Nhiều phương án sẵn sàng thu hút dòng vốn FDI
Trước làn sóng dịch chuyển công xưởng thế giới về Việt Nam sau dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh đã lên nhiều phương án sẵn sàng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Trước làn sóng dịch chuyển công xưởng thế giới về Việt Nam sau dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh đã lên nhiều phương án sẵn sàng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Mặc dù ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) trên địa bàn thành phố vẫn hoạt động hiệu quả. Trong quý I-2020, TP Hồ Chí Minh thu hút đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) tăng tới 86,04% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 117,76 triệu USD. Trong đó, riêng vốn FDI đạt 65,98 triệu USD, tăng 2,58 lần so với cùng kỳ năm 2019. Các KCX, KCN đang có sự chuẩn bị để đón nhận làn sóng mới này. “Nhà xưởng xây sẵn ở KCN Tân Phú Trung, Đông Nam, Lê Minh Xuân 3... đang tích cực xây dựng, hoàn thiện để đón nhà đầu tư mới. Bên cạnh đó là nhà xưởng cao tầng để phục vụ cho các DN đầu tư lĩnh vực công nghệ cao” - Trưởng đại diện Ban Quản lý các KCX, KCN Nguyễn Hoàng Năng cho hay.
Đặc biệt, Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh tiếp tục là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, do đã hết quỹ đất cho nên đơn vị này thông tin sẽ thu hút các nguồn FDI chất lượng, công nghệ cao, có khả năng liên kết các DN trên địa bàn cùng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Thi cho biết: “Chúng ta phải tập trung vào sự đổi mới sáng tạo, chứ không phải chỉ thu hút những dự án FDI đơn thuần chỉ là sản xuất”. Chủ tịch Hiệp hội các DN KCN TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bé đánh giá, Việt Nam đang được xem là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang là điểm sáng tại khu vực Đông - Nam Á khi các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… quyết tâm chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc. “Không chỉ Chính phủ mà các KCX, KCN cũng phải chuẩn bị về đất đai, hạ tầng, thủ tục hành chính… để sẵn sàng đón dòng đầu tư mới” - ông Nguyễn Văn Bé nói.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: Chỉ tính riêng trong tháng 5-2020, thành phố đã thu hút được 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 57,67% tổng số vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2019. Còn năm tháng đầu năm 2020, thành phố có 450 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 248 triệu USD; Trong đó, dẫn đầu là ngành thương nghiệp với 207 dự án, tổng vốn đầu tư 131,7 triệu USD, chiếm đến 52,9% tổng vốn cấp phép mới. Ngoài ra, thành phố có 80 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 122 triệu USD. Thành phố cũng chấp thuận cho 1.923 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của DN trong nước. Nhật Bản, Xin-ga-po và Hồng Công (Trung Quốc) là những nhà đầu tư lớn nhất đợt này. Riêng Nhật Bản, nhà đầu tư lớn nhất với 44 dự án, tổng vốn 80,5 triệu USD, chiếm 32,4% tổng vốn cấp mới. Xin-ga-po đầu tư 70 dự án với 50,8 triệu USD vốn. Hồng Công 37 dự án, với 31,5 triệu USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, TP Hồ Chí Minh đang có nhiều cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu thu hút nguồn FDI chất lượng cao trong tình hình mới, thành phố cần lập một danh sách các DN công nghệ lớn hàng đầu trên thế giới. Có như vậy, những dòng vốn FDI chất lượng mới thật sự mang lại hiệu quả, giúp chuyển giao công nghệ với các DN trong nước cũng như nâng cao chất lượng lao động tay nghề cao. Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương cho biết: Có nhiều nhóm nhà đầu tư đang tìm những quỹ đất từ 500-700 ha hoặc đến 1.000 ha để đầu tư KCN. Một số nhà sản xuất lại muốn đầu tư tăng diện tích nhà máy nên thị trường bất động sản công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai,... là những vị trí thuận lợi để thu hút nguồn vốn FDI.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm cho biết: Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư nghiên cứu và phát triển, lao động lành nghề. Nơi đây còn có các nhà cung ứng chất lượng cao. Thời gian tới, thành phố sẽ ưu tiên thu hút đầu tư của các DN có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến; khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế như công nghệ cao, lĩnh vực thâm dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, tăng cường tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa DN với chính quyền thành phố, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, tổ chức các chuỗi hội nghị xúc tiến đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư.