Nhiều SV xuất sắc chọn làm việc ở khu vực tư nhân dù áp lực hơn nhà nước nhiều
Làm việc ở tư nhân sẽ có nhiều áp lực so với cơ quan nhà nước, tuy nhiên đây lại là cơ hội để các em thử thách bản thân và mở ra nhiều cơ hội thăng tiến.
Sinh viên sư phạm, xã hội nhân văn có xu hướng lựa chọn khu vực nhà nước nhiều hơn ngành nghề khác
Trường Đại học Khánh Hòa được sáp nhập từ Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và Trường Cao đẳng Văn hóa Du lịch Nha Trang. Bắt đầu tuyển sinh từ năm 2016 đến nay, trường đã có 3 khóa sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Đức - Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường đại học Khánh Hòa cho biết, số lượng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở trường rất hiếm, chủ yếu là các em sinh viên tốt nghiệp loại giỏi với tỷ lệ dao động từ 5-7% trên tổng số sinh viên tốt nghiệp hàng năm.
Theo thầy Đức, “tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp lựa chọn làm việc tại cơ quan nhà nước hay tư nhân tùy thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực. Theo đó, các ngành liên quan tới sư phạm và xã hội nhân văn, thì tỷ lệ sinh viên lựa chọn làm ở các cơ quan nhà nước sẽ cao hơn các ngành kinh tế, du lịch, các ngành liên quan tới chuyên môn tiếng Anh,...”
Năm 2021, trường có 173/218 sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm. Trong đó, chỉ có 35 sinh viên làm ở cơ quan nhà nước, 79 em làm ở các cơ quan tư nhân, tự tạo việc làm có 16 em và làm việc tại các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài là 9 em.
Xét riêng từng ngành nghề, ví dụ khối sư phạm, tỷ lệ sinh viên làm ở khu vực nhà nước lại chiếm phần lớn. Cụ thể, đối với ngành sư phạm toán, có 16 em làm nhà nước, 9 em làm tư nhân và 5 em tự tạo việc làm.
Trong khi đó, ở các ngành du lịch thì 100% sinh viên tốt nghiệp ra trường đều lựa chọn làm tư nhân. Năm 2021, có 99 sinh viên tốt nghiệp các ngành liên quan tới du lịch, trong đó có 94 em có việc làm: 85 em làm tư nhân, 3 em tự tạo việc làm, và làm việc tại các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài là 6 em.
Theo thầy Đức, qua khảo sát của nhà trường với các sinh viên, lý do phần lớn các em lựa chọn làm việc ở khu vực tư nhân nhiều hơn so với môi trường nhà nước do một phần về tính cách, các chính sách về chế độ đãi ngộ, lương thưởng và cơ hội phát triển, thăng tiến trong sự nghiệp.
Theo đó, khi vừa mới ra trường, nhiều sinh viên lựa chọn làm tư nhân vì các em muốn thử sức ở nhiều môi trường làm việc khác nhau thay vì làm cố định tại một đơn vị. Ngược lại, với môi trường là các cơ quan nhà nước, với những sinh viên có xu hướng muốn ổn định sớm thì đây là một lựa chọn an toàn; hoặc các em có yếu tố gia đình đặc biệt như có người thân quen làm trong cơ quan nhà nước thì đây cũng là một định hướng khá được ưu tiên.
Ngoài ra, về chế độ đãi ngộ, các chính sách về lương bổng ở các doanh nghiệp tư nhân nhìn chung sẽ có sự linh hoạt hơn so với ở cơ quan nhà nước. Về cơ hội thăng tiến ở doanh nghiệp tư nhân cũng linh hoạt và mở hơn nhiều so với cơ quan nhà nước.
“Nhiều sinh viên thừa nhận làm việc ở môi trường tư nhân sẽ có nhiều áp lực và căng thẳng hơn so với làm việc tại cơ quan nhà nước. Tuy vậy, đối với những em có năng lực thật sự, đây lại là môi trường tốt để các em thử thách bản thân, từ đó cơ hội thăng tiến được mở rộng nhiều hơn so với làm việc tại cơ quan nhà nước (vì ít phụ thuộc vào quy hoạch, tiêu chuẩn, trình độ chính trị như ở nhà nước). Tất nhiên cũng có không ít trường hợp các em yếu dễ bị đào thải, phải thay đổi nhiều môi trường làm việc khá nhiều.
Chúng tôi cũng ghi nhận nhiều trường hợp sinh viên đã phải vất vả trải qua kỳ thi viên chức với sự cạnh tranh lớn để được làm ở các đơn vị sự nghiệp nhà nước, tuy nhiên được một thời gian các em cũng từ bỏ.
Hiện nay, lựa chọn làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân vẫn là xu hướng chủ yếu của các sinh viên khi mới ra trường”.
