Nhiều sáng kiến làm lợi hàng nghìn tỷ đồng
Đại hội thi đua yêu nước công nhân, viên chức, người lao động toàn quốc lần thứ X được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức sáng 28/9.
Hàng ngàn sáng chế, sáng kiến, các giải pháp kỹ thuật làm lợi hàng chục nghìn tỷ đồng là điểm nhấn rất đáng chú ý trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua (giai đoạn 2016- 2020), được tổng kết tại Đại hội thi đua yêu nước công nhân, viên chức, người lao động toàn quốc lần thứ X được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức sáng 28/9.
Đến dự đại hội có: đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Phạm Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Tại đại hội, báo cáo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy,từ những phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, được ghi nhận và trao tặng các danh hiệu, hình thức khen thưởng cao quý. Đã có hàng vạn đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, làm lợi cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và xã hội; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, có sức lan tỏa trong cả nước.
Có rất nhiều điển hình như: Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương trong 5 năm qua có 3.650 công trình, sáng kiến, cải tiến, giải pháp hữu ích được công nhân, viên chức, lao động nghiên cứu và đưa vào ứng dụng đạt kết quả tốt, làm lợi cho doanh nghiệp trên 1.485 tỷ đồng; cá nhân tiêu biểu như anh Nguyễn Viết Nam, Kỹ sư hiệu chuẩn Công ty TNHH Fujikura Fiber Optics Việt Nam có 3 sáng kiến với tổng giá trị làm lợi gần 12,4 tỷ đồng; ông Nguyễn Xuân Quang, Xí nghiệp Địa vật lý Giếng khoan, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro với 2 Bằng Sáng chế độc quyền của Cục sở hữu trí tuệ với giá trị làm lợi trên 36 tỷ đồng….
Tại đại hội, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, giai đoạn tiếp theo là thời điểm có tính bước ngoặt của tổ chức Công đoàn Việt Nam, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) được ký kết có tác động quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trực tiếp là sự phát triển của doanh nghiệp, đời sống, việc làm của người lao động và hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
“Chính vì thế thời gian tới các cấp công đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện tốt 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Đổi mới, nâng cao hiệu quả 6 phong trào thi đua và 1 cuộc vận động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, trong đó trọng tâm là phong trào thi đua Lao động giỏi, Lao động sáng tạo với việc nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hiệu suất công tác”, đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết.
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá, các phong trào thi đua luôn được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, lao động cả nước hưởng ứng tích cực, có tính lan tỏa và đạt hiệu quả cao.
Điển hình như phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”…Đặc biệt, trong năm 2020 đại dịch COVID-19 gây khó khăn nhiều mặt về làm, thu nhập và đời sống, nhưng công nhân, lao động đã nỗ lực phấn đấu, từng bước vượt qua khó khăn.
“Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận về những hạn chế trong phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động và công tác khen thưởng như: nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị. Khen thưởng đối với người lao động trực tiếp sản xuất, công nhân lao động tuy đã được quan tâm nhưng còn ít. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao...
Do đó, trong thời gian tới, Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, đưa công tác thi đua gắn với công việc hằng ngày của mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị. Động viên, khích lệ người lao động không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp.
Hướng các phong trào thi đua vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, gắn với mục tiêu nâng cao “năng suất - chất lượng - hiệu quả”. Cần thiết phải cổ vũ, nêu gương những điển hình tiên tiến để nhân rộng trong toàn quốc, tạo động lực phát triển và lan tỏa sâu rộng trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.