, hầu hết là phụ nữ, sau khi đi làm đẹp thì gặp sự cố.
Điển hình như bệnh nhân N.T.N.H (35 tuổi, trú huyện Tuy Phước, Bình Định) hiện đang được chăm sóc, điều trị tại Khoa Da tổng hợp (Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa).
Vì muốn có làn da căng bóng, mịn, đồng thời xóa các quầng thâm quanh mắt nên bệnh nhân H. đã đến một spa tiêm meso để làm đẹp.
24 giờ sau tiêm, bệnh nhân có các dấu hiệu: căng tức vùng mặt, quanh mắt sưng nề, đỏ tấy, các nốt sần tại vị trí tiêm sưng to hơn. Thương tổn càng ngày nặng và có dấu hiệu loét da nên phải nhập viện.
Bệnh nhân H. kể lại, thấy trên mạng xã hội nói nhiều về công dụng của làm đẹp của meso (mesotherapy), tiêm xong có thể đẹp lên nên chị đã đi tiêm và xảy ra sự cố. Đến bệnh viện khám và điều trị mới biết mình đã bị biến chứng do tiêm meso.
Một trường hợp khác là bệnh nhân N.T.T (trú TP. Quy Nhơn). Bệnh nhân T. có bạn đang học phun xăm tại một spa ở TP Quy Nhơn và spa này có dịch vụ tiêm filler nên T. đã đến để tiêm filler xóa rãnh cười.
Tuy nhiên, sau khi tiêm, vị trí tiêm của bệnh nhân T. bị sưng phồng, nề đỏ nên đã tức tốc đến Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa điều trị.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa, nhiều trường hợp sau khi xem các quảng cáo trên mạng xã hội về việc tiêm filler để làm đẹp, xóa rãnh cười, giúp khuôn mặt trẻ ra cấp tốc liền đi tiêm ở các cơ sở không uy tín hoặc nhờ người tiêm.
Hậu quả là vết tiêm liên tục chảy máu, sưng tấy, đau nhức, phù mặt, các y bác sĩ của bệnh viện phải rất kỳ công mới có thể điều trị ổn định trở lại.
Chuyên gia cảnh báo gì?
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, chuyên gia về da liễu, TS.BS Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết: "Bệnh nhân N.T.T khi nhập viện còn bị tắc động mạch mặt và mạch nhánh ở góc mũi, khuôn mặt biến dạng, sưng vù một bên. Quanh mũi bệnh nhân còn có mủ và bị hoại tử mô 1 bên mũi".
Qua kinh nghiệm tiếp nhận và điều trị các ca biến chứng do tiêm filler, meso, TS.BS Vũ Tuấn Anh đánh giá: "Nguyên nhân dẫn đến các biến chứng là do người tiêm không có chuyên môn hoặc chuyên môn quá yếu nên khi tiêm vào động mạch sẽ gây tắc mạch hoặc tiêm quá liều sẽ dẫn đến chèn mạch.
Hậu quả cuối cùng không chỉ là loét da, sưng mặt mà có khi hoại tử cả vùng mặt. Điều trị những ca này thường khó khăn, thời gian điều trị dài, nhiều trường hợp dù đã cố gắng nhưng không thể hồi phục khuôn mặt như ban đầu".
Từ các ca biến chứng do làm đẹp đang được điều trị tại bệnh viện, TS.BS Vũ Tuấn Anh khuyến cáo: "Tất cả các phương pháp làm đẹp xâm lấn vào da thịt như tiêm filler, meso… dù ít hay nhiều đều có thể gặp biến chứng. Biến chứng càng nặng nếu được thực hiện bởi những người không có chuyên môn về da liễu, chưa có chứng chỉ thực hiện kỹ thuật, làm tại cơ sở thẩm mỹ không có phép.
Bất kỳ phương pháp hay kỹ thuật làm đẹp nào đều phải được bác sĩ khám, đánh giá và chỉ định phù hợp với từng người, từng thể trạng cụ thể chứ không thể làm cấp tốc được. Việc thực hiện các biện pháp làm đẹp (thẩm mỹ) phải đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, vô khuẩn và trang thiết bị đúng tiêu chuẩn theo quy định của ngành y tế".