Nhiều sinh viên quốc tế đăng ký dự Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2025

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tới thời điểm này dù vẫn chưa chính thức mở cổng đăng ký dự thi đánh giá năng lực (HSA) năm 2025 nhưng Đại học Quốc gia Hà Nội đã nhận được khá nhiều hồ sơ, trong đó có những hồ sơ của học sinh quốc tế đến từ Nga, Đức, Mông Cổ và nhiều nước châu Á.

Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội vừa có thông tin chính thức về việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) năm 2025. Theo đó, kỳ thi năm nay sẽ được tổ chức làm 6 đợt, đợt thi sớm nhất diễn ra vào hai ngày 15.3 và 16.3. Thí sinh bắt đầu chọn ca thi từ 9h ngày 23.2.

Đến thời điểm này, đã có gần 100 trường đại học, học viện dự kiến sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển năm 2025.

Trước kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) năm 2025, Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội để tìm hiểu về những điểm mới của kỳ thi năm nay, cũng như những điểm thí sinh cần lưu ý khi đăng ký dự thi và làm bài thi.

 GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Duy Thông)

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Duy Thông)

Những điểm mới quan trọng của kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025

- Thưa GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, trước hết ông có thể chia sẻ về mục tiêu cũng như tầm quan trọng của kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) đối với thí sinh và hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện nay?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (HSA) được thiết kế từ năm 2011, tới nay đã gần 15 năm với những phiên bản khác nhau. Năm 2025, chúng tôi tiếp tục đổi mới kỳ thi theo phiên bản tiên tiến nhất, hiện đại nhất, mang đến cho nền giáo dục Việt Nam một kỳ thi tiệm cận với quốc tế, mục tiêu đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện, phân loại thí sinh, cung cấp cho các trường đại học những sản phẩm chất lượng nhất.

Thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội ghi nhận số lượng thí sinh dự thi đánh giá năng lực rất đông đảo, trên khắp mọi miền tổ quốc. Số lượng các trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi này trong xét tuyển cũng ngày càng tăng lên.

Đặc biệt, năm 2025, dù thời điểm này chúng tôi vẫn chưa chính thức mở cổng đăng ký thi nhưng đã nhận được khá nhiều hồ sơ, trong đó có những hồ sơ đăng ký của học sinh quốc tế đến từ Nga, Đức, Mông Cổ và nhiều nước châu Á… để tham gia kỳ thi. Điều này cho thấy kỳ thi đánh giá năng lực không chỉ tiếp cận được đối với học sinh Việt Nam mà đã dần dần lan tỏa đến với bạn bè quốc tế.

Việc thu hút sinh viên quốc tế đến với các trường đại học Việt Nam cũng là điểm nhấn của giáo dục Việt Nam trong suốt thời gian qua. Khi các trường đại học Việt Nam tăng xếp hạng, tăng quy mô và đặc biệt là mở rộng tuyển sinh sinh viên quốc tế thì họ cũng tìm các cách thức khác nhau để có thể đăng ký dự thi và được học tại Việt Nam. Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là kỳ thi đầu tiên mà chúng tôi nhận thấy có số lượng thí sinh quốc tế tham dự tương đối lớn.

- Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông 2018 xét tuyển đại học, nên thông tin liên quan đến những thay đổi trong cấu trúc đề thi, cách đăng ký dự thi đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội đang được nhiều thí sinh, phụ huynh quan tâm. Ông có thể cho biết kỳ thi năm nay có những điểm mới nào so với các năm trước?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Chúng tôi đã có sự chuẩn bị công phu cho kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) năm 2025. Dự thảo của kỳ thi được công bố vào ngày 22.8.2024. Chúng tôi cố gắng mang đến một kỳ thi ổn định nhất cho thí sinh nên đã chuẩn bị rất cẩn thận để giáo viên, học sinh có thể tiếp cận sớm nhất từ lịch thi, chương trình thi tới nội dung thi. Năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức làm 6 đợt thi, đợt đầu tiên diễn ra vào ngày 25.3, đợt cuối cùng vào ngày 18.5. Tất cả đợt thi sẽ không thay đổi lịch để học sinh có kế hoạch ôn tập đầy đủ, sẵn sàng bước vào kỳ thi.

Về vấn đề kỹ thuật, chúng tôi có một vài thay đổi. Kỳ thi đánh giá năng lực cho phép thí sinh được lựa chọn địa điểm thi, ca thi, giờ thi. Ban đầu, chúng tôi đưa ra thời gian để thí sinh bắt đầu chọn ca thi từ ngày 8.2. Tuy nhiên do thời gian qua Đại học Quốc gia Hà Nội có sự thay đổi về đơn vị tổ chức, sát nhập theo cơ quan hành chính nên đã lùi lịch đăng ký ca thi, chọn địa điểm thi đến ngày 23.2.

Năm 2025, việc đăng ký dự thi có những điểm mới. Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội yêu cầu thí sinh phải đăng ký dự thi bằng số điện thoại để tránh trường hợp nhiều thí sinh ảo, chỉ đăng ký chỗ mà không dự thi. Chúng tôi cũng xác minh thông tin thí sinh qua số căn cước công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo việc đăng ký là chính xác, đảm bảo quyền lợi cho tất cả thí sinh.

Cấu trúc bài thi cũng có những sự thay đổi. Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những bài thi tuyên bố về dạng thức, cấu trúc sớm nhất trong trong những bài thi triển khai năm 2025. Theo đó, bài thi gồm có 3 phần. Phần đầu tiên đánh giá tư duy định lượng (lĩnh vực Toán học & Xử lí số liệu) với 50 câu hỏi, làm trong 75 phút. Phần thứ hai là tư duy định tính (lĩnh vực Văn học - Ngôn ngữ), đánh giá về khả năng ngôn ngữ và khả năng cảm nhận, cảm thụ văn học với 50 câu hỏi, làm trong 60 phút.

Hai phần này về mặt hình thức giống với cấu trúc của những bài thi năm 2021 đến 2024. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở nội hàm bên trong, khi câu hỏi thiết kế theo chương trình GDPT 2018. Việc đánh giá năng lực sẽ nhiều hơn trước đây và chúng tôi cũng đưa vào những loại câu hỏi mới, cách thức đánh giá mới. Có những câu hỏi được gọi là “câu hỏi chùm”, có thể đánh giá ngay lập tức thí sinh nằm trong nhóm năng lực thấp, trung bình hay năng lực cao. Trước đây, mỗi câu hỏi đơn chỉ có thể đánh giá thí sinh ở 1 trong 3 cấp độ năng lực thì nay với câu hỏi chùm có thể đánh giá tương đối toàn diện, loại bỏ được xác suất các em đoán mò.

Ở phần thứ ba của bài thi, trước đây, thí sinh được đánh giá qua 5 chủ đề đồng thời gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí với 50 câu hỏi, làm bài trong 60 phút thì năm 2025, thí sinh có nhiều lựa chọn hơn. Các em có thể lựa chọn 3 trong 5 chủ đề nêu trên, hoặc chọn phần thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, cùng với 50 câu hỏi trong 60 phút. Thay đổi này giúp phát huy sở trường khi học sinh lựa chọn môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em hơn và các trường đại học cũng có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.

 GS.TS Nguyễn Tiến Thảo tham dự chương trình Tư vấn tuyển sinh năm 2025 của Báo Đại biểu Nhân dân (Ảnh: Duy Thông)

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo tham dự chương trình Tư vấn tuyển sinh năm 2025 của Báo Đại biểu Nhân dân (Ảnh: Duy Thông)

Đơn cử, nếu mạnh về khoa học xã hội, thí sinh có thể lựa chọn nhóm chủ đề khoa học xã hội để vào khối ngành khoa học xã hội. Thí sinh mạnh về khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ có thể chọn những môn học, chủ đề về khoa học tự nhiên để xét tuyển vào trường đại học khối ngành này. Hay muốn xét tuyển vào trường đại học khối ngành ngoại giao, ngoại ngữ, kinh tế,... các em có thể chọn phần thi tiếng Anh.

