Nhiều quốc gia phục hồi kinh tế khả quan nhờ triển khai vắc xin Covid-19
Nhiều nền kinh tế đang phục hồi khả quan nhờ vào sự thành công của chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho toàn dân.
Trận bóng giữa đội tuyển Hungary và đội tuyển Pháp trong khuôn khổ vòng chung kết Giải bóng đá vô địch châu Âu 2020 diễn ra trong bầu không khí vô cùng sôi động. Cùng với những màn trình diễn ấn tượng trên sân cỏ, sức nóng còn đến từ khu vực khán đài, khi sân vận động Puskas Arena, nơi diễn ra trận đấu được phép mở cửa cho hơn 60 nghìn khán giả, tức là 100% sức chứa của sân vận động này.
Hungary là quốc gia đi đầu trong việc tiến hành tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 ở châu Âu. Theo số liệu từ Statista, tính đến ngày 15/6, khoảng 5,3 triệu người Hungary đã được tiêm vắc xin Covid-19, chiếm khoảng 54% dân số nước này. Đây cũng là quốc gia EU đầu tiên chấp nhận sử dụng vắc xin Sinopharm của Trung Quốc và Sputnik V của Nga.
Nhờ vào nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm chủng, không chỉ nới lỏng các hạn chế cho sự kiện thể thao hấp dẫn hàng đầu thế giới, Hungary cũng đang chứng kiến sự phục hồi khả quan của nền kinh tế.
Quý I/2021, GDP Hungary tăng trưởng khoảng 2% so với quý IV năm ngoái, với tốc độ tăng trưởng ổn định từ khu vực công nghiệp và xây dựng. Cùng với niềm tin của người dân được củng cố, nền kinh tế Hungary được dự đoán sẽ tăng trưởng 7,4% năm 2021.
Dẫn đầu thế giới về tiêm chủng vắc xin khi nhanh chóng đạt được tỷ lệ tiêm phòng vượt qua 50% dân số kể từ tháng 3, nền kinh tế của Israel cũng nhận được nhiều tín hiệu tích cực.
Nhờ vào thành công của chiến dịch tiêm chủng, nền kinh tế Israel từng bước nới lỏng các hạn chế, cho phép dịch vụ ăn uống, lưu trú hoạt động. Hiện tại, nhiều quan chức Israel đang kiến nghị chính phủ có kế hoạch tháo gỡ hoàn toàn giới hạn dành cho du khách nước ngoài để “tận dụng thành công vượt trội của việc triển khai tiêm chủng”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Israel, ông Yuli Edelstein nhận xét, nhờ vào vắc xin, “nền kinh tế cũng như người dân có thêm không gian để thở”. Bên cạnh đó, cơ cấu với ngành du lịch chỉ chiếm 2% GDP cũng là lợi thế tạo ra sức đề kháng cho nền kinh tế Israel.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc mới đây đã cán mốc phân phối hơn 1 tỷ liều vắc xin cho người dân, dù bước khởi đầu có phần chậm hơn so với Mỹ và châu Âu.
Hiện tại, chiến dịch tiêm chủng vẫn tiếp tục được đẩy mạnh tại Trung Quốc, với tốc độ triển khai khoảng gần 20 triệu liều được tiên mỗi ngày, hướng tới mục tiêu ít nhất 70% dân số sử dụng vắc xin vào cuối năm nay.
Tiêm vắc xin miễn phí, đẩy mạnh tuyên truyền và tặng quà cho người tiêm vắc xin là cách chính quyền quốc gia này dùng để khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng.
Chiến dịch tiêm chủng vắc xin là trợ lực quan trọng giúp nền kinh tế Trung Quốc đẩy mạnh đà tăng trưởng khi kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa trong các lĩnh vực dịch vụ, du lịch và bán lẻ. Với dân số 1,4 tỷ người, tiêu dùng trong nước là chìa khóa quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.
Cho đến hiện tại, vắc xin vẫn là “vũ khí” hữu hiệu nhất để nhân loại đẩy lùi đại dịch Covid-19 và tập trung nguồn lực để phục hồi. Những quốc gia kể trên chính là minh chứng rõ nét nhất cho nhận định này.
Chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên toàn quốc cũng là phương án được Việt Nam thực hiện để nhanh chóng khống chế đại dịch, trên tinh thần “tiêm chủng đến đâu, an toàn đến đó”.
Với sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ban, ngành và tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc, chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước đến nay được kỳ vọng sẽ tiêm vắc xin bao phủ ít nhất là 70% dân số cả nước.