Nhiều quốc gia chỉ thích du khách nhà giàu
Nhiều quốc gia đã biến đại dịch Covid-19 thành cơ hội để chỉ tiếp đón những khách du lịch thượng lưu, tận hưởng dịch vụ xa xỉ.
Các quốc gia đều tìm cách cứu vãn ngành công nghiệp du lịch trước tác động khủng khiếp từ đại dịch Covid-19.
Theo SCMP, tại New Zealand, cơ quan quản lý du lịch coi đại dịch là cơ hội để thu hút những du khách ở tầng lớp thượng lưu.
Tương tự tại Tây Ban Nha, Bộ trưởng Bộ Du lịch Reyes Maroto chia sẻ trên Financial Times vào tháng 5: "Trước đây chúng tôi đặt chỉ tiêu thu hút càng nhiều khách du lịch càng tốt. Giờ đây chúng tôi đã chuyển sang mô hình khác, mong muốn có được những du khách có chi tiêu cao hơn, ở nhiều đêm hơn và tận hưởng dịch vụ cao cấp hơn".
Một số nước châu Á như Thái Lan và Sri Lanka cũng đã tuyên bố rằng họ đang cố gắng thu hút những du khách với mức chi tiêu cao.
Viktor Laiskodat, thống đốc tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia (bao gồm đảo Flores và Komodo nổi tiếng), đã cho biết trên Tempo vào tháng 11/2020: "Những người đến du lịch ở đây phải là những người giàu có. Nếu bạn không dư giả, tốt hơn là nên đến nơi khác như Jakarta, Bali hoặc Lombok chẳng hạn".
Tuy nhiên, không phải tất cả điểm đến đều có đủ khả năng đáp ứng cho một nền du lịch xa xỉ.
Denis Tolkach, giảng viên cấp cao về du lịch tại Đại học James Cook (Australia), cho biết: "Không thể chắc chắn rằng tất cả quốc gia sẽ thành công trong việc phát triển đầy đủ dịch vụ xa xỉ để phục vụ du khách thượng lưu. Nhiều nơi thiếu nguồn nhân lực, tài chính cũng như khuôn khổ chính sách, vì vậy khó có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế".
Du khách thượng lưu và du khách ba lô
Trong một cuộc phỏng vấn với Radio NZ, Stuart Nash, Bộ trưởng Bộ Du lịch New Zealand, đã xác định du khách lý tưởng đó chính là một người “đi máy bay hạng thương gia hoặc hạng phổ thông cao cấp, có thể thuê trực thăng bay quanh sông băng Franz Josef và dùng bữa tại một nhà hàng cao cấp”.
Sự hấp dẫn của những du khách du như vậy là hiển nhiên. Họ có mức chi tiêu cao, tạo lợi nhuận cho các doanh nghiệp địa phương, đồng thời còn làm giảm áp lực lên môi trường. Nhiều thành phố du lịch nổi tiếng như Venice (Italy), Amsterdam (Hà Lan) đã phải đối mặt với nhiều vấn đề như rác thải, môi trường khi du khách ồ ạt đổ tới trước đại dịch.
Nash cho rằng nguyên nhân của tình trạng nêu trên đến từ những du khách bình dân, còn được gọi là khách du lịch ba lô.
"Nếu bạn đã đi du lịch trên một chiếc xe tải thì hãy xử lý những rác thải của bạn theo mục tiêu phát triển bền vững và hình ảnh thương hiệu của chúng tôi", Nash nói.
Tuy nhiên, nhận định của người đứng đầu Bộ Du lịch New Zealand được cho là không chính xác.
Nikki Scott, người sáng lập của nền tảng du lịch Backpackers International cho biết: "Những khách du lịch ba lô thường bị coi là chi tiêu eo hẹp. Tôi cho rằng điều này là sai.
Những du khách đó mặc dù không ở tại các khách sạn năm sao, không dùng bữa tại các nhà hàng sang trọng nhưng họ rất sẵn sàng chi vài trăm USD cho các hoạt động mạo hiểm như lặn biển, leo núi, đi bộ xuyên rừng, chèo thuyền hoặc đạp xe leo núi".
Scott cho rằng khách du lịch cao cấp thường ít có ấn tượng thực sự về đất nước mà họ đến thăm.
"Những khách du lịch giàu có sẽ không thấy được những vấn đề môi trường tồi tệ nhất như ô nhiễm nhựa và nghèo đói. Họ nhìn một đất nước chỉ thông qua các bãi biển của khách sạn năm sao. Họ sẽ không đến những nơi mà khách du lịch ba lô đến.
Mặt khác, khách du lịch ba lô thường trở về nước sau chuyến du lịch với đầy trải nghiệm. Nhiều người trong số họ dành cả tháng để làm tình nguyện ở một quốc gia, họ cũng có các dự án xã hội và môi trường", Scott nói.
Ngoài ra, Scott cũng cho rằng những du khách ba lô khi đã hình thành mối quan hệ tích cực với một điểm đến, họ có thể sẽ quay trở lại trong những năm sau, khi họ là những người có thu nhập cao hơn.
Không để hết trứng vào một giỏ
Đồng quan điểm với Scott, giảng viên Tolkach cho rằng nghiên cứu của anh ở Hong Kong cho thấy khách du lịch ba lô thường bền vững hơn khách du lịch đại chúng.
Khách du lịch ba lô có khả năng ở lại một quốc gia lâu hơn, vì vậy tổng chi tiêu của họ có thể vượt qua mức chi tiêu của một khách du lịch thượng lưu chỉ lưu trú ngắn hạn.
"Đừng bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Du lịch xa xỉ là một điều tuyệt vời từ góc độ doanh thu. Nhưng du lịch tiết kiệm cũng mang lại cơ hội việc làm và kinh doanh cho nhiều người người dân lao động. Đặc biệt ở Đông Nam Á, nơi đây đa số người dân đều chưa biết cách hoặc chưa được đầu tư vốn cần thiết để kinh doanh du lịch cao cấp", Scott nói.
Có lẽ sẽ không có nhiều quốc gia mong muốn phát triển mô hình du lịch nơi mà người giàu chỉ bay đến, ở một vài ngày trong các khu nghỉ dưỡng quốc tế và sau đó lại bay đi.
Những du khách bình dân sẽ ở lại lâu hơn, có khả năng chi tiêu nhiều hơn trong khoảng thời gian dài hơn. Những người nhận tiền của họ cũng là người dân ở tầng lớp lao động thấp. Điều đó mang lại nhiều lợi ích cho người dân chứ không chỉ các nhà đầu tư du lịch lớn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-quoc-gia-chi-thich-du-khach-nha-giau-post1234957.html