Nhiều sinh viên quốc tế bị bắt ở Mỹ, nghị sĩ Dân chủ vào cuộc

Cơ quan thực thi di trú Mỹ đã bắt, giam giữ và đe dọa trục xuất một số sinh viên quốc tế với cáo buộc tham gia các hoạt động làm tổn hại lợi ích của Washington.

Một số nhà lập pháp Dân chủ đã lên tiếng sau loạt thông tin về các trường hợp học viên người nước ngoài đã bị lực lượng an ninh Mỹ bắt giữ và đối diện nguy cơ trục xuất sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump siết chặt quy định nhập cư, đài CNN đưa tin ngày 29-3.

Nghiên cứu sinh Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt ở Massachusetts, Ngoại trưởng Rubio giải thích

Chuyện sinh viên quốc tế bị bắt giữ, đe dọa trục xuất được biết tới nhiều trên mạng xã hội từ hôm 25-3. Ngày này, cô Rumeysa Ozturk – nghiên cứu sinh tiến sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ, 30 tuổi, học tại Đại học Tufts (bang Massachusetts) – bị 6 cảnh sát mặc thường phục bất ngờ chặn trên đường về căn hộ, bị còng tay và giải vào một chiếc SUV.

 Hình ảnh từ video giám sát cho thấy cô Rumeysa Ozturk (áo khoác trắng) bị nhóm cảnh sát mặc thường phục bắt hôm 25-3. Ảnh: ABC NEWS

Hình ảnh từ video giám sát cho thấy cô Rumeysa Ozturk (áo khoác trắng) bị nhóm cảnh sát mặc thường phục bắt hôm 25-3. Ảnh: ABC NEWS

Đại diện Tổng Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Boston đã tới văn phòng Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) tại TP Burlington (bang Massachusetts) nhưng được thông báo là cô Ozturk không bị tạm giữ ở văn phòng này.

Sau cùng, cô Ozturk được xác nhận đã bị đưa qua nhiều cơ quan chính quyền, từ bang Massachusetts sang bang Louisiana, cách đó hơn 2.400 km.

Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết cô Ozturk bị bắt vì cáo buộc “tham gia vào các hoạt động ủng hộ [lực lượng Hồi giáo] Hamas”, song không nêu chi tiết đó là các hoạt động nào.

Khi được hỏi về vụ bắt giữ cô Ozturk, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm 27-3 nhắc lại việc nghiên cứu sinh này đã tham gia viết một bài xã hội trên tờ san của Đại học Tufts trước đó. Bài viết chỉ trích giới lãnh đạo trường phản ứng lạnh nhạt trước lời kêu gọi của sinh viên cắt đứt quan hệ đầu tư với Israel để phản đối xung đột tại Dải Gaza.

Người phát ngôn Bộ An ninh Nội địa Mỹ Tricia McLaughlin cho biết ông Rubio xác định các hành vị của cô Ozturk bị cáo buộc “có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng về chính sách đối ngoại và làm tổn hại đến lợi ích chính sách đối ngoại cấp bách của Mỹ”.

Hồ sơ của ICE cho biết thị thực của nghiên cứu sinh này đã bị thu hồi hôm 21-3, nhưng phía cô Ozturk cho biết cho tới lúc nhận được trát hầu tòa, cô không được thông báo về vấn đề visa bị hủy.

Nhóm luật sư của cô Ozturk đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang tại Boston để phản đối vụ bắt giữ và trục xuất và vẫn tiếp tục nỗ lực để nghiên cứu sinh này được thả tự do.

Loạt vụ bắt giữ sinh viên quốc tế tương tự

Một trường hợp tương tự xảy ra hôm 27-3 tại Đại học Minnesota (bang Minnesota), khi một sinh viên quốc tế bị nhân viên ICE bắt giữ. Ban lãnh đạo trường ngày 28-3 gọi đây là “tình huống vô cùng đáng lo ngại” và chưa rõ sinh viên này bị cáo buộc tội gì và đang bị giam giữ ở đâu.

Trước đó, anh Mahmoud Khalil – một sinh viên quốc tế tại Đại học Columbia (bang New York) tích cực tham gia các phong trào ủng hộ người Palestine – bị bắt bên ngoài căn hộ của anh và bị đưa tới bang New Jersey, sau đó tới Louisiana.

 Anh Mahmoud Khalil chụp hình trước trường Đại học Columbia hồi tháng 4-2024. Anh đã bị bắt giữ do liên quan các hoạt động biểu tình ủng hộ Palestine. Ảnh: USA TODAY

Anh Mahmoud Khalil chụp hình trước trường Đại học Columbia hồi tháng 4-2024. Anh đã bị bắt giữ do liên quan các hoạt động biểu tình ủng hộ Palestine. Ảnh: USA TODAY

Một nghiên cứu sinh người Ấn Độ tại Đại học Georgetown (bang Virginia) tên Khan Suri bị các nhân viên ICE bắt trong đêm và cũng được đưa tới giam giữ ở Louisiana.

Các ý kiến chỉ trích liên hệ các vụ bắt giữ này với những trường hợp người nước ngoài bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ vì có lịch sử phát ngôn, hành động ủng hộ các lực lượng Hồi giáo như Hamas (Dải Gaza), Hezbollah (Lebanon)… trong các xung đột chống lại Israel.

Ngoại trưởng Rubio nhấn mạnh rằng Mỹ không cấp thị thực để sinh viên quốc tế vào Mỹ viết bài chỉ trích và “tham gia vào các phong trào có hành vi như phá hoại trường đại học, quấy rối sinh viên, chiếm giữ các tòa nhà, gây náo loạn”.

Nhiều chính khách Dân chủ lên tiếng sau vụ ở Minnesota

Thượng Nghị sĩ Dân chủ Amy Klobuchar hôm 29-3 viết trên mạng xã hội X rằng bà và các đồng nghiệp đang liên lạc với Đại học Minnesota và “làm mọi cách có thể” để tìm hiểu về vụ bắt giữ “đáng lo ngại” của ICE tại trường này.

Thống đốc Minnesota, ông Tim Walz (đảng Dân chủ) cũng đặt dấu hỏi cho hoạt động của ICE.

Viết trên X, ông Walz cho biết đã trao đổi với Bộ An ninh nội địa để biết thêm thông tin về vụ bắt giữ và nhấn mạnh rằng các sinh viên quốc tế với thị thực học tập hợp lệ tại Đại học Minnesota cần có được câu trả lời từ ICE.

Thị trưởng TP Minneapolis (bang Minnesota) - ông Jacob Frey (Dân chủ) gọi vụ bắt giữ một sinh viên quốc tế tại Đại học Minnesota là “vô cùng đáng ngại”, khiến sinh viên “sợ hãi” và không thể tập trung vào việc học.

Hai nhà lập pháp Dân chủ là ông Doron Clark và ông Omar Fateh, cùng thuộc Thượng viện bang Minnesota, cũng chỉ trích vụ việc. Ông Clark nhấn mạnh vấn đề đáng chú ý nhất là sự thiếu thông tin từ ICE liên quan các trường hợp sinh viên quốc tế bị bắt giữ.

HOÀN ĐỨC

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-sinh-vien-quoc-te-bi-bat-o-my-nghi-si-dan-chu-vao-cuoc-post841575.html