Nhiều rào cản trong hiến, ghép cơ thể người
Ghép tạng là một trong những thành tựu to lớn của nhân loại trong thế kỷ XX với 6 giải Nobel. Việt Nam đi sau so với thế giới 27 năm đối với ghép tạng từ người cho sống và 28 năm đối với ghép tạng từ người cho chết não, nhưng những thành tựu mà nước ta đạt được trong lĩnh vực này là rất to lớn.
Số lượng người chết não hiến tạng đang chiếm một tỷ lệ rất nhỏ
Từ năm 1992, Việt Nam đã thực hiện thành công ghép thận tại Bệnh viện Quân Y 103 và từ đó tới nay, nước ta đã thực hiện ghép gan, ghép tim, ghép đa tạng, ghép phổi và mới đây nhất là ghép ruột thành công vào năm 2020 với 22 trung tâm ghép tạng trải rộng từ Bắc đến Nam.
Số liệu từ Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), tính đến nay, toàn quốc đã thực hiện được hơn 6.000 ca ghép tạng với số lượng tăng dần theo từng năm.
Mặc dù vậy, một số liệu được nhiều chuyên gia đánh giá là chúng ta đang “ngược” hoàn toàn với thế giới, đó là số lượng người chết não hiến tạng đang chiếm một tỷ lệ rất nhỏ - khoảng 0,08% số ca hiến tạng, trong khi đó trên thế giới, phần lớn tạng được hiến đến từ người chết não.
Lý giải về nguyên nhân này, GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) cho rằng: Từ năm 2010 đến nay, chỉ có 127 người chết não hiến tạng trên toàn quốc. Đây là một số lượng rất rất ít so nước ngoài. Một phần là do quan niệm của người Việt, đối với người được chẩn đoán chết não, người nhà thường có khuynh hướng hỏa táng, hoặc chôn cất. Bên cạnh đó, rào cản đến từ quy định của pháp luật có không ít.
Đơn cử như luật quy định người cho chết não vừa phải có thẻ hiến tạng lại vừa phải có sự đồng ý của gia đình. Rất nhiều trường hợp dù người chết não có thẻ hiến tạng nhưng gia đình không đồng ý, các bác sĩ đành bất lực. Ngoài ra, kinh phí chẩn đoán chết não hiến tạng cũng còn nhiều vướng mắc khi luật chưa ghi rõ việc nếu người chết não hiến mô, tạng ở cơ sở y tế thực hiện ghép sẽ chi trả chi phí chẩn đoán chết não…
Quy định chưa phù hợp với thực tế
Khẳng định rằng Việt Nam đã có luật pháp cụ thể, đầy đủ về việc hiến, ghép bộ phận cơ thể người. Tuy nhiên, Th.S Nguyễn Hồng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) thừa nhận: Một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tế. Đơn cử như độ tuổi người hiến tạng chết não chưa phù hợp, người dân vẫn khó tiếp cận với các hình thức đăng ký hiến tạng. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có chế độ hợp lý đối với người hiến sống, người hiến sau khi chết não, cũng thiếu các chế độ đối với người nhà của người hiến sau khi chết não và hình thức tôn vinh người hiến.
Ông Phúc cho rằng: Với người hiến khi còn sống, bên cạnh quy định độ tuổi từ đủ 18 đối với người hiến tặng cùng huyết thống, cần bổ sung quy định mở rộng điều kiện độ tuổi đối với người hiến tặng không cùng huyết thống.
Theo đó, cần nâng cao độ tuổi hiến tặng lên 30 hoặc 35 tuổi, bởi ở độ tuổi này người hiến thường đã hoàn thiện cả về thể chất, tinh thần và đã cơ bản ổn định cuộc sống, do đó với quy định này cũng sẽ góp phần hạn chế tình tạng mua bán tạng hiện nay.
Tuy nhiên, đối với trường hợp chết não, người dưới 18 tuổi cần được xem xét chấp nhận khi được người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ hợp pháp của họ đồng ý. Bởi mô, bộ phận cơ thể của người dưới 18 tuổi vẫn có thể dùng để cấy, ghép cho người bệnh được, đặc biệt cho những người bệnh dưới 18 tuổi và khi những người thân thích và bản thân của người chết đều có nguyện vọng muốn hiến tặng thì pháp luật cần xem xét cho phép chấp nhận.
Trên thế giới, việc cho phép người dưới 18 tuổi được hiến tặng mô, bộ phận của mình sau khi chết, chết não cũng được nhiều nước áp dụng như: Pháp, một số nước liên minh châu Âu... nhưng đều đặt ra các yêu cầu, điều kiện chặt chẽ đối với trường hợp người hiến tặng dưới 18 tuổi sau khi chết như phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn cho rằng: Để nâng cao số lượng tạng hiến từ người chết não, một trong những biện pháp là cần có chế độ hợp lý đối với người thân, gia đình của họ. Đối với người hiến sau khi chết/chết não được miễn toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh, cấp cứu... tại cơ sở y tế nơi chẩn đoán chết não và hiến tạng; được hỗ trợ vận chuyển thi thể và chi phí mai táng.
Với bố mẹ hoặc con được tặng thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí suốt đời, được ưu tiên khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào nào phù hợp với mức thanh toán cao nhất; cùng đó, ưu tiên học phí ở hệ thống trường đào tạo công lập cho bố/mẹ hoặc con. Người thân của họ (con hoặc bố/mẹ; vợ/chồng) được ưu tiên ghép tạng nếu suy tạng…
“Việc quy định như vậy sẽ bảo đảm được quyền lợi cho người hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết và thân nhân của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động ghép mô, bộ phận cơ thể người ở, góp phần cứu chữa, kéo dài sự sống hàng nghìn bệnh nhân mắc các bệnh về suy mô, tạng, bảo đảm minh bạch trong việc hỗ trợ quyền lợi, chế độ đối với người hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác” - GS Phúc khẳng định.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nhieu-rao-can-trong-hien-ghep-co-the-nguoi-5677271.html