Nhiều quyền lợi của người bệnh được đưa vào Luật BHYT sửa đổi

Thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế thời gian qua khiến người bệnh lâm vào khốn đốn, rất nhiều người đã bỏ số tiền lớn để mua thuốc điều trị mà lẽ ra số tiền đó được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Tại hội nghị xin ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT tổ chức ngày 29/8, Bộ Y tế đã đề xuất 2 biệp pháp bổ sung vào Luật BHYT sửa đổi để trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây. Nếu được Quốc hội thông qua, Bộ Y tế kỳ vọng đây là quyết định nhân văn, kịp thời cho người bệnh.

Không phải mua thuốc ngoài nếu bệnh viện thiếu thuốc

Không chỉ những loại thuốc đắt tiền bị thiếu, mà ngay cả những vật tư y tế như dây truyền, kim truyền, bơm kim tiêm, băng gạc cũng thiếu và người bệnh phải ra ngoài mua khi bệnh viện thiếu. Hơn 2 năm thiếu thuốc vừa qua, số tiền người dân phải tự chi trả mua thuốc, vật tư bên ngoài đã lên tới con số khổng lồ. Người dân tham gia BHYT chỉ yêu cầu họ được hưởng phạm vi quyền lợi có trong bảo hiểm, song quyền lợi này đang không thực hiện được đầy đủ.

Tại hội nghị, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, về chi trả trong trường hợp thiếu thuốc, Bộ Y tế đã đưa ra 2 giải pháp để bổ sung vào Luật BHYT sửa đổi trình Quốc hội vào tháng 10 tới đây. Thứ nhất, trường hợp cơ sở y tế thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế do khách quan, bất khả kháng như đã đấu thầu nhưng không lựa chọn được thuốc trúng thầu, hoặc trong một số trường hợp người bệnh đến cơ sở khám bệnh chữa bệnh mà phát sinh bệnh kèm theo, hoặc phát sinh bệnh tăng nặng nhưng bệnh viện không có thuốc dự trù do phạm vi chuyên môn của bệnh viện chỉ có trong một số chuyên khoa nhất định, thì được điều chuyển sang cơ sở khám bệnh chữa bệnh khác có thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế đó.

Nhiều quyền lợi của người bệnh được đưa vào Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.

Nhiều quyền lợi của người bệnh được đưa vào Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.

“Hiện nay không có quy định này, mặc dù cơ sở A có thuốc, cơ sở B thiếu thuốc, nhưng chưa có cơ sở pháp lý để điều chuyển sang. Lần này nhân sửa Luật, Bộ Y tế đề xuất khi thiếu thuốc trong điều kiện khách quan như trên, bệnh viện được lấy thuốc, vật tư y tế, điều chuyển thuốc, vật tư y tế từ bệnh viện khác về và bệnh viện thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH theo giá mà BHXH đang thanh toán, người bệnh không phải trực tiếp mua ngoài, mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm mua để bảo đảm điều trị cho người bệnh”, bà Trang cho biết.

Thứ hai, trong trường hợp điều chuyển cũng không có thuốc vì cũng có trường hợp đứt gãy cung ứng do bệnh viện chỉ dự trù đủ cho người bệnh cơ sở họ, thì cho phép mua lẻ cho từng trường hợp ở bên ngoài mà không phải đấu thầu vì không kịp đấu thầu, hoặc đấu thầu không có, nhưng giá thanh toán bằng giá tổ chức đấu thầu.

“Cả hai biện pháp này đã bổ sung vào trong Luật BHYT sửa đổi, mang lại lợi ích cho người bệnh, cho cơ sở y tế và cơ quan BHXH; bảo đảm người bệnh không phải lo lắng đi mua thuốc ngoài, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc, mà đây là trách nhiệm của cơ sở y tế, BHYT thanh toán trực tiếp với cơ sở. Quy định này rất kịp thời, nhân văn nếu được Quốc hội thông qua”, bà Trang nhấn mạnh.

Bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến

Cũng theo bà Trần Thị Trang, lần này Luật BHYT sửa đổi có điều chỉnh 4 chính sách, trong đó có mở rộng đối với thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại một số cơ sở khám chữa bệnh trong trường hợp đúng tuyến, hoặc người dân tự đến cơ sở y tế khác. Mục tiêu của quy định này là tăng một phần quyền lợi cho người tham gia BHYT.

“Ví dụ, một số trường hợp người bệnh được thông tuyến đến bệnh viện huyện, nhưng Luật BHYT hiện hành quy định không có trung tâm y tế huyện mà chỉ có khám chữa bệnh ngoại trú, phòng khám đa khoa. Lần này, chúng tôi cập nhật các trung tâm y tế huyện khám chữa bệnh ngoại trú và phòng khám đa khoa vào Luật sửa đổi để người dân đến đây được hưởng BHYT 100%”, bà Trang cho biết.

Với một số bệnh như bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao, hiện nay người dân đang phải đi theo trình tự lấy giấy chuyển tuyến trong năm từ dưới lên cơ sở khám chữa bệnh đủ năng lực điều trị ở tuyến trên, với dự thảo Luật BHYT sửa đổi lần này, sẽ lựa chọn một số bệnh biết rõ người dân cần lên tuyến trên điều trị, không nhất thiết phải có thủ tục chuyển tuyến và giấy chuyển cơ sở khám chữa bệnh. “Như vậy sẽ tạo thuận lợi cho người dân, tránh việc phát sinh chi phí khám chữa bệnh trùng lặp 2 lần, tức là vừa khám ở tuyến dưới song đồng thời lại khám tuyến trên”, bà Trang đánh giá và cho biết thêm, một số người mắc một số bệnh mạn tính, một số nhóm bệnh sau khi được chẩn đoán và chỉ định điều trị kê đơn ở tuyến trên có thể về tuyến dưới điều trị nhưng vẫn được hưởng thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế như ở tuyến trên.

Đến nay cả nước có 95 triệu người tham gia BHYT. Năm 2023 tổng thu quỹ BHYT là 126 nghìn tỷ, kết dư đến hết 31/12/2023 là 40 nghìn tỷ. Từ 1/7/2024, tăng mức lương cơ sở và dự kiến sẽ thu thêm mức tăng tiền lương này. Quỹ BHYT sẽ có mức thu 135.140 tỷ mỗi năm. Hiện có một số ý kiến đề xuất gia tăng phạm vi một số quyền lợi khác như chẩn đoán sàng lọc, BHYT bổ sung, dinh dưỡng điều trị, song theo bà Trần Thị Trang, để đáp ứng vào tháng 10 tới là một khó khăn, thách thức. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, khi bảo đảm cân đối Quỹ BHYT, sẽ có đề xuất với Quốc hội để người dân được bảo đảm quyền lợi tốt nhất.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nhieu-quyen-loi-cua-nguoi-benh-duoc-dua-vao-luat-bhyt-sua-doi-i742232/