Nhiều sự lựa chọn cho khách mua vé tàu tết

Tuần qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông báo sẽ bắt đầu việc bán vé tàu dịp Tết Kỷ Hợi 2019 cho khách lẻ từ ngày 1/10 thông qua các hình thức trực tuyến như trang web dsvn.vn, vetau.com.vn; tại các nhà ga, các điểm bán vé và các đại lý bán vé thuộc đường sắt Việt Nam; qua ứng dụng ví điện tử Momo; qua tổng đài bán vé 19000109 (Hà Nội) và 19001520 (TPHCM).

Việc mở rộng các kênh bán vé trực tuyến, có thể nói là một sự nỗ lực của ngành đường sắt trong những năm gần đây. Nguồn: internet

Việc mở rộng các kênh bán vé trực tuyến, có thể nói là một sự nỗ lực của ngành đường sắt trong những năm gần đây. Nguồn: internet

Đồng thời, ngành đường sắt cũng thông báo trên tuyến đường sắt Bắc – Nam, trong dịp tết sắp tới (từ 23/1/2019 đến hết ngày 22/2/2019), ngoài việc tổ chức chạy thường xuyên năm đôi tàu Thống Nhất và năm đôi tàu khu đoạn trên các tuyến Hà Nội – Vinh, Sài Gòn – Quy Nhơn, Sài Gòn – Nha Trang và Sài Gòn – Phan Thiết, sẽ tổ chức chạy thêm 15 đôi tàu, gồm bảy đôi tàu Thống Nhất và tám đôi tàu khách khu đoạn trên tuyến này.

Như vậy, trong những ngày cao điểm nhất, 24 đôi tàu sẽ được sử dụng trên tuyến đường sắt Bắc – Nam với tổng số khoảng 14.000 chỗ/ngày để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Việc mở rộng các kênh bán vé trực tuyến, có thể nói là một sự nỗ lực của ngành đường sắt trong những năm gần đây. Điều này nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm những khó khăn, sự bất tiện của khách mua vé tàu vào mùa đông khách nhất trong năm.

Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, một thành viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết ngoài trang web bán vé tàu hiện đang vận hành là dsvn.vn, đơn vị này cũng phối hợp với liên doanh nhà thầu FPT xây dựng thêm một trang web bán vé mới. Sau một thời gian thử nghiệm, trang vetau.com.vn đã được đưa vào vận hành từ ngày 5/9 vừa qua.

Trên thực tế, đây là trang web bán vé tàu trước đây của ngành đường sắt, nay được nâng cấp. Theo lời giới thiệu, giao diện mới của trang web đáp ứng được những thao tác tìm kiếm đơn giản, tạo sự thuận tiện cho người mua vé và có thể lựa chọn chuyến theo các khung giờ khác nhau. Trong trường hợp người sử dụng không có nhu cầu lựa chọn các giờ đi và giờ đến cụ thể, hệ thống sẽ cung cấp toàn bộ các khung giờ và liệt kê toàn bộ các mác tàu có trong ngày từ sáng tới tối.

Trang web mới cũng cung cấp các thông tin tổng quan nhất đối với từng mác tàu như: thông tin cụ thể về thời gian tàu di chuyển từ ga đi đến ga đến để người đi tàu chủ động sắp xếp thời gian; số chỗ còn và giá vé của tất cả các loại chỗ; các chương trình khuyến mãi…

Những bước cải tiến nói trên của ngành đường sắt, nhằm tạo thêm sự tiện ích cho người tiêu dùng, là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nền tảng bán vé trực tuyến của ngành đường sắt vẫn chưa được tích hợp vào các trang web chuyên cung cấp vé cho dịch vụ vận tải hành khách trong nước, tương tự như việc các hãng hàng không đã làm từ lâu nay. Khi muốn mua vé trực tuyến, người tiêu dùng chỉ có thể vào hai trang web kể trên hoặc vào ứng dụng “đường sắt việt nam” trên thiết bị thông minh. Việc đến nhà ga, các đại lý bán vé thực chất cũng là kiểu mua vé truyền thống, mặc dù người nhân viên bán vé thực hiện việc đặt vé trực tuyến và chấp nhận cho khách thanh toán không sử dụng tiền mặt.

Do đó, bên cạnh việc tổ chức công tác vận hành và tăng cường các chuyến tàu, thiết nghĩ ngành đường sắt nên hướng đến giải pháp mở rộng thêm các kênh bán vé qua mạng, nhằm tạo thêm sự thuận tiện cho hành khách đi lại trong mùa tết. Việc đẩy mạnh các kênh bán vé trực tuyến còn góp phần vào việc giảm thiểu tình trạng tiêu cực, cò vé, vé giả…

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-gia-dinh/nhieu-su-lua-chon-cho-khach-mua-ve-tau-tet-143981.html