Nhiều sáng kiến kỹ thuật từ thực tế quản lý, vận hành lưới truyền tải điện

Các đơn vị trong PTC4 đang ứng dụng nhiều công nghệ và sáng tạo trong vận hành tại các trạm biến áp, quản lý đường dây.

Nhiều sáng kiến công nghệ để nâng cao hiệu quả vận hành được áp dụng tại trạm biến áp do PTC4 quản lý. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nhiều sáng kiến công nghệ để nâng cao hiệu quả vận hành được áp dụng tại trạm biến áp do PTC4 quản lý. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Không chỉ ứng dụng các thiết bị công nghệ trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, Công ty Truyền tải điện 4 - PTC4 (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia) đang đẩy mạnh áp dụng các sáng kiến khoa học kỹ thuật được nghiên cứu từ thực tiễn quản lý, từ đó tăng năng suất lao động và đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả lưới điện.

Trạm biến áp (TBA) 500kV Mỹ Tho (thuộc Truyền tải Điện miền Tây 2) đóng vai trò quan trọng ở khu vực miền Tây khi góp phần giải tỏa công suất các Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải qua các đường dây 500kV Mỹ Tho đi Ô Môn, Mỹ Tho đi Đức Hòa kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, Mỹ Tho đi Nhà Bè và 1 đường dây đi Vĩnh Long. Ngoài ra, trạm cũng cung cấp phụ tải cho khu vực miền Tây như Cao Lãnh, Mỹ Tho, Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh qua 2 máy biến áp công suất 900 MVA, 8 đường dây 220kV kết nối.

Trong hai năm 2023 - 2024, TBA này vận hành ổn định và không xảy ra sự cố. Đây cũng là TBA có nhiều sáng kiến cấp Tổng công ty được đưa vào ứng dụng trong thực tế quản lý vận hành và phát huy hiệu quả cao.

Đề cập đến vấn đề này, ông Trần Hữu Phước, Trưởng trạm 500kV Mỹ Tho cho biết: “Trong năm 2023, trạm có 4 sáng kiến được cấp Tổng công ty duyệt, năm 2024 cũng đã trình 4 sáng kiến để xét duyệt”.

Cụ thể như sáng kiến trong quá trình thao tác bị hỏng dao cách ly. Nếu ngay thời điểm đó phải cắt điện xử lý thì không có thiết bị thay thế vì đây là phụ kiện nhập khẩu. Chưa kể nếu phải chờ có thiết bị thay thế thì trả lại việc cung cấp điện không kịp.

Trước thực tế này, các kỹ sư và công nhân của trạm đã tìm và gia công thiết bị để lắp đặt thay thế trong quá trình xử lý, khắc phục để cung cấp điện đúng giờ. Sáng kiến này giúp trạm không cần phải nhập khẩu thiết bị, vừa nhanh vừa tiết kiệm.

Sáng kiến làm những lồng sắt để ngăn chặn chim làm tổ trên các thiết bị điện tại Trạm biến áp. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Sáng kiến làm những lồng sắt để ngăn chặn chim làm tổ trên các thiết bị điện tại Trạm biến áp. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Sáng kiến chống chim cũng là đề tài được trạm sáng chế và ứng dụng hiệu quả bởi khu vực này nhiều chim về làm tổ, có thể gây hiện tượng phóng điện. Qua tìm hiểu đặc tính các loài chim, TBA 500kV Mỹ Tho đã dùng mỡ bò chịu nhiệt để ngăn tình trạng này. Qua đó đã giúp ngăn ngừa hiện tượng phóng điện do chim gây ra.

Trong quá trình vận hành các khiếm khuyết trong máy cắt, lò xo có hoạt động hay không. Từ thực tế, trạm đã có sáng kiến để khắc phục những bất cập này. Theo ông Trần Hữu Phước, hiện nay trong thiết kế không có cảnh báo cho điều hành viên phát hiện kịp thời hư hỏng thiết bị.

Một sáng kiến nữa mà trạm đang áp dụng là thiết bị gắn sim 3G khi giám sát dầu online. Trong thiết kế này có bộ cảnh báo cho người quản lý, bằng hệ thống qua thiết bị gắn sim 3G, khi hệ thống giám sát dầu online hỏng hóc sẽ gửi tin nhắn để kịp thời phát hiện bộ phận hư hỏng đó.

Ứng dụng phầm mềm quản lý tại trạm biến áp giúp người công nhân có thể phát hiện kịp thời, xử lý sớm những sự cố có thể xảy ra trong trạm. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Ứng dụng phầm mềm quản lý tại trạm biến áp giúp người công nhân có thể phát hiện kịp thời, xử lý sớm những sự cố có thể xảy ra trong trạm. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Giám đốc PTC4, các đơn vị đang ứng dụng nhiều công nghệ và sáng tạo trong vận hành tại các trạm biến áp, quản lý đường dây. Một trong những sáng kiến của anh em công nhân tại miền Tây là sử dụng thiết bị bay để rửa sứ online.

“Chúng tôi thấy rằng, người dân nơi đây dùng thiết bị bay UAV để bón phân, tưới cây cho đồng ruộng, từ đó anh em ở Truyền tải điện miền Tây 2 đã nghiên cứu và đề xuất thực hiện rửa sứ ngay trên trụ điện, không cần cắt điện cũng xử lý được”, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Bảy nói.

Theo chia sẻ của ông Bảy, trước đây rửa sứ bình thường thì phải cần 5 công nhân và chỉ thực hiện được 3 vị trí mỗi ngày. Nhưng với sáng kiến này, đơn vị đang thử nghiệm, kết quả cho thấy trong 20 phút có thể rửa được 2 trụ điểm và chỉ cần 2 người để thao tác. Dự kiến trong năm nay, PTC4 sẽ báo cáo hoàn thành đề tài này để nhân rộng trong toàn Công ty.

Trong quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, từ thực tế các đội đường dây, TBA của các đơn vị Truyền tải điện miền Tây đã không ngừng sáng tạo phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần quản lý, vận hành lưới truyền tải điện các tỉnh khu vực miền Tây nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung ngày càng an toàn, ổn định và hiệu quả hơn.

Mai Phương - Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhieu-sang-kien-ky-thuat-tu-thuc-te-quan-ly-van-hanh-luoi-truyen-tai-dien/352747.html