Ở kỳ thi năm nay, chúng tôi cũng điều chỉnh về mặt kỹ thuật nhằm giúp nhiều thí sinh có cơ hội tiếp cận với bài thi đánh giá năng lực. Thí sinh chỉ được lựa chọn 1 ca thi duy nhất trong các đợt thi từ 9h ngày 23.2 đến 16h30 ngày 2.3. Nếu muốn dự thi những lần tiếp theo, thí sinh đăng ký từ 9h ngày 3.3 đến khi trước ngày thi chính thức 14 ngày.

Học sinh lớp 10, lớp 11 và thí sinh tự do có thể đăng ký dự thi?

- Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội quy định đối tượng dự thi đánh giá năng lực (HSA) năm 2025 là học sinh đang học lớp 12, có nguyện vọng thi HSA. Vậy học sinh lớp 10, lớp 11 hay thí sinh tự do mong muốn tham dự kỳ thi này có cơ hội nào để đăng ký dự thi không, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Như chúng tôi đã thông báo, kỳ thi đánh giá lực năm 2025 có nhiều điểm riêng biệt, bởi năm 2025 là năm bản lề - năm đầu tiên lứa học sinh theo chương trình GDPT 2018 tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Chúng tôi thiết kế đề thi chủ yếu phục vụ theo chuẩn đầu ra theo kiến thức, kỹ năng, năng lực, những yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT 2018, do đó đối tượng dự thi khu trú phần lớn là các em lớp 12 tốt nghiệp năm 2025.

Với các bạn học sinh lớp 10, lớp 11, quan sát thời gian qua, chúng tôi nhận thấy các em phần lớn ở 2 trạng thái: một là dự thi với tâm lý tò mò về kỳ thi; hai là do kết quả của bài thi có giá trị trong 2 năm nên các em muốn thử sức, nếu may mắn đạt kết quả cao sẽ có “vé chờ” để vào trường đại học mong muốn, hoặc có thể tích lũy kinh nghiệm cho kỳ thi năm sau.

Năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực không phục vụ học sinh lớp 10, lớp 11 bởi bài thi thiết kế theo chương trình GDPT 2018 với những ưu việt về mặt đánh giá năng lực và phẩm chất học sinh. Đồng thời, cấu trúc đề thi cũng có 45 - 60% là nội dung của chương trình lớp 12, chỉ 30% là kiến thức lớp 11 và khoảng 10 - 15 % của chương trình lớp 10. Do vậy, nếu các em lớp 11 có học trước hoặc tích lũy tự học cũng khó đạt được điểm trên trung bình.

Nếu mong muốn dự thi để thử sức, chúng tôi vẫn có bài thi miễn phí trực tuyến cũng khống chế về thời gian, câu hỏi để các em làm giống như bài thi thật. Thử sức với những bài thi này, các em sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn là chỉ đăng ký “thi để cho biết”. Trong khi đó số lượng học sinh lớp 12 quan tâm đến kỳ thi rất nhiều, chúng tôi muốn mở rộng cơ hội cho các bạn lớp 12. Đó là lý do chúng tôi không phục vụ hoặc chưa phục vụ lứa học sinh lớp 10 và lớp 11 trong năm 2025.

Đối với các thí sinh tự do cũng tương đối đặc biệt, bởi tốt nghiệp từ năm 2024 trở về trước thì các em học theo chương trình GDPT 2006. Bài thi đánh giá năng lực 2025 lại thiết kế cho chương trình GDPT 2018. Do vậy, thí sinh tự do đã tốt nghiệp phải có kế hoạch tự bồi dưỡng, tự bổ sung kiến thức theo chương trình mới thì mới có khả năng đạt được điểm cao trong bài thi. Chúng tôi không ngăn cản các em tham gia bài thi này, nhưng chúng tôi không có một đề thi riêng biệt cho chương trình 2006. Nếu các em có khả năng tự học, tự bổ sung kiến thức thì hoàn toàn đủ điều kiện để dự thi.

 Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Duy Thông)

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: Duy Thông)

- Những năm trước đây khi thí sinh đăng ký dự thi đã có thời điểm xuất hiện tình trạng nghẽn mạng. Vậy năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những giải pháp nào để đề phòng tình huống này và ông có khuyến nghị gì với thí sinh để quá trình đăng ký dự thi của các em được thuận lợi nhất?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Là đơn vị tổ chức thi, chúng tôi đã có sự chuẩn bị để giảm thiểu tối đa khả năng nghẽn mạng khi đăng ký. Về cơ sở hạ tầng, Đại học Quốc gia Hà Nội đã điều chỉnh về mặt hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống đường truyền, thuê hệ thống Cloud của những đơn vị, nhà cung cấp lớn để đảm bảo cơ sở hạ tầng đáp ứng khoảng 200.000 lượt đăng ký.

Năm 2024, thống kê vào thời điểm cao nhất có khoảng hơn 230.000 tài khoản đăng ký dự thi đánh giá năng lực cùng một thời điểm, khoảng trên 5.000.000 giao dịch trong cùng một giây, tức là số lượng truy cập, truy vấn rất lớn. Chúng tôi cố gắng để hệ thống đáp ứng được số liệu này, thậm chí là lớn hơn.

Tuy nhiên, việc cung cấp hạ tầng dù cố gắng bao nhiêu nhưng nếu người dùng không hiểu thì vẫn có thể xảy ra hiện tượng nghẽn mạng cục bộ. Khoảng thời gian để thí sinh đăng ký lập tài khoản, cung cấp đầy đủ hồ sơ thông tin từ họ tên, ngày sinh, giới tính, số căn cước công dân, địa chỉ,... là rất dài.

Các em nên hoàn thành việc này trước khi đăng ký ca thi vào ngày 23.2. Bởi nếu tới ngày đăng ký ca thi mới vào hoàn thiện hồ sơ, các em sẽ mất ít nhất 15-20 phút nếu đầy đủ thông tin, nếu không đầy đủ thông tin có thể chậm hơn nữa. Trong khoảng thời gian đó, số lượng truy cập rất lớn, trên 200.000 lượt đăng ký. Các em càng truy vấn, càng lập hồ sơ vào thời gian này thì càng làm nghẽn mạng, dẫn đến chậm cơ hội đăng ký ca thi. Thí sinh cũng nên xác định địa điểm đi, ca thi ngay từ thời điểm này, để tới lịch đăng ký chỉ cần vào chọn trên hệ thống.

Về mặt kỹ thuật, chúng tôi lưu ý thí sinh chỉ có một tài khoản và chỉ truy cập được trên một thiết bị, dù là máy tính hay điện thoại. Trên thực tế những năm qua, có nhiều trường hợp vì lo lắng không chọn được ca thi nên nhờ bố mẹ, người thân, bạn bè vào tài khoản đăng ký đó trên 5-6 máy tính cùng một lúc. Hệ thống của chúng tôi đã cảnh báo rằng khi đăng ký truy cập tài khoản thứ nhất bằng một thiết bị thì tất cả tài khoản khác dù có vào rồi cũng bị đẩy ra khỏi hệ thống. Như vậy, ca thi mình mong muốn, đã đăng ký rồi có thể bị tài khoản đang đăng nhập trên máy của bạn mình đẩy ra, cuối cùng gây hiện tượng nghẽn mạng và không đăng ký được.

Chúng tôi khuyên thí sinh nên chọn sẵn một thiết bị, xác định trước ca thi, địa điểm thi để tới ngày đó chỉ cần chọn trong vòng vài giây đã có thể hoàn thành việc đăng ký. Việc này không chỉ là đảm bảo có được chỗ trong ca thi của mình mà còn giảm khả năng nghẽn mạng và tăng cơ hội cho người khác.

Năm nay, chúng tôi cũng có điều chỉnh trong quy trình nộp lệ phí thi. Thí sinh nộp lệ phí hoàn toàn trực tuyến, sau khi đăng ký ca thi xong sẽ có 96 giờ để hoàn thành lệ phí, không nhất thiết phải nộp ngay. Thay đổi này cũng nhằm khắc phục hiện tượng nghẽn mạng.

