Nhiều rủi ro khi bỏ phỏng vấn đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài
Pháp luật hiện hành đã bỏ thủ tục phỏng vấn trong đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Đây được cho là bước tiến nhằm thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, rút ngắn thời gian giải quyết đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhất là trong lúc môi giới hôn nhân bất hợp pháp vẫn đang diễn ra thì quy định này lại nảy sinh nhiều rủi ro và hệ lụy.
Nhiều nỗ lực vì cuộc sống hạnh phúc cho cô dâu Việt
Để quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2014, Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động tư vấn, hỗ trợ HNGĐ có yếu tố nước ngoài đã nêu rõ: Các Trung tâm tư vấn, hỗ trợ HNGĐ có yếu tố nước ngoài thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ có quyền tư vấn bồi dưỡng cho công dân Việt Nam về pháp luật HNGĐ, về nhập cư của nước mà người yêu cầu dự định kết hôn với công dân nước đó.
Thực hiện Luật HNGĐ 2014 và Nghị định 126, theo báo cáo của một số tỉnh, thành, từ khi thành lập đến năm 2017, các trung tâm đã tư vấn cho khoảng hơn 15 nghìn trường hợp, 2.113 trường hợp được hỗ trợ hoàn thành thủ tục đăng ký kết hôn thông qua các hình thức tư vấn linh hoạt, như gặp gỡ tại trung tâm, qua điện thoại, đến hộ gia đình… Riêng Trung tâm của Hải Dương, trong 2 năm 2017 – 2018 đã tư vấn cho 206 phụ nữ có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài. Nhiều trường hợp đã xin rút hồ sơ sau khi được tư vấn.
Đặc biệt, trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ hôn nhân Hàn Quốc” tại tỉnh Hải Dương, đã thí điểm giới thiệu theo quy trình hỗ trợ kết hôn thông qua phần mềm database. Dự án nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ tại địa bàn dự án về vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài, phù hợp với nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân, với thuần phong mỹ tục của dân tộc, đảm bảo hôn nhân lành mạnh, tuân thủ pháp luật và quan hệ hai nước Việt Nam – Hàn Quốc, góp phần hạn chế những rủi ro cho phụ nữ Việt Nam khi lấy chồng Hàn Quốc, giảm thiểu và loại trừ những rủi ro phát sinh do môi giới hôn nhân quốc tế bất hợp pháp.
Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trở về cũng được quan tâm thực hiện, góp phần đảm bảo quyền của phụ nữ, trẻ em. Tại Cần Thơ, dự án “Việt – Hàn chung tay chăm sóc” đang được triển khai nhằm xây dựng hệ thống chăm sóc tổng hợp dành cho gia đình đa văn hóa Việt – Hàn, hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ chuẩn bị kết hôn và di cư trở về thông qua các chương trình đào tạo, các hỗ trợ về pháp lý và hoạt động hỗ trợ tái hòa nhập cuộc sống tại Việt Nam khi trở về.
Mặt trái của việc bỏ thủ tục phỏng vấn
Tuy nhiên, đang có một vướng mắc pháp lý ở chỗ, Nghị định 126 bắt buộc phải thực hiện phỏng vấn khi đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Sở Tư pháp nhằm kiểm tra, làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn, mục đích kết hôn và mức độ hiểu biết lẫn nhau của hai bên nam, nữ. Quy định này giúp cơ quan có thẩm quyền bác hồ sơ đương sự, xử phạt hành chính hay xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về HNGĐ, đã tạo được sự răn đe trong cộng đồng.
Trong khi đó, Luật Hộ tịch năm 2014 đã bỏ thủ tục này, đồng thời chuyển thẩm quyền đăng ký kết hôn cho cấp huyện. Việc bỏ thủ tục phỏng vấn trong đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài nhằm thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, rút ngắn thời gian giải quyết đăng ký kết hôn, song cũng gia tăng gánh nặng và trách nhiệm cho cán bộ tư pháp cấp huyện trong khâu xác nhận, thẩm định hồ sơ, đặc biệt là khâu xác minh mục đích hôn nhân. Thực tế đã cho thấy không ít người kết hôn với người nước ngoài vì mục đích kinh tế hoặc vì nhiều lý do khác mà không được thẩm định, phỏng vấn kỹ lưỡng dẫn đến nhiều hệ lụy cho phụ nữ, nhất là các trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với nam giới Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan.
Hơn nữa, theo Nghị định 126, một trong các nhiệm vụ của trung tâm tư vấn, hỗ trợ HNGĐ có yếu tố nước ngoài là thực hiện tư vấn kết hôn cho phụ nữ. Tuy nhiên, chứng nhận đã qua tư vấn tại Trung tâm trong những trường hợp nhất định hiện nay không còn là quy định bắt buộc trong hồ sơ, thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Điều đó có thể phù hợp với tiếp cận dựa trên quyền của người phụ nữ nhưng chưa thực sự phù hợp khi thủ tục phỏng vấn trước kết hôn được bãi bỏ và trong bối cảnh môi giới hôn nhân bất hợp pháp vẫn đang diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, với mức độ ngày càng tinh vi và trên phạm vi rộng, tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước do lợi nhuận thu được cao hơn rất nhiều lần mức bị phạt (cao nhất chỉ đến 30 triệu đồng).
Điển hình như vụ việc môi giới kết hôn trái phép được Công an TP HCM phát hiện và ngăn chặn tháng 8/2017 do người Hàn Quốc thực hiện tại quận 9, TP HCM. Thực trạng ấy khiến cho nhiều cuộc hôn nhân của phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài (tập trung chủ yếu với người Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc) chưa thực sự xuất phát từ tình yêu nảy sinh nhiều rủi ro và hệ lụy như gia tăng số vụ ly hôn, phát sinh nhiều hệ quả pháp lý…