Nhiều quận ở Hà Nội chuẩn bị ra quân bắt chó thả rông
Ngoài 4 quận đang duy trì các tổ đội bắt chó thả rông, một số quận còn lại cũng đang chuẩn bị tiến hành ngay trong những ngày tới.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 14/4, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y (Sở NN&PTNT) Hà Nội cho biết, ngoài 4 quận đang duy trì các tổ đội bắt chó thả rông, một số quận còn lại cũng đang chuẩn bị tiến hành ngay trong những ngày tới.
Trao đổi với phóng viên, ông Sơn cho biết, Chi Cục, Sở vừa tham mưu cho thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2030.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030 và các năm tiếp theo, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.
Ông Sơn cho biết, tổng số đàn chó, mèo của Hà Nội hiện khoảng 460.000 con, đứng thứ hai cả nước, sau Nghệ An. Những năm gần đây, việc nuôi chó, mèo cảnh phát triển mạnh, cá biệt có những con chó to vài chục cân, thuộc loại chó dữ.
"Tập tính của loài chó gần gũi với con người, nhưng nó cũng sẵn sàng tấn công người khác khi đang ăn hoặc vào giai đoạn sinh nở", ông Sơn nói.
Về quản lý đàn chó, mèo nuôi, ông Sơn cho biết, có hai nhiệm vụ chính, một là quản lý được số lượng, hai là kiểm soát được bệnh dại trên địa bàn.
"Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được 4/12 quận an toàn bệnh dại, gồm Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, đã đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí, được Cục Chăn nuôi và Thú y công nhận", ông Sơn thông tin.
Một trong những biện pháp đặt ra trong kế hoạch vừa ban hành của thành phố Hà Nội là việc thành lập các tổ, đội bắt chó thả rông tại 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Ông Sơn cho biết, hiện nay, việc bắt chó thả rông nhận được sự ủng hộ, quan tâm của cả chính quyền địa phương, người dân, kể cả những người nuôi chó.
"Dù hiện nay các tổ, đội bắt chó thả rông không quá nhiều, nhưng đã góp phần hình thành ý thức cho những người nuôi chó phải tuân thủ quy định của pháp luật. Thứ nhất phải đăng ký với chính quyền địa phương, tuân thủ triệt để việc tiêm phòng vắc xin dại, khi đưa chó ra ngoài đường phải rọ mõm, xích và có người dắt. Cảnh quan Thủ đô, một số nơi công cộng cũng đẹp hơn khi không có quá nhiều chó chạy lông nhông", ông Sơn chia sẻ thêm.
Theo ông Sơn, việc thành lập các tổ, đội bắt chó thả rông sẽ triển khai trước ở 12 quận nội thành, tiếp đó sẽ triển khai tại các huyện có lộ trình lên quận trong thời gian tới, sau đó đến các huyện còn lại. Ngoài 4 quận đã và đang duy trì việc bắt chó thả rông, một số quận như Long Biên, Đống Đa, Hà Đông cũng đã có kế hoạch, lên "bệ phóng" để triển khai.
Dù thế, theo ông Sơn, khó khăn đối với mô hình này cũng nhiều. Thứ nhất, lực lượng bắt chó thả rông không phải lực lượng chuyên nghiệp, không phải ai cũng đủ sức khỏe, can đảm để tham gia bởi công việc cũng nguy hiểm.
Hơn nữa, hiện nay, nhiều người dân nuôi chó to, chó dữ, việc bắt giữ chúng rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả lực lượng bắt giữ và những người xung quanh.
Một khó khăn nữa, theo ông Sơn là tiền công trả cho lực lượng bắt giữ chó thả rông còn chưa có quy định cụ thể, rất khó để bố trí. Đặc biệt, theo quy định, khi chủ chó chưa đến nhận chó bị bắt giữ về thì phải nuôi giữ chó trong vòng 48 giờ trước khi chuyển đến trung tâm huấn luyện hoặc bảo trợ động vật.
"Trong thời gian đó nuôi dưỡng thế nào, ai nuôi dưỡng. Hơn nữa, có những con chó giá trị vài chục triệu, chẳng may khi bắt giữ hoặc nuôi nhốt nó bị ốm, chết thì xử lý thế nào, khi xảy ra tranh chấp sẽ thực hiện ra sao", ông Sơn nói, đồng thời cho rằng, thời gian vừa qua chưa xảy ra các trường hợp này, nhưng cũng cần phải có nghiên cứu cụ thể.
Sau khi thành phố ban hành kế hoạch nói trên, theo ông Sơn, các quận, huyện sẽ triển khai cụ thể, Chi Cục sẽ tham mưu cho thành phố đi kiểm tra công tác thực hiện. Cùng với đó, tiến hành đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của chính quyền, của người dân, đặc biệt là những người nuôi chó. Triển khai triệt để công tác tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi.
"Chúng tôi khuyến cáo việc nuôi chó pháp luật không cấm, nhưng nên hạn chế nuôi. Nếu nuôi phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, triệt để tuân thủ quy định tiêm phòng vắc xin dại, khi mang chó ra ngoài đường chó phải được đeo rọ mõm, xích và có người dắt. Cũng nên nuôi giống chó hiền, không nuôi giống chó to, dữ. Đặc biệt với gia đình có người già, trẻ em khuyến cáo không nên nuôi chó", ông Sơn nêu.
Theo ông Sơn, những năm qua vẫn có những trường hợp bị chó tấn công, cắn chết, hay như những trường hợp cụ già, thanh niên dắt chó ra đường bị chó giật xích ngã, gây tai nạn...
"Những vụ việc chó cắn chết người ở Hà Nội cũng có, báo chí cũng đã đưa như ở Thanh Xuân, Hoàng Mai... Đó là những vụ việc không mong muốn, nhưng với số lượng chó nuôi lớn, 460.000 con thì cũng không thể tránh khỏi những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Điều đáng mừng là số người bị bệnh dại, tử vong vì bệnh dại rất ít, hai năm qua chỉ có 2 người và không xảy ra ổ dịch", ông Sơn thông tin thêm.
Liên quan đến thông tin gắn chíp theo dõi chó nuôi, ông Sơn cho biết, rất khó thực hiện vì kinh phí lớn, chưa có định mức, quy định cụ thể và mới dừng ở mức khuyến cáo thực hiện. Trước mắt, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng phần mềm quản lý danh sách, thông tin liên quan đến số lượng chó nuôi và chủ chó trên địa bàn để quản lý, giám sát.