 GS.TS Nguyễn Tiến Thảo khuyên thí sinh nên chọn sẵn một thiết bị, xác định trước ca thi, địa điểm thi (Ảnh: Duy Thông)

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo khuyên thí sinh nên chọn sẵn một thiết bị, xác định trước ca thi, địa điểm thi (Ảnh: Duy Thông)

Thí sinh đạt điểm cao thường có tính hệ thống hóa rất cao khi ôn tập

- GS có đưa ra lời khuyên nào cho các thí sinh trong quá trình ôn thi đánh giá năng lực? Đại học Quốc gia Hà Nội có tổ chức ôn tập hướng dẫn cho các thí sinh hay không, thưa ông?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Đối với bài thi đánh giá năng lực, thống kê của chúng tôi từ năm 2021-2024, đặc biệt là năm 2024 cho thấy số lượng thí sinh đạt được điểm cao nằm ở khu vực 2 nông thôn nhiều hơn mà không phải khu vực 3 - khu vực thành phố. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy trào lưu ôn thi đánh giá năng lực đang giảm dần, việc ôn thi theo tâm lý truyền thống cũng dần dần bị tác động, thay đổi.

Thông thường, việc ôn thi theo tâm lý truyền thống sẽ giúp thí sinh học mẹo, học tủ một phần nào đó, một dạng nào đó. Nhưng bài thi đánh giá năng lực là đánh giá toàn diện cả quá trình. Nội dung thi bao phủ chương trình THPT, từ lớp 10, lớp 11 tới lớp 12. Do đó, dù thí sinh ôn tập ở trung tâm, ở nhà hay ở trường cũng đều nằm trong nội dung của chương trình THPT hay sách giáo khoa. Với trường hợp bị “mất gốc”, chưa nắm rõ phần kiến thức nào đó thì việc ôn thi, ôn tập ở trung tâm hay ở trường đều có lợi. Còn nếu đã tích lũy ngay từ đầu một khối lượng kiến thức đầy đủ theo từng môn học, từng chủ đề, từng năm học thì chỉ cần hệ thống hóa lại vẫn có thể làm bài tốt.

Theo quan sát của chúng tôi những năm qua, thí sinh đạt điểm cao thường là những bạn có tính hệ thống hóa rất cao. Còn việc ôn thi trong một khoảng thời gian ngắn không thể giải quyết được với bài thi đánh giá năng lực.

Vừa qua, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đã biên soạn bộ tài liệu "Hướng dẫn thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2025" do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành. Đây là tài liệu chính thức đầu tiên và duy nhất hiện nay của chúng tôi nhằm hỗ trợ học sinh tự học, ôn tập và chuẩn bị hiệu quả cho kỳ thi đánh giá năng lực, trong đó đưa ra về cấu trúc bài thi; những nội dung, phạm vi kiến thức, kỹ năng hay nhóm năng lực được đánh giá; những mẫu câu hỏi và cách đánh giá, cách trả lời câu hỏi và lựa chọn làm sao để trả lời,...

Chúng tôi cũng có một lưu ý liên quan đến câu hỏi thi. Thí sinh khi đi luyện thi hay tập trung vào những “dạng tủ”. Tuy nhiên, ở bài thi đánh giá năng lực, ngoài các dạng bài, chúng tôi cũng hỏi ngay cả những vấn đề trong sách giáo khoa theo góc độ học sinh nắm bắt từ cơ bản cho đến nâng cao. Những vấn đề các em lơ mơ thì rất dễ bị “bẫy”, có nghĩa nếu các em không nắm chắc về kiến thức thì việc luyện thi không có tác dụng gì.

Tôi lấy ví dụ rất đơn giản ở môn Hóa, vấn đề đặt ra giống nhau: đổ axit vào nước và đổ nước vào axit, nhưng nếu làm trái ngược thì dễ xảy ra nguy hiểm. Học sinh nếu kỹ năng yếu rất hay lơ mơ vấn đề này. Câu hỏi chúng tôi đặt ra có thể chỉ là những vấn đề như thế. Khi nắm chắc nội dung, kiến thức trong sách, các em sẽ không bao giờ bị sai, bị nhầm.