Theo đó, để thu hút nhiều hơn người tài giỏi làm việc tại cơ quan nhà nước, thầy Đức cho rằng nhà nước cần có các giải pháp đồng bộ từ cải cách chính sách tiền lương, đề án vị trí việc làm, công tác nhân sự, đào tạo bồi dưỡng nhân viên, viên chức, người lao động…
“Công tác tuyển dụng chắt lọc tinh hoa phải đúng với vị trí việc làm; chế độ lương thưởng phải xứng đáng với vị trí việc làm và công sức bỏ ra,... có như vậy mới dễ dàng thu hút được nhiều người tài giỏi cống hiến cho đất nước”, thầy Đức phân tích.
Người trẻ ngại làm việc tại cơ quan nhà nước vì sao?
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lựa chọn làm việc tại cơ quan tư nhân, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài và tự do là xu hướng chủ yếu của các bạn trẻ hiện nay.
“Lựa chọn làm việc trong lĩnh vực nhà nước cũng có, tuy nhiên số lượng này rất ít. Các em thường có suy nghĩ làm cho nhà nước thì lương, thưởng có vài triệu, nhưng áp lực lớn, vậy nên không có nhiều bạn trẻ lựa chọn làm việc tại các cơ quan nhà nước”.
Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh nhận định, thu nhập là vấn đề chính yếu khiến nhiều bạn trẻ ngại làm việc trong cơ quan nhà nước: “Bây giờ lương, thưởng khi mới vào là khoảng hệ số 2,34 (đối với cử nhân) hay 2,67 (đối với thạc sĩ) - tương ứng với mức lương khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này thực sự quá ít và rất khó để đảm bảo đủ chi tiêu trong thời buổi bão giá hiện nay”.
Chia sẻ thêm lý do sinh viên trường chủ yếu chọn làm việc ở tư nhân, thầy Sơn cho biết, một phần lý do nữa đến từ các ngành nghề Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đào tạo ít liên quan tới nhà nước, chỉ một số ít như ngành Luật kinh tế thì có thể làm trong đơn vị sự nghiệp. Số khác nếu làm trong các cơ quan nhà nước phần đã đều do có yếu tố gia đình như cha, mẹ, cô, chú ruột làm trong nhà nước.
Muốn làm việc tại các cơ quan nhà nước đều phải trải qua kỳ thi công chức, viên chức với tỷ lệ chọi rất cao.
Ngoài ra, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn chia sẻ thêm: “Chế độ lương, thưởng tương xứng với công sức bỏ ra thì sẽ thu hút được người tài. Ở thời điểm tuyển dụng, sẽ có người giỏi nghiệp vụ, tuy nhiên theo thời gian, không ít cán bộ sẽ "bị lười' hơn do cơ chế lương, thưởng”.
Do vậy, đồng quan điểm với Thạc sĩ Nguyễn Đăng Đức, thầy Sơn cho rằng:
“Theo tôi, để thu hút được nhiều người giỏi sẵn sàng làm việc tại các cơ quan nhà nước, chúng ta cần chú trọng tới cải cách chế độ lương, thưởng cao hơn hiện nay và cơ chế cho những người làm được việc có thu nhập cao hơn.
Đồng thời, cải thiện chế độ làm việc, tăng cường hơn tính chủ động cho các cá nhân trong công việc”.
Hiện nay, xu hướng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc lựa chọn làm việc tại khu vực tư nhiều hơn so với khu vực công, không ít lo lắng về chất lượng được dấy lên. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Đức cho rằng, thực tế những nhận định chúng ta đang đưa ra chưa dựa trên một con số thống kê cụ thể nào cả, do vậy rất khó để đưa ra được kết luận chính xác.
“Chúng ta biết rằng, ở các cơ quan nhà nước có rất nhiều người tài giỏi đang làm việc và cống hiến cho đất nước rất nhiều, tuy nhiên, những giá trị và đóng góp mà họ tạo ra cho xã hội ít có thể ít được đề cập nhiều”.
Theo thầy Đức, mỗi người sẽ có quan niệm và lý tưởng sống khác nhau. Có người sống bằng lý tưởng, cống hiến hết mình vì sự nghiệp đất nước - và thực tế số này có rất nhiều. Tuy nhiên, cũng có người cân đo đong đếm nhiều hơn về mặt lợi ích kinh tế để quyết định tương lai.
“Theo tôi, người tài giỏi đang làm việc tại các cơ quan nhà nước chúng ta không phải là ít. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời kỳ trước đây, có thể số lượng những người thực sự tâm huyết, muốn cống hiến cho đất nước sẽ có phần ít hơn, điều này do ảnh hưởng một phần từ nền kinh tế thị trường ngày nay đã tác động vào lối suy nghĩ”, thầy Đức nói thêm.