Nhiều sản phẩm dành cho trẻ em bị thu hồi trong thời gian qua
Các sản phẩm dành cho trẻ em cần có nguồn gốc và chất lượng đảm bảo tuyệt đối an toàn. Tuy nhiên thời gian qua, một số sản phẩm dược mỹ phẩm, sữa bột, thậm chí có cả những sản phẩm được sử dụng như công cụ giúp làm sạch khoang miệng cho trẻ,... cũng bị thu hồi khiến các bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng.
Vào tháng 2/2023 vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã chính thức thông báo thu hồi, tiêu hủy trên toàn quốc sản phẩm “Diệp Bảo - Kem trẻ em”, trên nhãn ghi thông tin: www.kemdiepbao.com, địa chỉ: Tổ 25, Khu Phố 2, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai”.
Sản phẩm do Công ty TNHH SX - TM Healing Pro (địa chỉ: 59A đường số 9, phường Tân Kiểng, quận 7, TPHCM hoặc Số 7, đường số 3, cư xá Bình Thới, phường 8, quận 11, TPHCM) sản xuất.
Lý do thu hồi được cho là do sản phẩm “Diệp Bảo - Kem trẻ em” sản xuất tại cơ sở chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, lưu thông trên thị trường khi chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định tại Điều 70 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và Điều 45, Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm.
Vào ngày 26/12/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Starmed - đơn vị phân phối sản phẩm Gạc răng miệng Dr.Papie bất ngờ có công văn thu hồi lô sản phẩm bị lỗi.
Theo đó, công ty này phát hiện có một số trường hợp hộp sản phẩm Gạc răng miệng Dr.Papie (Lô 032022, NSX: 04/07/2022, HSD: 04/07/2025) bị lỗi, không đảm bảo chất lượng như nhãn hàng đã công bố trước đó.
Đáng ngại, theo phản ánh sản phẩm này có mùi hôi. Nguyên nhân được cho là do trong quá trình đóng gói sản phẩm đã gây hở gói, và từ đó dẫn đến chất lượng sản phẩm bị đi xuống, không đảm bảo chất lượng theo tuổi thọ theo như đã công bố.
Sự việc trên đã khiến nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự lo ngại khi đối tượng sử dụng sản phẩm này là trẻ em, vì đây vốn là sản phẩm được dùng để làm sạch khoang miệng, nướu, lưỡi, túi má và răng cho bé từ sơ sinh trở lên.
Vào cuối tháng 12/2022, Cục Quản lý Dược (Bộ Y Tế) đã ra thông báo đình chỉ lưu hành, đồng thời thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Nước muối Vĩnh Phúc (Natri clorid 0,9%) chai 500ml có số lô là 010622 27S, hạn sử dụng đến 1/6/2025).
Lý do lô sản phẩm Nước muối Vĩnh Phúc (Natri clorid 0,9%) - Chai 500ml không đáp ứng yêu cầu chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm (chỉ tiêu tổng số vi sinh vật đếm được) theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm và Hiệp định mỹ phẩm ASEAN.
Sản phẩm này có thông tin nhà sản xuất là chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại Thiết bị Y tế Vĩnh Phúc, địa chỉ ở 59/13E-F-H ấp Tiến Lân 1, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM.
Đơn vị chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là Công ty Cổ phần Thương mại Thiết bị Y tế Vĩnh Phúc tại 23/23-25 Tân Thới Nhất 18, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM.
Mẫu thử được Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm Đắk Lắk lấy tại Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu - Nhà thuốc Long Châu 673 (số 41 Lý Tự Trọng, Tân An, Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk).
Vào tháng 7/2022, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có thông báo thu hồi một lô siro thuộc nhóm bổ sung vitamin, khoáng chất và acid amin, chỉ định cho nhóm trẻ biếng ăn, thiếu dinh dưỡng,… vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng.
Theo đó, Cục Quản lý Dược ban hành thông báo thu hồi trên toàn quốc lô Siro uống Siro Nutrohadi F do vi phạm mức độ 2.
Cũng theo Cục Quản lý Dược, hồi tháng 11/2021, một mẫu thuốc Siro uống có tên Siro Nutrohadi F (Số GĐKLH: VD-18684-13, Số lô: 030221; NSX: 24/02/2021; HD: 23/02/2024) sau khi được kiểm nghiệm đã cho kết quả không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng Riboflavin, Thiamin Hydroclorid và Tocopherol acetat.
Cục Quản lý Dược đã thông báo thu hồi lô thuốc này trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cùng đó, cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh (đơn vị sản xuất sản phẩm Siro Nutrohadi F) phối hợp lấy hai mẫu bổ sung và gửi kiểm tra chất lượng đối với chỉ tiêu định lượng Riboflavin, Thiamin Hydroclorid, Tocopherol acetat có trong sản phẩm.
5. Sữa bột Alimentum của Abbott
Vào tháng 2/2022, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết đã nhận được báo cáo của văn phòng đại diện Công ty Abbott Laboratories GmbH tại Hà Nội về việc thu hồi tự nguyện sản phẩm sữa bột Alimentum đã bán tại Việt Nam.
Alimentum có tên đăng ký đầy đủ ở Việt Nam là Similac Alimentum Eye-Q (sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ 0-12 tháng tuổi) do Abbott công bố và được nhập khẩu, phân phối bởi Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (Việt Nam).
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo nguy cơ bị nhiễm Cronobacter sakazakii và Salmonella newport liên quan đến các sản phẩm nêu trên.
Công ty đã thông báo thu hồi 6 lô sản phẩm Similac Alimentum Eye-Q được sản xuất tại nhà máy của Abbott Nutrition’s Sturgis, Michigan, Hoa Kỳ với số lô in trên thùng cactông là 26812Z263, 27939Z260, 29209Z200, 30285Z260, 32412Z220, 32648Z200, còn số lô rút gọn in trên đáy lon là 26812Z26, 27939Z26, 29209Z20, 30285Z26, 32412Z22, 32648Z20.
Vi khuẩn Cronobacter sakazakii có thể gây nhiễm trùng nặng, dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm màng não, đe dọa tính mạng.
Nhiễm trùng Cronobacter sakazakii cũng có thể gây tổn thương ruột và lan qua máu, đến các bộ phận khác của cơ thể.
Salmonella newport là nhóm vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa và sốt. Hầu hết trẻ nhiễm khuẩn Salmonella bị tiêu chảy, sốt và đau quặn bụng. Các ca nghiêm trọng có thể sốt cao, đau đầu, hôn mê, phát ban, tiêu ra máu...
Những vụ việc trên như một lời cảnh báo đến các nhà sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng hay trang thiết bị vật tư y tế, thực phẩm cho trẻ em, dược mỹ phẩm... cần đảm bảo chát lượng, kiểm soát nghiêm ngặt trước khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.