 "Hãy thoải mái, thư giãn để có một tâm lý tự tin, vững chắc. Bởi với bài thi đánh giá lực, sự tự tin cũng chiếm tới 50% giúp các em có cơ hội được điểm trung bình và điểm khá trở lên", GS.TS Nguyễn Tiến Thảo đưa ra lời khuyên cho thí sinh (Ảnh: Duy Thông)

"Hãy thoải mái, thư giãn để có một tâm lý tự tin, vững chắc. Bởi với bài thi đánh giá lực, sự tự tin cũng chiếm tới 50% giúp các em có cơ hội được điểm trung bình và điểm khá trở lên", GS.TS Nguyễn Tiến Thảo đưa ra lời khuyên cho thí sinh (Ảnh: Duy Thông)

- Đợt thi đầu tiên của kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 đang tới gần. GS có lời khuyên nào đối với thí sinh để các em có thể tự tin, hoàn thành tốt nhất bài thi?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Đầu tiên, các em nên xác định mục tiêu nghề nghiệp và trường đại học mình muốn đăng ký xét tuyển, xem trường đó có sử dụng bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hay không. Bài thi đánh giá năng lực được thiết kế theo định hướng năng lực sở trường nên sau đó, các em cần xác định điểm mạnh của mình ở phần nào, môn học nào thì hãy chọn phần đó để yên tâm ôn tập, hệ thống hóa lại kiến thức.

Thí sinh nên có hành trình ôn tập rất cẩn thận. Bởi cho dù kỳ thi đánh giá năng lực hay kỳ thi tốt nghiệp THPT, hay bất kỳ một kỳ thi nào mà các em không chuẩn bị tâm lý tốt, không chuẩn bị nội dung kiến thức, kỹ năng tốt thì cũng khó đạt được kết quả cao. Với bài thi đánh giá lực, chúng tôi đánh giá cả một quá trình, tức là không chỉ tập trung vào một nội dung, kiến thức, một phần nào đó mà phân bố kiến thức của cả lớp 10, lớp 11, lớp 12. Đặc biệt, có những phần liên ngành giữa các môn học với nhau, đánh giá tương đối toàn diện.

Thí sinh không thể chỉ học một hai môn hoặc một hai chương, một hai phần trong một phạm vi nhỏ mà có thể đáp ứng được bài thi. Do đó, các em muốn bài thi đánh giá năng lực có điểm tốt thì phải xây dựng một kế hoạch học tập tương đối bài bản, không bỏ sót phần nào trong chương trình THPT.

Bên cạnh đó, thí sinh nên làm bài thi tham khảo, tích lũy, rèn luyện, luyện tập những kỹ năng làm bài thi trên máy tính và luyện tập kiểm soát thời gian để đạt điểm cao. Trước ngày thi, các em hãy hệ thống hóa lại toàn bộ kinh nghiệm rút ra qua quá trình làm bài thi tham khảo mà chúng tôi đã cung cấp miễn phí hoặc theo sách hướng dẫn.

Cuối cùng, chúng tôi khuyên các em không nên nặng nề về tâm lý. Hãy thoải mái, thư giãn để có một tâm lý tự tin, vững chắc. Bởi với bài thi đánh giá năng lực, sự tự tin cũng chiếm tới 50% giúp các em có cơ hội được điểm trung bình và điểm khá trở lên.

Ngoài ra như tôi đã lưu ý, các em có thể xem trước, lập tài khoản đăng ký dự thi, xác định địa điểm thi và ca thi từ bây giờ để yên tâm hơn, không bị những yếu tố khách quan tác động. Đây cũng là điều giúp các em tự tin hơn, đạt kết quả cao hơn với bài thi đánh giá năng lực.

- Trân trọng cảm ơn GS.TS Nguyễn Tiến Thảo đã chia sẻ!

Nguyễn Liên - Quốc Việt - Trang Nhung - Xuân Quý - Duy Thông

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhieu-sinh-vien-quoc-te-dang-ky-du-ky-thi-danh-gia-nang-luc-cua-dh-quoc-gia-ha-noi-nam-2025-post404063.html