Nhiều quốc gia phản đối kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel
Ngày 7/7, Ai Cập, Pháp, Đức và Jordan đã cảnh báo việc Israel sáp nhập các phần lãnh thổ của Palestine có thể gây tổn hại cho các mối quan hệ song phương.
Tuyên bố được Bộ Ngoại giao Đức công bố sau cuộc họp trực tuyến của ngoại trưởng các nước trên cho biết các bên đã thảo luận về cách thức nối lại đàm phán giữa Israel và Chính quyền Palestine. Các ngoại trưởng đều bày tỏ phản đối kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Bờ Tây của Israel và nhất trí rằng bất kỳ hành động thôn tính vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine từ năm 1967 đều là vi phạm luật pháp quốc tế và gây tổn hại cho những nền tảng thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông.
Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ sự thay đổi nào đối với các đường biên giới năm 1967 vốn không được hai bên nhất trí trong cuộc xung đột. Chúng tôi cũng cho rằng động thái như trên sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho nền an ninh và sự ổn định trong khu vực, và sẽ tạo ra rào cản lớn cho những nỗ lực nhằm đạt được nền hòa bình toàn diện và công bằng". Các ngoại trưởng cũng cảnh báo những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các nước với Israel.
Hiện chưa có phản hồi nào từ phía Israel. Tuy nhiên, trong một thông báo, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết đã trao đổi với người đồng cấp Anh Boris Johnson hôm 6/7 rằng ông nhất trí với kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chính phủ Israel có kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích khu vực Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan, đồng thời có kế hoạch áp đặt chủ quyền đối với một số khu định cư Do Thái tại vùng lãnh thổ này, trong khuôn khổ kế hoạch hòa bình được Tổng thống Trump công bố hồi tháng 1. Thủ tướng Netanyahu đã ấn định thời hạn ngày 1/7 khởi động kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ ở Bờ Tây, song tới nay kế hoạch gây tranh cãi này dường như đã bị trì hoãn.
Người Palestine và phần lớn cộng đồng quốc tế chỉ trích kế hoạch sáp nhập trên của Israel, coi đó là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.
Trong cuộc Chiến tranh 6 ngày với các nước Arab, Israel đã giành quyền kiểm soát Bờ Tây vào ngày 7/6/1967, bao gồm Đông Jerusalem, cho tới thời điểm hiện tại. Tòa án Công lý Quốc tế sau đó đã ra phán quyết khẳng định khu vực Bờ Tây là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, Chính phủ Israel lại coi khu vực Bờ Tây này là vùng "tranh chấp".
Trong số các chính sách gây tranh cãi nhất được chính quyền Tel Aviv thực thi như một phần trong kế hoạch chiếm đóng, Israel đã xây dựng một loạt khu định cư trên khắp Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem. Cộng đồng quốc tế luôn coi đó là hành động bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, đồng thời là một trong những vấn đề lớn khiến các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel luôn rơi vào ngõ cụt.