Nhiều quan điểm mới về câu chuyện phát triển năng lượng
Đưa năng lượng quốc gia phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước hình thành thị trường năng lượng, khuyến khích tư nhân tham gia phát triển năng lượng là những quan điểm lần đầu tiên được nêu bật tại Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị báo cáo viên trực tuyến của Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 8/5/2020 tại Hà Nội đã nhấn mạnh đến vị trí của năng lượng trong vai trò làm tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội những năm sắp đến.
“Ôn cố tri tân”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhớ lại câu chuyện học hành bên ánh đèn dầu ngày trước để để “thấy ý nghĩa và thấm thía của vai trò của năng lượng", vì thế, khi có điện, như ông nói, cảm thấy đó là thứ gì "xa xỉ lắm".
“Phát triển năng lượng là điểm sáng trong phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng. Đặc biệt việc cung cấp bảo đảm năng lượng cho các vùng sâu vùng xa thời gian qua được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm”- ông Bình nói.
Sau 15 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TW, ngày 24/10/2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh.
Tuy nhiên tình hình đã và đang đặt ra những yêu cầu mới cao hơn, “chiếc áo” năng lượng như Kết luận 26 và Nghị quyết 18 nay đã chật. Thực tế đòi hỏi một chiếc áo mới đáp ứng đòi hỏi tình hình phát triển không chỉ riêng cho lĩnh vực năng lượng. Phát triển năng lượng giờ đây gắn bó chặt chẽ với những hoạt động về chính trị - ngoại giao, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Kế thừa các quan điểm và tầm nhìn xuyên suốt, đúng đắn trong phát triển năng lượng của Đảng ta, Nghị quyết 55 được Bộ Chính trị ban hành với các điểm mới phù hợp với bối cảnh, tình hình và yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Nghị quyết nêu rõ bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng và tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nghị quyết 55 với quan điểm coi bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, là tiền đề phát triển kinh tế xã hội, ra đời là để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đó. “Chiếc áo” mới cho phát triển năng lượng sẽ rộng hơn, có tầm nhìn dài hạn hơn, tới tận 2045.
Minh họa cho quan điểm đưa năng lượng quốc gia phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế nêu tại Nghị quyết số 55, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phân tích 10 năm ngành dầu khí trước đóng góp 30% ngân sách. Con số này nay chỉ vào khoảng 7%. Theo ông nếu không chủ động trong việc kết hợp sử dụng nguồn tài nguyên trong nước và tài nguyên từ nước ngoài và qua quá trình hợp tác quốc tế về năng lượng thì khó mà bảo đảm được an ninh năng lượng.
Mặc dù giá năng lượng ở Việt Nam cơ bản mang được yếu tố thị trường song câu chuyện thị trường vẫn luôn là câu chuyện “nóng” trong lĩnh vực phát triển năng lượng nhất là khi vai trò đi trước một bước của năng lượng luôn được nhắc đến.
Theo các chuyên gia, để năng lượng đi trước một bước thì ngành năng lượng cần phải tăng trưởng trung bình trên dưới 10%/ năm. Để bảo đảm mức tăng trưởng năng lượng từ nay đến năm 2030 như vậy, chúng ta cần khoảng 150 tỷ USD, trung bình mỗi năm chúng ta cần 15 tỷ USD. “Đối với ngân sách và đất nước ta, đây là con số rất lớn”- ông Bình nói.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh quan điểm khuyến khích tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Còn việc bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo đảm những vấn đề về an ninh năng lượng quốc gia thì chỗ đấy Nhà nước phải làm, phải thể hiện vai trò.
“Trong phát triển ngành điện chúng ta phải thấm nhuần quan điểm này, không có tư nhân không thể phát triển ngành năng lượng nhanh được, không có nhà nước thì không thể thực hiện được an ninh năng lượng và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Chúng ta phải hết phối hợp hết sức nhuần nhuyễn cái này trong phát triển năng lượng”- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Cũng nhấn mạnh đến một quan điểm mới về phát triển năng lượng nêu trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, ông Bình cho biết đó là việc tiết kiệm năng lượng từ nay sẽ được coi là một ưu tiên mang tầm quốc sách, thay vì chỉ kêu gọi hay khuyến khích như lâu nay. Bên cạnh đó, nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để xây dựng các nhà máy điện và lưới điện thông minh; đẩy mạnh chuyển đổi số, từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng; coi việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội.
“Những quan điểm chỉ đạo về phát triển năng lượng nêu trong Nghị quyết 55 không chỉ mang tầm nhìn xuyên suốt, đúng đắn mà nó còn thể hiện tư duy rất biện chứng của Đảng ta ”- ông Nguyễn Văn Bình nhìn nhận.