Nhiều rào cản trong tiếp cận vốn xanh cho doanh nghiệp
Tín dụng xanh là một phần quan trọng của kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, cung cấp các công cụ tài chính và nguồn lực cần thiết để thực hiện các mục tiêu liên quan đến bảo vệ môi trường như: tín dụng xanh, trái phiếu xanh...
Tuy nhiên, trên thực tế việc huy động và phát triển dòng vốn xanh cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: hệ thống pháp luật về tài chính xanh của Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện, đồng bộ; chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành...
Từ đầu năm, ngân hàng đã đưa ra gói tín dụng xanh 3.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4,3% - 6.8%/năm. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa có bộ tiêu chí xác định doanh nghiệp xanh cụ thể, do đó ngân hàng đã phải tự đưa ra một bộ tiêu chí riêng để tiếp cận khách hàng của mình.
Bà Hoàng Phương Linh, Giám đốc Quản lý quan hệ Nhà đầu tư - Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam cho biết: "Phân loại xanh để các dự án có các tiêu chí, định nghĩa về xanh, xác định là xanh vẫn đang là một vấn đề. Từ đầu năm chúng tôi đã đưa ra phân loại xanh dùng riêng trong nội bộ ngân hàng, chúng tôi cấp tín dụng cho khách hàng với mức lãi suất ưu đãi, đây cũng là bước tiến và cũng là để kiểm thửu thị trường và xem phản hồi của khách hàng thế nào".
Theo các doanh nghiệp, khó khăn trong quá trình tiếp cận tài chính xanh thường gặp như: thiếu thông tin về các đơn vị cấp tín dụng xanh; chi phí tài chính thực tế; tiêu chí dự án xanh chưa cụ thể, rõ ràng. Các quỹ tín dụng xanh thường không chấp nhận tài sản đảm bảo, doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng. Các dự án quy mô nhỏ nên khó tiếp cận vốn vay nước ngoài, rủi ro về chênh lệch tỷ giá.
Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu rất cao, đó là đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0; quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỷ USD năm 2020 lên đến 300 tỷ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam cần nhiều bước đi đột phá, đặc biệt thu hút sự đồng hành của khu vực kinh tế tư nhân.